HTX trước bài toán chinh phục thị trường nội địa

Thời gian qua, nông sản Việt đã xuất khẩu thành công nhiều thị trường lớn, thậm chí là nhiều thị trường khó tính trên thế giới và các HTX đã đóng góp không nhỏ vào việc này. Vậy nhưng, hàng hóa an toàn, đạt chất lượng do chính HTX đang sản xuất ra vẫn chật vật cạnh tranh với chính những hàng kém chất lượng ngay tại thị trường nội địa.

Có thị trường, dù khó cũng làm được

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (Long An) cho biết rau của HTX được trồng trong nhà màng, bảo đảm theo chứng nhận VietGAP và được ngành chức năng kiểm tra quy trình, chất lượng theo quy định. Nhưng để bảo đảm các điều kiện sản xuất đó thì năng suất rau chỉ bằng 2/3, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với rau trồng ngoài ruộng có sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích.

Đặc biệt, khi tiêu thụ, giá bán rau an toàn cũng không quá chênh lệch so với những rau không được kiểm soát quy trình sản xuất. Điều này không chỉ khiến nông sản của HTX khó cạnh tranh trên thị trường mà còn tác động đến doanh thu, lợi nhuận của thành viên.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc HTX hữu cơ Trực Trang (Hải Phòng), cho biết trồng thanh long theo hướng hữu cơ chắc chắn thời gian đầu năng suất giảm so với sản xuất thông thường. Canh tác hữu cơ khiến thanh long cũng dễ nhiễm một số bệnh làm hình thức của quả không được đẹp. Trong khi người tiêu dùng trong nước không quen điều này, vẫn ưa chuộng những sản phẩm đẹp về mẫu mã nhưng chưa chắc đảm bảo về chất lượng.

Rộng đầu ra ở thị trường nội địa tạo thuận lợi nhiều mặt cho các HTX.

Từng là mô hình vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) cho biết thị trường trong nước khiến HTX mất nhiều thời gian, công sức hơn trong việc tiếp cận người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu. Điều này một phần vì vẫn còn phần đông người tiêu dùng băn khoăn vì vấn đề giá cao của những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đại diện của các HTX, dù sản xuất theo hướng an toàn, bền vững là không hề dễ. Nhất là trong khi thành viên của các HTX là nông dân, việc tiếp cận khoa học công nghệ vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhưng hiện nay, kinh tế thị trường phát triển, buộc người dân, thành viên HTX phải lắng nghe thị trường, sản xuất phục vụ thị trường. Chính vì vậy, nhiều HTX đã không ngại đổi mới để sản xuất nông sản an toàn. Đặc biệt, chỉ có HTX sản xuất nông sản bảo đảm vệ sinh thực phẩm mới có thể kết nối được với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

“Nếu nhiều người dân lựa chọn nông sản an toàn, thị trường được mở rộng thì khó khăn mấy trong quá trình sản xuất HTX cũng có thể cố gắng vượt qua được dù sản xuất an toàn, hữu cơ là cả một quá trình dài và gian khổ”, ông Lê Văn Giấy cho biết.

Nông sản ngon để “nhà dùng”

Việc khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng dễ hiểu. Bởi thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) vào năm 2023 cho thấy vẫn có đến 85% nông sản nội địa tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, bán lẻ ven đường…). Như vậy, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ qua kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tự chọn…) vẫn còn thấp-chỉ 15%.

TS Nguyễn Thị Tân Lộc, Trưởng bộ môn Kinh tế thị trường, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam (Favri), cho rằng theo thời gian, tỷ lệ hàng hóa, nông sản bảo đảm an toàn bán tại kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng nhưng con đường này ngắn hay dài thì nhìn chung nông sản sản xuất bền vững vẫn gặp nhiều thách thức trong tiêu thụ.

Việc tiêu thụ tại thị trường trong nước gặp cản trở như vậy, nhưng tại các nước khác, việc tiêu thụ nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được sản xuất theo hướng bền vững có vẻ như đang trái ngược với Việt Nam.

TS Đoàn Thanh Hải (chuyên gia marketing tại Canada) cho biết, Canada có người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới nhưng người Canada sẵn sàng trả giá cao hơn một chút để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế địa phương phát triển. Người tiêu dùng nước này rất quan tâm đến những nông sản, hàng hóa được sản xuất an toàn, bền vững, quy trình sản xuất có yếu tố tác động xã hội, môi trường. Nếu sản phẩm bảo đảm được các yếu tố này, người tiêu dùng sẵn sàng trả phí thêm.

Còn tại Italia, khảo sát hành vi người tiêu dùng cho thấy cứ 2 người thì có một người áp dụng các lựa chọn tiêu dùng bền vững hơn trong 5 năm qua. Và cứ 2 trong số 3 người dân Italia cho biết họ chú ý đến việc mua các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có tính năng bền vững.

Theo TS Đoàn Thanh Hải, ở các nước hiện nay, không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến các sản phẩm xanh. Người dân, người tiêu dùng như ở Canada và Italia sẵn sàng lên kế hoạch, thời gian và đầu tư hợp lý cho hoạt động xã hội, cho sản xuất bền vững, đề cao sống xanh. Điều này tạo thuận lợi cho việc mở rộng đầu ra cho những đơn vị sản xuất bền vững chứ không giống như tại Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc dự án DGRV tại Việt Nam, cho biết nhiều HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Đức dù có quy mô lớn nhưng đầu ra không là vấn đề khó khăn đối với họ bởi ý thức sử dụng sản phẩm an toàn, được sản xuất xanh đã là chuyện “ngày thường” của những người tiêu dùng tại Đức. Chính vì vậy, nhiều HTX ở Đức khi được hỏi có ý định xuất khẩu nông sản sạch, hữu cơ sang Việt Nam không thì họ đều cho rằng sẽ không làm như vậy bởi ngay thị trường Đức cũng luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Đi liền với đó là xuất khẩu nông sản sang Việt Nam khiến họ phải gia tăng chi phí vì cung đường xuất khẩu rất xa.

Để giải quyết bài toán đầu ra ngay trên sân nhà, các chuyên gia cho rằng chủ trương phát triển xanh, bền vững đang được Việt Nam quan tâm. Trong đó, Nhà nước có những chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa bền vững, phát triển các vùng nguyên liệu thông qua HTX-doanh nghiệp.

Nhưng làm sao để tất cả người dân Việt Nam có thể tiếp cận những thông tin liên quan và có được nhận thức đúng đắn về phát triển bền vững và lối sống hòa hợp với thiên nhiên thì dường như vẫn chưa được quan tâm một cách thích đáng và phù hợp.

Bởi theo logic, khi nhu cầu nâng cao kiến ​​thức của người tiêu dùng được đáp ứng thì họ sẽ có khả năng đánh giá được đâu là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, lợi ích của sản xuất an toàn… từ đó sẽ muốn sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe cá nhân và người thân.

Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Thị Tân Lộc, để giải quyết được điều này, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về sản xuất an toàn, sản xuất xanh là những điều cần được các cơ quan quản lý quan tâm. Bởi người tiêu dùng nhiều nước hiện nay họ ưu tiên cho sản phẩm hữu cơ là ngay ở trong nhà trường và trong thực tiễn đời sống đã được tiếp cận với các kiến thức này. Người dân của họ khi cầm một sản phẩm nào trên tay đều biết cách đọc thông tin sản phẩm trên bao bì để có lựa chọn phù hợp. Nhưng điều này chưa được quan tâm ở Việt Nam. Chính vì chưa hiểu rõ ưu và nhược điểm của sản xuất bền vững nên việc lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường nội địa còn nhiều rào cản và cũng chính là thách thức đối với người trực tiếp làm nông sản an toàn.

“Khi ý thức người dân được nâng lên thì quy luật ‘sản phẩm ngon được ưu tiên cho người dân trong nước sử dụng’ sẽ diễn ra. Lúc này, HTX, doanh nghiệp làm nông nghiệp bền vững cũng dễ thở hơn với bài toán tiêu thụ”, TS Nguyễn Tân Lộc cho biết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top