HTX khó đẩy mạnh sản xuất vì thiếu dữ liệu nghiên cứu khoa học

Bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch HĐQT HTX Dược liệu An Phúc Khang (Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết dù sản xuất và chế biến nhiều sản phẩm từ nghệ bọ cạp nhưng khó khăn mà HTX đang gặp phải là loại dược liệu nghệ bọ cạp chưa được nghiên cứu, có số liệu, dữ liệu cụ thể và sâu về dược tính, công dụng, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn, nên khi tiêu thụ trên thị trường, HTX chưa có cơ sở khoa học để thuyết phục khách hàng.

Tự “mày mò” vì thiếu dữ liệu

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, HTX nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy (Chi Lăng, Lạng Sơn) dù sản xuất đa dạng các loại mật ong ngũ gia bì, mật ong bạch đàn, mật ong keo… nhưng theo các thành viên HTX, việc tiêu thụ các sản phẩm này là rất khó đối với khách hàng có am hiểu và khách hàng nước ngoài. Bởi, các nghiên cứu ở trong nước mới chỉ tập trung về công dụng của mật ong nói chung, còn thành phần, sự khác biệt, ưu điểm của từng loại mật ong vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, đa dạng. Đây là nguyên nhân khiến HTX khó ứng dụng vào thực tiễn, sản phẩm của HTX khó cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi HTX có ý định xuất khẩu.

Trong khi đó, ở Việt Nam có hàng chục loại mật ong từ hoa cà phê, hoa nhãn, cao su, sú vẹt, hoa vải, và chắc chắn mỗi loại ong hút mật từ một loại hoa sẽ có từng chất lượng mật khác nhau. Và mỗi loại hoa tuy cùng loại nhưng được trồng ở địa phương khác nhau sẽ cho chất lượng mật khác nhau. Nhưng các thông số cụ thể như thế nào về hóa học, sinh học, y học… thì dường như chưa được nghiên cứu hoặc đã được nghiên cứu nhưng chưa công bố rộng rãi khiến HTX không thể khẳng định giá trị của từng loại mật ong trên thị trường.

Có thể thấy, mật ong hay dược liệu là những nông sản, thực phẩm có thế mạnh phát triển ở Việt Nam và đang được nhiều HTX coi là sản phẩm chủ lực tại địa phương để đầu tư theo hướng hàng hóa. Nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể để phát triển những nông sản, thực phẩm này nhưng điều đó không có nghĩa là các nghiên cứu về mặt y học, sinh học, hóa học đã được phổ biến, kết luận rộng rãi.

Các nghiên cứu khoa học là cơ sở để người dân, HTX yên tâm sản xuất phát triển sản phẩm.

Chẳng hạn như sâm của Việt Nam đang được người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư và được coi là “quốc bảo”, nhưng những nghiên cứu cụ thể về mặt sinh học, hóa học chưa sâu, chưa nhiều.

PGS. TS Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội), cho biết đối với các nước trên thế giới, để xây dựng được thương hiệu của sâm trên thị trường, họ đã dành nhiều nguồn lực để tập trung nghiên cứu. Như sâm Hàn Quốc có hơn 3.700 công trình nghiên cứu đã công bố; sâm Mỹ có hơn 700 công trình nghiên cứu được công bố…, rất nhiều công trình trong số này về khía cạnh y học, sinh học. Trong khi đó, sâm Ngọc Linh ở Việt Nam mới có khoảng 30 công trình nghiên cứu nhưng chủ yếu tập trung vào thành phần hóa học, giống, cách trồng mà chưa làm rõ được các vấn đề về giá trị sử dụng. Các tài liệu về sâm Ngọc Linh hiện cũng chỉ nêu nhiều tác dụng, còn kết quả của tác dụng đó là gì thì chưa rõ ràng.

Cần có sự đồng hành

ThS Phạm Trí Nhựt, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP HCM, cho rằng để có mật ong thì ong phải hút mật từ các loại hoa và các thành phần tự nhiên trong mật hoa cũng rất phức tạp. Trong khi mật ong hiện nay không chỉ dùng để bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh mà còn dùng trong ngành công nghiệp làm đẹp, chế biến thực phẩm… nhưng các nghiên cứu về về giá trị của mật ong trong từng ngành hiện vẫn còn bỏ ngỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng từ thực tiễn.

Không chỉ mật ong, nhiều nông sản ở Việt Nam vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu một cách sâu rộng và phù hợp. Nghiên cứu về ứng dụng khoa học các loại nông sản như rong biển, hạt gấc, các loại hoa… vào phục vụ ngành y học, làm đẹp hay các phụ phẩm nông nghiệp vào chế biến thành các sản phẩm có giá trị ở Việt Nam vẫn còn thấp, nhạt nhòa. Chính vì vậy nên HTX, doanh nghiệp không có nền tảng để đẩy mạnh chế biến, đa dạng sản phẩm.

Và trong thực tiễn, nhiều nông dân, HTX có thể chế biến, phát triển một số nông sản, phụ phẩm thành các sản phẩm nhưng chủ yếu là dựa theo kinh nghiệm hoặc tìm kiếm thông tin chắp nối trên mạng nên gặp khó khăn trong việc ghi rõ thành phần, tính chất hóa học trên bao bì sản phẩm. Điều này khiến chính các HTX dù làm ra sản phẩm nhưng đôi lúc cũng không tự tin về sản phẩm của mình. Các HTX, hộ gia đình đa số có quy mô nhỏ và vừa nên không đủ điều kiện để tiếp cận các nghiên cứu khoa học mang tính chất thương mại hóa.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết các nghiên cứu về phát triển sản phẩm từ nông sản, thực phẩm ở Việt Nam hiện nay còn dàn trải, thiếu sự tập trung vào một số nông sản thế mạnh. Thậm chí, nhiều cây được coi là chủ lực như cà phê, dừa… cũng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ đến cùng để phát triển theo thị trường từ đó khó tạo thành sản phẩm và chuỗi giá trị bền vững. Điều này khiến các HTX, doanh nghiệp dễ mất cơ hội thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu thị trường thay đổi rất nhanh.

Để xây dựng bền vững nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, các nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt nhằm tạo định hướng, cơ sở cho người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, chế biến và sử dụng sản phẩm.

Chủ tịch HĐQT HTX Dược liệu An Phúc Khang Nguyễn Thị Băng cho biết, người dân, thành viên HTX có hiểu biết và kỹ năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm hạn chế nên rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các trường viện… nhằm có sự sáng tạo trong chế biến, phát triển sản phẩm, tránh tạo ra sự na ná giữa các sản phẩm.

Trước thực tế này, PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng cần tăng cường nghiên cứu về các loại nông sản. Các nghiên cứu cần bao gồm cả các nghiên cứu cơ bản (về y, sinh học), nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai nhằm ứng dụng các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Điều này cần được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, số bài báo công bố về tác dụng đa dạng sinh học, dược lý, giá trị sử dụng của từng nông sản. Chẳng hạn như với sâm-dược liệu, các nghiên cứu cần cụ thể về diện tích đạt chuẩn hữu cơ, organic; số sản phẩm phát triển thành công. Cũng cần tổng kết giá trị sử dụng của sâm, dược liệu từ thực tiễn sử dụng của các thầy thuốc thời gian qua, từ đó đặt giả thiết về giá trị sử dụng để nghiên cứu sâu hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các nghiên cứu phát triển sản phẩm từ chế biến (hấp, lên men…), chiết xuất bằng các công nghệ thích hợp, tinh chế, bào chế đi đôi với thiết kế và xây dựng tiêu chuẩn cho từng sản phẩm để tạo cơ sở dữ liệu vững chắc, đủ mạnh cho người dân, HTX sản xuất, chế biến, đặc biệt là giúp các sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang