Tin tức mới

Với mong muốn tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX lúa gạo tại các địa phương phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, từ đó thúc đẩy ngành lúa gạo của cả nước vươn tầm, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo đang được Liên minh HTX Việt Nam xây dựng phương án.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, mô hình HTX nông nghiệp, trong đó có HTX lúa gạo đang hoạt động ở nhiều địa phương, nhưng nhìn chung, mô hình này còn gặp những khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để phát triển theo chuỗi giá trị.

Liên đoàn HTX sẽ hỗ trợ HTX, nông dân sản xuất lúa gạo

Trước thực tế này, đi liền với Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhận được nhiều sự quan tâm.

Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cho biết, chỉ riêng tỉnh An Giang dự tính trong năm 2023, sản lượng lúa là 4,1 triệu tấn. Đây là một con số lớn nhưng làm sao để người nông dân ở nông thôn đảm bảo cuộc sống từ cây lúa mới chính là giá trị thực mà ngành lúa gạo cần mang lại.

Đặc biệt, không chỉ ở An Giang mà ở các địa phương khác, số lượng HTX nông nghiệp thành lập nhiều nhưng riêng HTX lúa gạo còn hoạt động manh mún, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa chưa đồng bộ, liên kết với doanh nghiệp còn khó khăn.

An Giang là một trong những địa phương có nhiều HTX lúa gạo đang liên kết với Tập đoàn Lộc Trời nhưng hiện phía doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn vì sản xuất lúa gạo đang gặp lực cản bởi yếu tố mùa vụ. Thực tế, lúa sản xuất chỉ có 4 tháng trong khi doanh nghiệp ký hợp đồng cả năm. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu mua lúa từ nhiều địa phương để có thể bảo đảm các hợp đồng xuất khẩu trong cả năm.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX An Giang, sản xuất lúa ở An Giang và nhiều tỉnh cũng đang đối mặt với tình trạng giá chưa ổn định do yếu tố mùa vụ. Chính vì vậy, rất cần thành lập mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm hỗ trợ HTX phát triển theo quy mô lớn. Đặc biệt, Nhà nước đã có kế hoạch cụ thể cho phát triển 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên càng cần phải thành lập mô hình Liên đoàn HTX.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp xác định ngành lúa gạo còn mang lại giá trị lớn từ các phụ phẩm của cây lúa nhưng muốn có phụ phẩm với số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến, tái đầu tư của doanh nghiệp thì phải có Liên đoàn HTX lúa gạo để có tổ chức hỗ trợ người dân và cũng là đơn vị đại diện cho người dân liên kết với các ngành chức năng, doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này.

“Nên nghĩ đơn giản, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm mục tiêu duy nhất là hỗ trợ người dân, đồng thời coi đây là hình mẫu để xem xét phát triển mô hình này”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang chia sẻ.

Trước thực trạng phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng nghiên cứu thành lập Liên đoàn là cần thiết vì trong Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể, HTX đã định hướng điều này.

Tuy nhiên, trong Luật HTX chưa có đề xuất thành lập Liên đoàn HTX nói chung, Liên đoàn HTX lúa gạo nói riêng, nên các cơ quan luật pháp cần nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể cho mô hình này.

“Trước tiên, nên thành lập đề án Liên đoàn HTX lúa gạo, Liên đoàn HTX tiêu dùng, từ đó giúp các địa phương có cái nhìn tổng thể và cũng là cơ sở để có lộ trình cụ thể phát triển mô hình này một cách phù hợp”, Tổng giám đốc Saigon Co.op đề xuất.

Hóa giải những băn khoăn

Thực tế tại Việt Nam, Liên đoàn HTX là mô hình hoàn toàn mới, nên nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng cần xem xét kỹ các yếu tố trong thành lập và hoạt động của mô hình này để hạn chế những khó khăn trong hỗ trợ người dân sản xuất lúa gạo hoạt động hiệu quả.

Ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng cơ quan thường trực Liên minh HTX Việt Nam tại phía Nam, cho biết ở Đồng bằng sông Cửu Long có những HTX sản xuất và bao tiêu lúa gạo rất lớn. Chính vì vậy, cần có thời gian để tìm hiểu thực tế các mô hình này tại các địa phương để có cái nhìn cụ thể đối với các HTX lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm có định hướng hỗ trợ các HTX phát triển hiệu quả theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Đối với việc thành lập Liên đoàn, ông Huỳnh Lam Phương cho rằng vấn đề thành viên chính thức, thành viên không chính thức cần làm rõ hơn, cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho quá trình góp vốn. Bên cạnh đó, việc Liên đoàn HTX lúa gạo có tồn tại được không cũng cần tính toán, vì hiện doanh nghiệp đang đứng ra đầu tư, bao tiêu cho HTX lúa gạo và hầu như chi phối hết chuỗi giá trị. Và khi thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo, liệu có chồng lấn với mô hình Liên hiệp HTX hay không cũng cần xem xét để có phương hướng cụ thể.

Có ý kiến cho rằng một trong những yếu tố cần quan tâm trong Liên đoàn HTX lúa gạo là kết nối thành viên. Việc liên kết thành viên như thế nào cần được xem xét cụ thể, do điều này không giống với liên kết thành viên trong HTX, trong khi Liên đoàn HTX là mô hình vừa thể hiện tính kinh tế, vừa mang tính văn hóa… Bên cạnh đó, khi thành lập Liên đoàn, HTX là thành viên của Liên đoàn thì HTX cũng phải có trách nhiệm xã hội với chính thành viên HTX. Vì vậy, cần có những thảo luận sâu rộng để kết nối thành viên Liên đoàn HTX lúa gạo một cách phù hợp.

Trước việc phát triển ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân, thành viên HTX, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam, kiến nghị để thành lập được mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo, cần nhìn vào thực tiễn tồn tại của HTX lúa gạo đang gặp phải. Đây chính là lí do cần thành lập Liên đoàn HTX. Vì vậy, trong đề án hình thành Liên đoàn HTX lúa gạo cần quan tâm đến điều này.

Đồng thời, phải xác định được mục tiêu của việc thành lập Liên đoàn HTX để tạo nền tảng vững chắc cho mô hình này đi vào hoạt động.

Trước các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Liên đoàn HTX lúa gạo là mô hình mới ở Việt Nam. Muốn biết xem mô hình này hoạt động hiệu quả hay không, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị để thảo luận, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước có mô hình Liên đoàn HTX phát triển.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, lúa gạo là ngành nghề thế mạnh ở Việt Nam, phát triển trên quy mô toàn quốc và đã hình thành được những chuỗi giá trị quy mô lớn với sự tham gia của HTX. Để phát triển ngành hàng này, có thể Liên đoàn HTX sẽ là câu trả lời cho câu hỏi mở rộng thành viên.

Kinh nghiệm từ Hà Lan cho thấy, Liên đoàn HTX sữa Cô gái Hà Lan đang thu hút đông đảo thành viên từ những người chăn nuôi bò, người chế biến sữa, người phân phối sữa, người dùng sữa… Tuy nhiên, do Liên đoàn HTX là mô hình mới, nên theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng có chọn lọc là cần thiết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương đang là kênh tín dụng hỗ trợ tích cực cho các HTX, tổ hợp tác và thành viên vay vốn. Tuy nhiên, việc tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là mong muốn của nhiều HTX.

Hiện, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa, nhiều HTX tại tỉnh Trà Vinh phải đầu tư lớn, quy trình sản xuất dài hạn khi phải đáp ứng nhiều quy định trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nguồn lực có hạn.

Mong muốn được tiếp cận Quỹ

Trước thực trạng này, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh đã tạo điều kiện cho một số HTX vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Huyền Hội (huyện Càng Long) đã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để đầu tư trụ sở, nhà kho. Khi vay vốn, HTX cũng được Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn hồ sơ bao gồm: hồ sơ pháp lý của HTX, hồ sơ tài chính, hồ sơ dự án, hồ sơ đảm bảo tiền vay, hồ sơ giải ngân… nhằm tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận nguồn vốn.

Tuy nhiên, tại diễn đàn “Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi mô hình hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX” tổ chức ngày 29/11, nhiều chuyên gia cho rằng, dù đang là kênh vay vốn của nhiều HTX nhưng có những HTX vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Cần (huyện Tiểu Cần), cho biết sản xuất trên quy mô lớn nên mỗi vụ thu hoạch lúa HTX vẫn cần nguồn vốn ít nhất từ 2 tỷ đồng để đảm bảo bao tiêu lúa cho người dân.

Tuy nhiên, khi tiếp cận Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, các HTX vẫn phải thế chấp tài sản, sổ đỏ. Nhưng tài sản thế chấp đối với các HTX thường không có hoặc có nhưng không được người nhà đồng thuận cho mang đi thế chấp. Cũng có HTX có sổ đỏ nhưng lại thế chấp ở một đơn vị tín dụng khác nên không thể vay được vốn từ Quỹ trong khi đa số các HTX hiện nay phải đầu tư lớn, quy trình sản xuất dài trong khi nguồn lực có hạn.

Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước), cho biết hiện nay một số HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhưng có một điều là số vốn vay tối đa chỉ được 1 tỷ đồng/HTX. Điều này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của các HTX.

Đồng tình với những khó khăn của các HTX trong tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), cho rằng, tài sản thế chấp của các HTX hiện phần lớn là ở khu vực nông thôn, có giá trị thấp nên nguồn vốn vay chưa thực sự lớn.

Nhiều HTX thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chủ yếu là thuộc sử hữu của hộ thành viên nên việc công chứng, xác minh nhân thân, chỉnh lý lại tài sản mất nhiều thời gian, từ đó dẫn đến nhiều HTX chưa vay được vốn…

Theo đánh giá của Liên đoàn HTX Raiffeisen Cộng hòa Liên bang Đức, hiện kênh cung cấp tín dụng hiệu quả nhất cho các HTX vẫn là Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Nhưng trên thực tế, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 10% HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương.

Ngay tại Trà Vinh, dù có đến 166 HTX và 1 Liên hiệp HTX nhưng chỉ có khoảng 30 HTX được tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Huy động vốn linh hoạt

Theo lý giải của ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, dù nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã được mở rộng từ 5 tỷ đồng (năm 2017) và được bổ sung 10 tỷ đồng vào năm 2019 nhưng thực chất nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh vẫn còn khiêm tốn nên mới chỉ giải quyết được một phần khó khăn cho một số HTX trong vấn đề vay vốn.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, làm sao để mở rộng được nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cũng là điều cần được quan tâm. Khi nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được mở rộng sẽ tạo điều kiện cho các HTX phát triển sản xuất, cụ thể là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Nhu cầu tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của các HTX là rất lớn.

Theo các chuyên gia, ưu điểm của HTX khi tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là lãi suất cho vay thấp, chỉ khoảng 0,5%/tháng, thủ tục vay nhanh gọn. Tuy nhiên, nhiều Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vẫn chưa có kế hoạch bố trí bổ sung vốn điều lệ cho quỹ trong từng giai đoạn nên chưa mở rộng được nguồn vốn, chưa chuyển đổi được mô hình hoạt động theo yêu cầu mới tại Nghị định số 45 (ngày 31/3/2021) là hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trên thế giới, TS.Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc dự án DGRV Việt Nam, cho biết ở Thái Lan hiện có Quỹ Phát triển HTX (CDF) để hỗ trợ vốn cho các HTX. Các tiêu chí xem xét cho vay đó là: sự cần thiết, tính bền vững và tính khả thi của các kế hoạch do HTX đề xuất. Đi liền với đó là hiệu quả hoạt động trước đây của HTX; khả năng quản lý và tình trạng tài chính của HTX. HTX cũng phải sao kê dòng tiền, nói rõ nhu cầu của thành viên. HTX cần có hợp đồng vay trước đây và số tiền vay của HTX phải được Cơ quan HTX phê duyệt.

Chính vì vậy, theo TS.Nguyễn Thị Tuyết Minh việc chứng minh được khả năng áp dụng công nghệ, tính bền vững trong sản xuất kinh doanh sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Trước thực tế của hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, đến nay cả nước có 42/51 Liên minh HTX các tỉnh, thành phố có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiều cán bộ tại một số Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hiện nay còn đóng vai trò kiêm nhiệm, chưa am hiểu sâu về lĩnh vực ngân hàng và kinh tế tập thể nên chưa làm tốt vai trò hỗ trợ HTX đến gần với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực, tuyển dụng nhân viên có chất lượng cao cho các quỹ là điều cần quan tâm. Đi liền với đó các địa phương cũng cần xem xét, bố trí nguồn bổ sung vốn điều lệ cho các quỹ, hỗ trợ quỹ huy động các nguồn vốn hợp lệ, hợp pháp trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn hoạt động; tăng cường liên kết, hợp tác trong hệ thống các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

“Liên minh HTX các tỉnh, thành cần tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại và chuyển đổi mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX một cách phù hợp; cơ cấu tổ chức, bộ máy, bổ sung vốn điều lệ tùy theo tình hình thực tế và đề xuất của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã tập trung định hướng, hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.

Vườn vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Điền.

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Phong Ðiền quan tâm, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Trong 10 tháng năm 2023, huyện Phong Ðiền vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái 72ha và 292ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, triển khai thực hiện 10 mô hình VietGAP trên cây ăn trái. Huyện hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố đánh giá xếp hạng và công nhận 4 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2023, gồm: bánh hỏi mặt võng Út Dzách, Làng du lịch Mỹ Khánh, vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng.

Bên cạnh đó, huyện Phong Ðiền hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho sản phẩm OCOP tiềm năng như trà Cao Trường Phát, nhãn Ido, yến sào Mỹ Khánh, tửu trùng thảo. Huyện hỗ trợ, hướng dẫn cho 32 sản phẩm nông sản quảng bá và tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” và check.cantho.gov.vn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, vườn cây ăn trái trên địa bàn được tập trung cải tạo mới và quy hoạch theo hướng chuyên canh, đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh như sầu riêng xã Tân Thới 943ha, vú sữa xã Giai Xuân 318,2ha, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái 386ha, nhãn xã Nhơn Nghĩa 330ha…

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Hợp tác xã được chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP, Global GAP và cấp chứng nhận, nhờ vậy, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp, đối tác. Hiện toàn hợp tác xã có 45ha đất chuyên canh vú sữa, sầu riêng và phần lớn sản lượng thu hoạch đã có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài thành phố. Qua đó, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho thành viên…

Trong khi đó, Cờ Ðỏ là huyện thuần nông vùng ngoại thành, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất được xem là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với xây dựng NTM. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về việc tăng cường liên kết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Theo đó, huyện Cờ Ðỏ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, chú trọng chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế vườn, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo chuỗi giá trị, tập trung gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Nhờ vậy, doanh thu bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Cờ Ðỏ tăng theo từng năm; ước tính năm 2023 đạt hơn 193,7 triệu đồng/ha, vượt 5% kế hoạch. Lợi nhuận bình quân gần 89,4 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 29,9 triệu đồng so với năm 2022. Huyện đã thành lập mới 9 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện là 46 hợp tác xã.

Hiệu quả của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế các địa phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế – xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nông dân sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, gắn với nhu cầu người sử dụng, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ðồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho từng khu vực đê bao gắn với phát triển giao thông nội đồng; tạo điều kiện ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân…

Theo Báo Cần Thơ

Có một thực tế nan giải thường thấy ở các HTX hiện nay là thiếu nhân lực, nhân lực “già hóa” trong khi đó lại khó tuyển thêm được nhân lực mới đã qua đào tạo. Điều này khiến cho nhiều HTX khó khăn trong phát triển sản xuất, mở rộng quy mô thị trường…

Đây là một trong những vấn đề nổi cộm được các đại biểu HTX nêu ra tại Diễn đàn phát triển mô hình kinh tế HTX – Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững vừa được Tạp chí Kinh doanh tổ chức. Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hà Nội, cho biết: “HTX chúng tôi tự hào có đến 7 kỹ sư nhưng nguồn nhân lực thực tế vẫn còn rất khó khăn. Với HTX thì việc mời được các bạn trẻ đã đào tạo chuyên ngành về làm việc là rất khó. Dù đã đưa ra mức lương 10 triệu trở lên nhưng vẫn không thể thu hút được”. 

Thiếu nhân lực trẻ, nhân lực trình độ cao

Chia sẻ rõ hơn, ông Thám cho biết, HTX hiện đang triển khai rất nhiều hình thức áp dụng công nghệ, đổi mới trong canh tác nông nghiệp như hệ thống nhà lưới có tưới tiêu tự động, hệ thống cảnh báo thời tiết, hệ thống truy xuất nguồn gốc… Tuy người dân rất nhiệt tình, mong muốn tiếp cận khoa học để phát triển nhưng còn hạn chế rất nhiều về nhận thức, kỹ năng, cần người có kiến thức hướng dẫn, giúp đỡ.

“Điều đáng nói, toàn bộ diện tích 17,8 ha canh tác và nhà máy 500m2 chỉ có 7 kỹ sư nông nghiệp quản lý, không thể chăm lo, hướng dẫn hết được. Chưa kể, mong muốn mở rộng thị trường, tiếp cận thương mại điện tử của HTX cũng mới chỉ là ý tưởng, cứ tính rồi lại thôi bởi không biết phải triển khai như thế nào, nắm bắt thị trường ra sao khi không có những nhân lực trẻ có chuyên môn marketing năng động, sáng tạo hỗ trợ”, ông Thám nói. 

Bên cạnh vấn đề thiếu nhân lực trẻ, có trình độ việc nhân lực ngày càng “già hóa” cũng khiến các HTX khó đi lên bền vững. Những cán bộ có tuổi dù tâm huyết với công việc nhưng lại thiếu đi sự sáng tạo, bứt phá, không chỉ vậy họ thường gặp khó khăn trong nắm bắt thị trường, tiếp cận với khoa học công nghệ,… 

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngô Bắc (Quảng Bình) cho biết: “Hội đồng quản trị của HTX gồm 3 thành viên thì đều đã ở vào tuổi ngoài 60. Mặc dù trên thực tế, thực trạng “già hóa” đội ngũ quản lý HTX, nhất là các HTX nông nghiệp dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sổ sách kinh doanh… Tuy nhiên, đặc thù của HTX chủ yếu làm các dịch vụ về nông nghiệp nên rất khó giao lại cho đội ngũ trẻ và người trẻ thường không mấy mặn mà”.

50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo

Thực tế thì câu chuyện thiếu nhân lực không chỉ ở HTX của ông Thám và ông Nghị mà diễn ra ở hầu khắp các HTX trên địa bàn cả nước. Qua rà soát của Bộ NN&PTNT cho thấy mới chỉ có khoảng 20% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 30% có trình độ sơ cấp và trung cấp và còn khoảng 50% cán bộ HTX chưa qua đào tạo.

Ông Ngô Gia Hồng Đức, giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, cho biết: Riêng đối với các HTX thuần trồng lúa, độ tuổi trung bình của đội ngũ quản lý khoảng 48-52 tuổi và đang có sự “già hóa”.

Lý giải về điều này, ông Đức nói rằng, đối với các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa, độ tuổi của HĐQT gần như được xem là tiêu chí “cứng”, bởi các HTX này liên quan đến an ninh lương thực, an ninh xã hội và các công việc ích lợi khác tại thôn, xóm. Giám đốc, HĐQT các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa vì thế thường phải là người có kinh nghiệm, có uy tín và nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đều lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX. Bình quân mỗi năm có từ 12-15 lớp với hơn 1.000 học viên từ 300 HTX tham gia với đủ thành phần từ kế toán, kiểm soát cho đến đội ngũ quản lý, HĐQT các HTX.

Đánh giá về tình trạng nhân lực hiện nay ở các HTX, giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Lan: “Nhìn chung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao.”

Nguyên nhân khó thu hút nhân lực trẻ, nhân lực trình độ cao được các HTX đưa ra là do tồn tại quan niệm làm việc trong HTX thu nhập không bảo đảm. Ngoài ra, những định kiến về môi trường nông nghiệp như vất vả nhưng khó phát triển, không được cọ xát, không hiện đại cũng là lý do khiến các lao động ngần ngại không ứng tuyển vào công việc tại các HTX.

Giải pháp nào để nhân lực trẻ về ‘đầu quân’ cho HTX?

Theo các chuyên gia, để thu hút được những người trẻ, những người đã qua đào tạo tới làm việc tại các HTX thì điều thiết yếu cần làm là thay đổi nhận thức của họ, giúp họ hiểu biết đầy đủ hơn về mô hình kinh tế tập thể hợp tác, HTX. 

Vì vậy, hoạt động tuyên truyền về những điểm tích cực, lợi ích của mô hình HTX; đưa ra những dẫn chứng thiết thực về các HTX theo mô hình mới, hiện đại; hay tích cực truyền thông về những HTX đạt thành tựu tốt, thu nhập cao… là những cách làm hiệu quả để thu hút người trẻ quan tâm đến HTX.

Thực tế vài năm trở lại đây, có một số HTX do những người trẻ 8X, 9X làm chủ, vận hành hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tiêu biểu như dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, du lịch sinh thái… Những mô hình như vậy rất nên được quảng bá, tuyên truyền lan rộng để được biết đến nhiều hơn nữa, tạo sự đổi mới trong tư duy về mô hình kinh tế hợp tác với xã hội nói chung và người trẻ nói riêng. 

Trở lại với Diễn đàn phát triển mô hình kinh tế HTX – Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, trao đổi với các HTX, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, để giải bài toán nhân lực trẻ, có trình độ thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bài bản. “Các trường, viện nên nghiên cứu, phát triển những mã ngành, nghề nghiệp đào tạo nào đó để có thể hình thành ra thế hệ sau có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn đối với việc phát triển mô hình HTX.“ bà Vân nói.

Người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam nói rằng, việc đào tạo hiện nay dù có nhưng chưa hiệu quả và chưa đi vào thực chất, chính điều đó đã khiến HTX trong suy nghĩ của sinh viên dường như vẫn là con số 0. “Chúng ta đào tạo, bồi dưỡng không thiếu nhưng vẫn chưa “vào bài”. Bộ ngành nào, địa phương nào cũng có thể đào tạo nhưng chưa biết đào tạo theo chuẩn ra sao, bồi dưỡng theo tiêu chí nào”, bà Vân nói đồng thời yêu cầu liên minh HTX cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục tình trạng trên.

Nhận định vấn đề nhân lực trẻ, nhân lực chất lượng cao cho HTX chưa thể được giải quyết nhanh chóng trong ‘một sớm một chiều’. Do vậy, lãnh đạo liên minh HTX đề nghị, trong bối cảnh khó tuyển nhân lực trẻ thì các HTX không thể ngồi im chờ đợi mà cần chủ động chú trọng đào tạo, phát triển thêm nguồn nhân lực hiện có.

“Việc định kỳ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giám đốc HTX về các kiến thức quản trị, xây dựng kế hoạch, liên kết doanh nghiệp, tham gia thị trường… cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục”, bà Vân nhấn mạnh.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác. Trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 tổ hợp tác. Khu vực HTX đang thu hút  3,2 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.
Đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình HTX, chúng ta đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Điển hình như khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh, chúng ta có thể nghĩ đến các HTX ở Bến Tre, Sóc Trăng; hoặc khi nhắc đến sản phẩm miến dong riềng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu. Ở khu vực miền Trung, khi nhắc đến sản phẩm nho, ai cũng nghĩ ngay đến các HTX nho ở Ninh Thuận…
Như vậy, nhờ có các HTX mà các sản phẩm vùng, miền địa phương có thương hiệu, được người dân trong cả nước biết đến.
Hiện nay, đã có nhiều HTX ở các địa phương tuy quy mô nhỏ nhưng hoạt động rất hiệu quả, doanh thu hằng năm đạt trên dưới 20 tỷ đồng. Đây chính là những mô hình điểm để các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Điển hình như mô hình trồng quế ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Mô hình này được coi là giải pháp quan trọng, giúp người dân mở rộng sinh kế, tăng thu nhập. 
Tận dụng lợi thế của vùng về cây quế có giá trị kinh tế cao, được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương, anh Lý Văn Cầu ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn và một số hộ dân đã cùng nhau góp vốn để thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây với ngành nghề chính là thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế tại địa phương. HTX đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ quế.
Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 3/2022 nhưng bình quân mỗi tháng, HTX đã có mức thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng (sau khi đã trừ các chi phí hoạt động), mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trồng quế. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
 
Hay như mô hình HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập ở Mộc Châu (Sơn La) với  20 năm kinh nghiệm phát triển. Nhờ có HTX mà các hộ dân đã liên kết được với nhau để trồng chè, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển. Đồng thời giúp cây chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.
Hiện nay, HTX chè Tân Lập đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ, đây là một hướng đi bền vững theo chủ trương, tinh thần của Chính phủ phát động. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ và tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cây chè đạt tiêu chuẩn, tạo dựng được vùng nguyên liệu sạch, hướng tới vùng nguyên liệu hữu cơ và thu hút được các hợp tác xã cùng lĩnh vực ở các vùng lân cận đến thăm quan, học hỏi.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay, các khu công nghiệp lớn chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa được đầu tư nhiều, do đó vai trò của HTX, tổ hợp tác rất quan trọng. Sự xuất hiện của HTX và tổ hợp tác ở vùng DTTS và miền núi đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. 
Đơn cử, tại huyện Mường Tè (Lai Châu), có trên 30 HTX đang hoạt động tại 6 xã, thị trấn, trên các lĩnh vực xây dựng, nông – lâm – ngư – nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Với tổng doanh thu các HTX trên địa bàn huyện đạt 908 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 52,75 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 45 triệu đồng/năm. Thông qua phát triển HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm người dân trên chính mảnh đất quê hương của mình.
HTX, tổ hợp tác hình thành các dịch vụ liên kết như: Hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm…,từng hộ gia đình liên kết trong thôn bản, dòng họ với nhau tạo ra mối liên kết kinh doanh sản xuất, từ đó tạo ra mối liên kết kinh doanh sản xuất cho người dân rất tốt…
Đặc biệt, thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển, tổ hợp tác đã biết dùng điện thoại thông minh của cá nhân để kết nối thông tin, liên kết, giao lưu với nhau qua mạng, từ đó để hỗ trợ, hướng dẫn nhau. Mô hình này được biết đến nhiều trong lĩnh vực du lịch, đem lại hiệu quả thiết thực. 
Đây là những dấu hiệu bước đầu, rất thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025.

Theo vca.org.vn

Nếu như các doanh nghiệp có kiến thức chuyên môn, mức hiểu biết cao, năng lực tài chính lớn sẽ thuận lợi trong tận dụng tối đa lợi ích từ việc sử dụng công nghệ trong quản lý chuỗi giá trị hàng hóa, thì các HTX dù rất muốn ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi, truy xuất nguồn gốc lại thiếu các tiềm lực về chuyên môn, tài chính.

PGS.TS Mai Quang Vinh, chuyên gia nông sinh học cho biết, làm sao quản lý được chất lượng nông sản nói chung hiện vẫn là điểm yếu ở Việt Nam.

Khó quản lý đầu vào nếu chỉ làm thủ công

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay, một số tổ chức xác nhận là bên thứ ba cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra bất ngờ về quy trình sản xuất của người dân, HTX từ vật tư đầu vào đến đầu ra nhưng rất khó khăn.

Đáng chú ý, quy trình kiểm tra hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo cách thức truyền thống, bằng nguồn lực con người nên tính hiệu quả và bao trùm rộng rãi là không cao. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu, nhất là EU yêu cầu rất nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, và chỉ có công nghệ mới đáp ứng được điều này.

Từ thực tế tư vấn phát triển chuỗi và áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc cho HTX Đồng Phú, HTX Nam Phương Tiến (Hà Nội) với diện tích lên đến hàng trăm héc ta, PGS.TS Mai Quang Vinh nhận thấy nếu không áp dụng công nghệ thì không thể quản lý được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Và khi không đảm bảo và quản lý được chất lượng nông sản thì không thể liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước bao tiêu, xuất khẩu.

Đầu tư công nghệ trong HTX cần được khuyến khích, hỗ trợ thì mới có tính lan tỏa cao.

Nhiều nông dân nói rằng trong trồng lúa hữu cơ, nếu bón 3 tấn phân chuồng nhưng có thể đạt 6-7 tấn thóc/ha là không đáng tin, vì khi nghiên cứu thành phần hữu cơ, các nhà khoa học đã tổng kết là phải sử dụng đến 30 tấn phân chuồng trên 1ha mới cho năng suất lúa 6-7 tấn.

Hoặc nhiều đơn vị sản xuất phân bón lại quảng cáo, hướng dẫn nông dân chỉ cần bón 1,6 -1,7 tấn phân là cho năng suất cao cũng là điều không tưởng. Vì vậy, ngay đầu vào như thế nào, khối lượng phân, thuốc, nước, đất… ra sao cần quản lý chặt chẽ bằng công cụ khoa học, nếu không thì không thể cho ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Nhận thức được vai trò của áp dụng công nghệ vào quản lý chuỗi hàng hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản nhưng theo không ít HTX, dù rất muốn nhưng do nguồn lực tài chính có hạn và đầu ra nông sản bấp bênh khiến HTX luôn rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi. Vì vậy, các HTX không đủ nguồn vốn ban đầu để đầu tư cũng như duy trì các khoản chi phí định kỳ.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống truy xuất chỉ được triển khai bởi các doanh nghiệp và một số HTX sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường hiện đại (đưa nông sản vào siêu thị hoặc xuất khẩu) vì các thị trường phân phối hiện đại yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Còn những HTX, hộ dân sản xuất và tiêu thụ ở thị trường truyền thống (các chợ dân sinh, chợ đầu mối, thương lái) vẫn chưa đầu tư cho vấn đề này.

Không thể coi HTX là nơi thử nghiệm

Đòi hỏi của thị trường về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc buộc việc áp dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua đối với người sản xuất cũng như quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, cho rằng trong khi nông dân, HTX gặp khó khăn hạn chế về nhận thức, tài chính, nhân lực thì các đơn vị làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cần làm sao để khách hàng là người dân, HTX đến gần mình hơn.

Hiện có nhiều đơn vị sản xuất khó tiếp cận với các đơn vị làm dịch vụ về áp dụng công nghệ trong sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp này phải hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng một cách phù hợp nhất trong cả quá trình thay vì chỉ đến hỗ trợ trong thời gian ban đầu. Bởi, HTX được hỗ trợ, tư vấn, đồng hành trong sử dụng công nghệ và ứng dụng hiệu quả thì không chỉ HTX có lợi mà các doanh nghiệp làm dịch vụ cũng có lợi.

Trong một diễn đàn gần đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nêu vấn đề nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu thường lấy HTX làm nơi để thử nghiệm dịch vụ, công nghệ của mình. Điều này là không thể mang lại hiệu quả về quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu, vì đối với HTX, thử nghiệm nếu thất bại thì tất cả những gì HTX đang có là “đổ sông, đổ bể”.

Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học phải coi HTX là nơi phát triển, không thể mang HTX ra là nơi thử nghiệm các nghiên cứu khoa học, nhất là những nghiên cứu khoa học chưa được chứng nhận.

Bên cạnh đó, hiện Nhà nước có nhiều quy định về truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về truy xuất nguồn gốc cho nhóm rau quả cụ thể nên gây khó cho những đơn vị trực tiếp sản xuất.

Trong khi, ở các nước như EU, Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã ban hành các quy định truy xuất cụ thể đối với các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro mất an toàn cao, sản phẩm có giá trị cao hoặc sản phẩm đặc sản.

Chẳng hạn như EU đã có các quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm có nguy cơ cao: rau mầm và hạt giống để sản xuất rau mầm. Và Italia có quy định để giúp người sản xuất tuân theo các quy định ban hành bởi EU về truy xuất nguồn gốc đối với rau mầm và hạt giống để sản xuất rau mầm. Ngoài ra, Italia cũng thực hiện áp dụng truy xuất nguồn gốc tập trung và các sản phẩm đặc sản, có giá trị cao như dầu ô liu và rượu vang… Điều này tạo thuận lợi cho người sản xuất và giúp các nông sản xuất khẩu dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường.

Để tháo gỡ khó khăn về năng lực tài chính cho người dân, HTX trong áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, các chuyên gia cho rằng việc khuyến khích tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia do Chính phủ đầu tư và triển khai là cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu tối thiểu trong thực hiện truy xuất nguồn gốc. Muốn vậy, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truy xuất quốc gia đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ về nhiều mặt cho nông dân, HTX như: hướng dẫn, hỗ trợ HTX tham gia các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ miễn phí hoặc có lệ phí thấp.

Ví dụ, tại Trung Quốc, mã QR được quảng bá và sử dụng rộng rãi ở các đơn vị bán lẻ lớn cũng như các chợ đường phố do chi phí triển khai thấp và dễ áp dụng. Điều này cần được Việt Nam học tập để tạo tính lan tỏa cao trong truy xuất nguồn gốc.

Theo Báo Cần Thơ

Thời gian qua huyện Vĩnh Thạnh đã huy động sức dân cho công tác xây dựng hạ tầng nông nghiệp, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, cánh đồng lớn liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả cao…

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, những năm gần đây, kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương tiếp tục được đổi mới và phát triển theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7-4-2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, ngành Nông nghiệp huyện đã thể hiện được vai trò trong định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề và giảm nghèo bền vững. Ðiển hình HTX nông nghiệp Khiết Tâm thành lập năm 2015, với ngành nghề như sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao; dịch vụ bơm rút nước; dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp; dịch vụ sấy lúa và lưu kho… Hiện HTX có tổng diện tích đất liên kết sản xuất 1.453ha, với 557 hộ nông dân, trong đó diện tích đất của thành viên HTX là 343ha, với 40 thành viên; còn lại là các hộ liên kết sản xuất, với diện tích 1.110ha. Nhiều năm qua, HTX hoạt động đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước, đem nhiều lợi nhuận cho thành viên, hộ dân liên kết sản xuất…

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Khiết Tâm, cho biết: “Hiện nay, các ngành nghề hoạt động về dịch vụ, sản xuất nông nghiệp của HTX được nâng cấp. Ðiển hình phun thuốc bằng máy bay được trang bị rất tiện lợi cho người sản xuất. Các máy bay phun thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật không những đáp ứng nhu cầu cho xã viên mà cho cả bà con bên ngoài HTX, góp phần giảm chi phí, công sức chăm sóc lúa… Hiện HTX có kế hoạch ký hợp đồng mở thêm diện tích sản xuất với doanh nghiệp về lúa giống, lúa chất lượng cao trong vụ mùa đông xuân 2023-2024…”.

Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương phát triển khá tốt mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và được đánh giá có sự chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng tăng, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác có bước tiến bộ và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Ðến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã có 20 HTX nông nghiệp hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau, với tổng vốn điều lệ 37,859 tỉ đồng, 775 thành viên. Hoạt động của HTX và các tổ hợp tác chủ yếu hỗ trợ thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện. Qua đó góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh có 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP đạt 4 sao (Chả Lụa Kim Ngân, Chả Chiên Kim Ngân, Giò thủ Kim Ngân) và 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao… góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh ở nông thôn.

Ðầu tư hạ tầng cơ sở kết nối phát triển nông thôn là một trong những mục tiêu mà huyện Vĩnh Thạnh hướng đến, nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Tính đến giữa tháng 11-2023, huyện Vĩnh Thạnh đã có 9/9 xã được công nhận xã văn hoá và đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020; 4/9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1/9 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kế hoạch đến cuối năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh công nhận xã Vĩnh Bình, Vĩnh Trinh, Thạnh Tiến đạt xã NTM nâng cao; năm 2024 công nhận xã Thạnh Mỹ, Thạnh Quới đạt xã NTM nâng cao, xã Thạnh Thắng đạt xã NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn một số tiêu chí huyện NTM nâng cao. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, công nhận 9/9 xã đạt xã NTM nâng cao; công nhận 2/9 xã đạt xã NTM kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao…

Theo ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, huyện tập trung sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Ðẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; đồng thời đẩy mạnh xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn và tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao…

Mới đây, trong chuyến tham quan, thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã NTM tại huyện Vĩnh Thạnh, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đánh giá cao các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ðồng chí nhắc nhở trong thời gian tới, các HTX cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhất là các sản phẩm lúa, gạo; quan tâm mở rộng quy mô sản xuất, tăng thành viên, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Kế hoạch phát triển huyện NTM nâng cao gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, đảm bảo hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ. Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tháo gỡ khó khăn, tăng gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thống kê, ghi nhận các đề xuất của HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trình thành phố xem xét, hỗ trợ phát triển…”.

Theo Báo Cần Thơ

Việc quản lý chứng nhận hữu cơ chưa chặt chẽ đi liền với các quy định trong sản xuất vẫn còn bất cập đang dẫn đến tình trạng “hữu cơ tự phong”, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp, người dân làm hữu cơ chân chính.

Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union, cho biết thực tế trong quá trình hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho thấy, có những đơn vị có chứng nhận hữu cơ nhưng nguồn gốc của chứng nhận như thế nào, quy trình được chứng nhận và quản lý chứng nhận ra sao vẫn chưa rõ ràng. Điều này tạo sự không công bằng trong cạnh tranh, nhất là đối với những HTX, doanh nghiệp có chứng nhận hữu cơ đảm bảo quy định.

Lỗ hổng quản lý

Thống kê của Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trên cả nước có gần 40 đơn vị đứng ra chứng nhận hữu cơ TCVN, 120 tổ chức đánh giá hữu cơ phù hợp từ các tổ chức trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức chứng nhận hữu cơ nhưng chưa đăng ký. Điều này được cho là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có chứng nhận hữu cơ nhưng theo kiểu “tự phong”.

Có thể thấy, trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiện nay, đơn vị sản xuất có chứng nhận hữu cơ là điều quan trọng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn là lòng tin vì nếu chứng nhận chứng nhận hữu cơ một cách tràn lan thì không mang lại hiệu quả thiết thực cho nền nông nghiệp và cho cả người sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Quý Hòa Bình cho rằng, các nước trên thế giới kiểm soát chứng nhận hữu cơ rất chặt nên họ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của đơn vị quản lý. Các đơn vị ở nước ngoài muốn sản phẩm của mình là hữu cơ thì phải có logo có mã code để kiểm tra. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ mà sai sẽ bị phạt đến 11.000 USD. Điều này cho thấy, cơ quan chức năng của họ đang làm rất tốt vai trò quản lý các đơn vị chứng nhận trong ngành hữu cơ, còn Việt Nam chưa làm được.

Những quy định chưa rõ ràng trong chứng nhận, quản lý khiến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế vẫn tự vào Việt Nam mà không có sự thông báo, không có sự quản lý của cơ quan nhà nước, dẫn tới không ít khó khăn cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việc này cũng dẫn tới khó giải quyết tình trạng trăm hoa đua nở trong chứng nhận.

Bên cạnh vấn đề quản lý, những lỗ hổng từ các quy định trong chứng nhận hữu cơ TCVN cũng đang làm khó các đơn vị sản xuất, các tổ chức chứng nhận làm hữu cơ. Bà Nguyễn Thu Hà, Công ty cổ phần chứng nhận hữu cơ IQC, cho biết doanh nghiệp đang chứng nhận cho khách hàng nhưng các quy định về vấn đề vùng đệm không được ghi rõ ràng để nông dân, HTX áp dụng.

Còn đại diện Công ty cổ phần chứng nhận Quốc Tế, cho biết trong quá trình đánh giá và hỗ trợ thì người dân, HTX có thấy ý kiến phản hồi là họ vẫn còn vướng mắc về nguồn gốc, phân bón hữu cơ như thế nào để có thể yên tâm thực hiện theo quy định của nông nghiệp hữu cơ.

Không có HTX sẽ không có sản phẩm hữu cơ xuất khẩu

Thực chất, Chính phủ đã có nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ như Nghị định 98 về khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất, Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Nhưng vấn đề quản lý, giám sát chưa thực sự tốt không chỉ tạo ra lỗ hổng về chất lượng sản phẩm trên thị trường mà còn gây khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp trực tiếp làm nông nghiệp hữu cơ.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết vấn đề khúc mắc của chứng nhận hữu cơ TCVN là việc đánh giá vùng đệm không có điều gì là cố định. Thay vào đó, người tư vấn cho các đơn vị làm nông nghiệp hữu cơ phải dựa vào tình hình thực tế để tư vấn nên không có một con số cố định như vùng đệm phải 5m hay 10m.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đầu vào, cụ thể là phân bón được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ chỉ ghi là các chất được phép sử dụng và các chất không được sử dụng. Từ đây, người dân, HTX phải dựa rất nhiều vào đơn vị tư vấn, hỗ trợ vì họ không thể tự biết hết chất nào được phép sử dụng, chất nào không được phép sử dụng. Hoặc nếu không có đội ngũ tư vấn thì khi HTX, nông dân muốn sử dụng loại phân nào phải tiến hành kiểm tra, đi test tại các cơ sở uy tín thì mới biết loại phân đó có những chất đủ yêu cầu. Điều này là gây tốn kém đối với người dân, HTX.

Vì vậy, theo bà Từ Tuyết Nhung, cần có danh sách phân bón sử dụng trong sản xuất hữu cơ và các loại phân này phải được kiểm nhận, đánh giá và được công nhận là vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. “Hiện chỉ quy định các chất được phép và không được phép nên chưa rõ ràng cho người dân, HTX trong thực tiễn thực hiện sản xuất”, bà Nhung chia sẻ.

Ngoài ra, theo Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ thì các tổ chức chứng nhận hữu cơ phải đăng ký và phải cấp mã mới được thực hiện chứng nhận trên thị trường. Hiện, cơ quan quản lý mới nắm được 40 tổ chức đánh giá đã đăng ký nhưng để bảo đảm công bằng và thuận tiện cho những đơn vị sản xuất có nhu cầu chứng nhận, Nhà nước cần có một hệ thống danh sách các đơn vị chứng nhận đã được đăng ký để các đơn vị sản xuất biết và tìm các đơn vị chứng nhận đủ điều kiện một cách thuận tiện hơn.

Ông Lê Quý Hòa Bình, cho biết tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu cũ sắp hết hạn. Theo đó, doanh nghiệp, HTX Việt Nam muốn xuất sang châu Âu phải có chứng nhận theo quy định mới. Trong chứng nhận mới quy định, từ 1/1/2025 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận riêng, không nằm dưới tên của tổ chức xuất khẩu. Thay vào đó, nhóm nông dân phải có pháp nhân- tức là phải được chứng nhận thông qua HTX.

Quy định hữu cơ mới của châu Âu được cho là trùng với chỉ đạo của Chính phủ về phát triển HTX hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại không ít địa phương, việc thành lập HTX còn khó, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa vì quy trình đăng ký thành lập phải lên cấp huyện. Đi liền với đó, các chính sách hỗ trợ đối với các HTX đã có nhưng các điều kiện hỗ trợ bị ràng buộc rất nhiều yếu tố. Điều này khiến các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn rất khó phát triển ở các địa phương.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ không thể có sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi châu Âu. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để HTX sản xuất hữu cơ có thể phát triển một cách thuận lợi hơn”, ông Lê Quý Hòa Bình cho biết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Nhiều HTX chăn nuôi theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn và đưa thịt vào các hệ thống phân phối hiện đại đang gặp khó khăn trước tình trạng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, quay sang lựa chọn thịt tại các chợ truyền thống. Để giữ khách và đứng vững trên thị trường, những HTX này cần tìm cách để rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Hà (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết trước đây thỉnh thoảng gia đình chị cũng mua thịt mát trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi về dùng nhưng mấy tháng nay, tuyệt nhiên điều này không diễn ra.

Nhu cầu tiêu dùng giảm

Thay vào đó, chị mua thịt lợn ở những quán trong chợ truyền thống. Điều này một phần là vì đi chợ gần hơn, một phần nữa là giá thịt lợn bán ở chợ rẻ hơn. Ngay như thịt ba chỉ mua ở chợ cũng rẻ hơn từ 30-50 nghìn đồng/kg. Đây là số tiền không hề nhỏ, giúp chị cân đối bữa ăn gia đình.

Theo các chuyên gia, cơ cấu nguồn đạm trong bữa cơm của người Việt, trước đây thịt lợn chiếm tỷ lệ khoảng 60-70%, phần còn lại là thịt bò, thủy sản, thịt gia cầm, thủy sản… Tuy nhiên hiện nay do thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi nên họ có xu hướng chuyển sang các loại thực phẩm khác. Và ngay trong mảng thịt lợn cũng có sự tính toán cho phù hợp hơn với túi tiền.

Ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos VN, cho rằng giá thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng tăng trong khi kinh tế khó khăn, do đó người tiêu dùng giảm mua và tìm nguồn cung thay thế hợp túi tiền hơn. Trong đó có việc sử dụng các loại thịt trực tiếp và tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống.

Không ít HTX đang đầu tư chăn nuôi và chế biến theo chuỗi giá trị.

Còn theo ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp – dịch vụ – thương mại An Phát (Bình Phước), dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít dùng thịt lợn, dù đó là thịt đã được đưa vào các cửa hàng tiện lợi hay có thương hiệu.

Việc chuyển từ sử dụng các loại thịt được sơ chế trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sang thịt được bán tại các chợ truyền thống sẽ ảnh đến những người dân, HTX chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, có tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (Bắc Giang) cho biết, dù vào được hệ thống siêu thị Aeon nhưng lượng thịt của HTX tiêu thụ tại đây vẫn rất chậm, chỉ 1,5-2 tạ/tuần. Theo ông Nhiệm, có thể về giá cả sản phẩm của HTX không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lên xuống của thị trường vì đã tuân thủ theo hợp đồng dài hạn. Nhưng chính vì việc giữ được giá trong khi túi tiền của người dân đi xuống nên lượng thịt bán trong siêu thị có thể không bằng thịt ngoài chợ.

Thông thường, khi HTX và các siêu thị làm việc với nhau bằng hợp đồng, nếu thị trường lên hoặc xuống dưới 50% giá đã ký thì HTX và nhà phân phối giữ nguyên giá như hợp đồng. Nếu thị trường tăng hay giảm nhiều hơn 50% giá thì hai bên mới đàm phán với nhau để thay đổi. Điều này bảo đảm lợi ích của HTX và nhà phân phối nhưng chưa linh hoạt với thị trường, nên xảy ra tình trạng thực tế giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi không giảm nên gây khó khăn trong thuyết phục người tiêu dùng.

Chính vì vậy, không ít HTX dù đã vào được các hệ thống phân phối hiện đại nhưng cũng thấp thỏm vì nguồn hàng đưa vào đây bán không được nhiều. Nhất là trong lúc người dân đang sống trong cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, họ sẵn sàng chuyển từ thịt tiêu chuẩn cao sang trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợn sang mua ở các chợ hoặc thực phẩm khác có giá rẻ hơn như cá, gà, đậu phụ…

Nỗ lực tiếp cận khách hàng

Trước thực tế này, nhiều HTX đã phải nỗ lực để đến được gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Nếu như những năm trước, các HTX tích cực tìm kiếm các mối liên kết với các siêu thị, tự mở các cửa hàng thực phẩm sạch thì năm nay, hầu hết các HTX phải dừng việc này lại.

Ông Phạm Văn Cư, cho biết việc tự mở cửa hàng thực phẩm sạch không phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay. Các HTX chỉ nên tập trung duy trì đưa thịt vào các chuỗi siêu thị cũ đã ký kết hoặc mở rộng sang tìm kiếm các bếp ăn tập thể để đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy là thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn chắc chắn phải có giá cao hơn so với thịt và sản sản phẩm từ thịt bán ở các chợ truyền thống. Điều này là vì chi phí đầu vào cao, HTX phải tốn thêm chi phí hoàn thiện bao bì, vận chuyển, tiếp thị thậm chí thuê cửa hàng…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng rất để ý đến giá cả sản phẩm. Sản phẩm chỉ cần chênh giá một chút thôi cũng quyết định đến hành vi của người tiêu dùng. Do đó, các HTX cũng gặp nhiều áp lực cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên thị trường vì quy trình sản xuất chưa tinh gọn bằng các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, cần có những chiến lược tiếp cận khách hàng cụ thể hơn như có các chương trình trợ giá, cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm, khuyến mãi, hỗ trợ phí giao hàng. Đi liền với đó, cần đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng tệp khách hàng.

Các HTX trong cùng ngành hàng có thể liên kết với nhau để tăng nguồn vốn, tăng mạng lưới bán hàng và tăng chất lượng dịch vụ thay vì làm việc một mình và kinh doanh ở một địa phương.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho rằng một HTX thì rất khó gánh chi phí từ sản xuất đến phân phối, mở cửa hàng thực phẩm sạch. Nhất là các HTX thường gặp khó khăn trong chọn vị trí để mở các cửa hàng thực phẩm sạch nên khó thu hút khách hàng. Vì vậy HTX liên kết cùng nhau sẽ hạn chế khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm vào các siêu thị nếu tính toán bài bản cũng chiếm phần lớn chi phí sản xuất nên không phải HTX nào cũng đủ năng lực để làm điều này trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Phú, các công ty chăn nuôi đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này cũng phải cân đối để đảm bảo cung – cầu phù hợp, tránh hiện tượng giá quá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc thay bằng thực phẩm khác. Nhưng doanh nghiệp cũng tránh trường hợp để giá quá thấp làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Hệ thống chính trị xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ đã tích cực hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm qua từng năm. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,23%.

Cán bộ Khối Dân vận xã Đông Hiệp, tham quan tìm hiểu hoạt động sản xuất của THT trồng cây ăn trái do HND xã thành lập.

Cùng cán bộ Khối Dân vận xã Ðông Hiệp, chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu một số mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, được xây dựng theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững do cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã vận động nhân dân thực hiện. Trong đó, có mô hình Tổ hợp tác (THT) trồng cây ăn trái do Hội Nông dân (HND) xã xây dựng từ năm 2020, với 14 thành viên canh tác diện tích 14ha. Theo ông Ðặng Phương Hồng, Chủ tịch HND xã Ðông Hiệp, tham gia THT, các thành viên được hỗ trợ vay 30-50 triệu đồng tùy nhu cầu và được chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn trái.

Ông Ðặng Chí Hùng, Tổ trưởng THT, cho biết: “Hiện nay, thu nhập trung bình của các thành viên THT đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, 14 thành viên còn thực hiện góp vốn xoay vòng giúp nhau không tính lãi để giải quyết khó khăn đột xuất, mua phân thuốc phục vụ sản xuất. Tôi có 15 công đất, trước kia làm ruộng hiệu quả không cao. Gần 4 năm qua, được sự khuyến khích của HND, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng 13 công sầu riêng, diện tích còn lại tôi trồng mít Thái, mãng cầu na để lấy ngắn nuôi dài. Hiện thu nhập từ 2 công mít, mãng cầu na đạt hơn 80 triệu đồng/năm. Sầu riêng cũng sắp cho trái chiếng”.

Mô hình THT trồng màu, kết hợp trồng hoa kiểng Tết được Hội LHPN xã Ðông Hiệp thành lập, với 20 thành viên, tại ấp Ðông Phước, cũng đang phát huy hiệu quả. Theo chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã, nhận thấy mô hình trồng màu được nhiều hộ gia đình thực hiện đạt hiệu quả. Ðặc biệt, tại ấp Ðông Phước, có truyền thống trồng hoa kiểng Tết. Hằng năm, cứ dịp Tết Nguyên đán, chị em phụ nữ ấp sản xuất trên 10.000 chậu hoa kiểng các loại, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, Hội LHPN xã vận động, thành lập Tổ THT trồng màu, kết hợp trồng hoa kiểng Tết, nhằm tập hợp, hỗ trợ chị em về vốn, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, mỗi công màu kết hợp với trồng hoa kiểng Tết, cho thu nhập trung bình 40-50 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Út Em, thành viên của THT, nói: “Gia đình tôi có 2 công đất, trước kia trồng lúa, chỉ đủ ăn. Từ khi thực hiện mô hình trồng màu kết hợp trồng hoa kiểng Tết, thu nhập tăng đáng kể, đạt trên 100 triệu đồng/năm. Tôi thường chọn mướp, dưa leo, kết hợp chất nấm rơm. Vụ hoa Tết thì trồng khoảng 2.000-2.500 chậu”. Theo chị Trần Thị Tường Vi, ngoài mô hình trên, mô hình THT May gia công với 15 thành viên, được Hội LHPN xã thành lập và duy trì hiệu quả 2 năm qua, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em lao động nhàn rỗi, với mức thu nhập 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Huỳnh Thị Tuyết Em, thành viên THT, chia sẻ: “Tôi từng may gia công tại nhà nhưng nguồn hàng không ổn định. Từ khi tham gia THT, thu nhập hằng tháng của tôi khoảng 4,5 triệu đồng, có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình và việc học hành của các con”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Sang, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, bên cạnh vận động nhân dân tham gia các mô hình làm ăn hiệu quả, hệ thống chính trị xã chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân. Các đoàn thể xã Ðông Hiệp quản lý 20 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ 949 hộ vay trên 35 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Với các giải pháp hỗ trợ thiết thực, số hộ nghèo trong xã giảm đáng kể. Ðến nay, xã chỉ còn 4 hộ nghèo (tỷ lệ 0,23%), rơi vào trường hợp già yếu, neo đơn, bệnh tật, không còn khả năng lao động. Ðối với các hộ này, các đoàn thể địa phương phối hợp chăm lo hỗ trợ nhiều mặt để các hộ ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ, đánh giá: “Hệ thống chính trị xã Ðông Hiệp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Khối Dân vận xã đã tham mưu Ðảng ủy, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân dân áp dụng vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá”.

Theo Báo Cần Thơ

All in one
Scroll to Top