Khác

Việc quản lý chứng nhận hữu cơ chưa chặt chẽ đi liền với các quy định trong sản xuất vẫn còn bất cập đang dẫn đến tình trạng “hữu cơ tự phong”, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp, người dân làm hữu cơ chân chính.

Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union, cho biết thực tế trong quá trình hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho thấy, có những đơn vị có chứng nhận hữu cơ nhưng nguồn gốc của chứng nhận như thế nào, quy trình được chứng nhận và quản lý chứng nhận ra sao vẫn chưa rõ ràng. Điều này tạo sự không công bằng trong cạnh tranh, nhất là đối với những HTX, doanh nghiệp có chứng nhận hữu cơ đảm bảo quy định.

Lỗ hổng quản lý

Thống kê của Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trên cả nước có gần 40 đơn vị đứng ra chứng nhận hữu cơ TCVN, 120 tổ chức đánh giá hữu cơ phù hợp từ các tổ chức trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tổ chức chứng nhận hữu cơ nhưng chưa đăng ký. Điều này được cho là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có chứng nhận hữu cơ nhưng theo kiểu “tự phong”.

Có thể thấy, trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiện nay, đơn vị sản xuất có chứng nhận hữu cơ là điều quan trọng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn là lòng tin vì nếu chứng nhận chứng nhận hữu cơ một cách tràn lan thì không mang lại hiệu quả thiết thực cho nền nông nghiệp và cho cả người sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Quý Hòa Bình cho rằng, các nước trên thế giới kiểm soát chứng nhận hữu cơ rất chặt nên họ phải chịu sự kiểm soát rất chặt của đơn vị quản lý. Các đơn vị ở nước ngoài muốn sản phẩm của mình là hữu cơ thì phải có logo có mã code để kiểm tra. Nếu cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ mà sai sẽ bị phạt đến 11.000 USD. Điều này cho thấy, cơ quan chức năng của họ đang làm rất tốt vai trò quản lý các đơn vị chứng nhận trong ngành hữu cơ, còn Việt Nam chưa làm được.

Những quy định chưa rõ ràng trong chứng nhận, quản lý khiến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế vẫn tự vào Việt Nam mà không có sự thông báo, không có sự quản lý của cơ quan nhà nước, dẫn tới không ít khó khăn cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việc này cũng dẫn tới khó giải quyết tình trạng trăm hoa đua nở trong chứng nhận.

Bên cạnh vấn đề quản lý, những lỗ hổng từ các quy định trong chứng nhận hữu cơ TCVN cũng đang làm khó các đơn vị sản xuất, các tổ chức chứng nhận làm hữu cơ. Bà Nguyễn Thu Hà, Công ty cổ phần chứng nhận hữu cơ IQC, cho biết doanh nghiệp đang chứng nhận cho khách hàng nhưng các quy định về vấn đề vùng đệm không được ghi rõ ràng để nông dân, HTX áp dụng.

Còn đại diện Công ty cổ phần chứng nhận Quốc Tế, cho biết trong quá trình đánh giá và hỗ trợ thì người dân, HTX có thấy ý kiến phản hồi là họ vẫn còn vướng mắc về nguồn gốc, phân bón hữu cơ như thế nào để có thể yên tâm thực hiện theo quy định của nông nghiệp hữu cơ.

Không có HTX sẽ không có sản phẩm hữu cơ xuất khẩu

Thực chất, Chính phủ đã có nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ như Nghị định 98 về khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất, Nghị định 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp… Nhưng vấn đề quản lý, giám sát chưa thực sự tốt không chỉ tạo ra lỗ hổng về chất lượng sản phẩm trên thị trường mà còn gây khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp trực tiếp làm nông nghiệp hữu cơ.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết vấn đề khúc mắc của chứng nhận hữu cơ TCVN là việc đánh giá vùng đệm không có điều gì là cố định. Thay vào đó, người tư vấn cho các đơn vị làm nông nghiệp hữu cơ phải dựa vào tình hình thực tế để tư vấn nên không có một con số cố định như vùng đệm phải 5m hay 10m.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đầu vào, cụ thể là phân bón được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ chỉ ghi là các chất được phép sử dụng và các chất không được sử dụng. Từ đây, người dân, HTX phải dựa rất nhiều vào đơn vị tư vấn, hỗ trợ vì họ không thể tự biết hết chất nào được phép sử dụng, chất nào không được phép sử dụng. Hoặc nếu không có đội ngũ tư vấn thì khi HTX, nông dân muốn sử dụng loại phân nào phải tiến hành kiểm tra, đi test tại các cơ sở uy tín thì mới biết loại phân đó có những chất đủ yêu cầu. Điều này là gây tốn kém đối với người dân, HTX.

Vì vậy, theo bà Từ Tuyết Nhung, cần có danh sách phân bón sử dụng trong sản xuất hữu cơ và các loại phân này phải được kiểm nhận, đánh giá và được công nhận là vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. “Hiện chỉ quy định các chất được phép và không được phép nên chưa rõ ràng cho người dân, HTX trong thực tiễn thực hiện sản xuất”, bà Nhung chia sẻ.

Ngoài ra, theo Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ thì các tổ chức chứng nhận hữu cơ phải đăng ký và phải cấp mã mới được thực hiện chứng nhận trên thị trường. Hiện, cơ quan quản lý mới nắm được 40 tổ chức đánh giá đã đăng ký nhưng để bảo đảm công bằng và thuận tiện cho những đơn vị sản xuất có nhu cầu chứng nhận, Nhà nước cần có một hệ thống danh sách các đơn vị chứng nhận đã được đăng ký để các đơn vị sản xuất biết và tìm các đơn vị chứng nhận đủ điều kiện một cách thuận tiện hơn.

Ông Lê Quý Hòa Bình, cho biết tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu cũ sắp hết hạn. Theo đó, doanh nghiệp, HTX Việt Nam muốn xuất sang châu Âu phải có chứng nhận theo quy định mới. Trong chứng nhận mới quy định, từ 1/1/2025 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận riêng, không nằm dưới tên của tổ chức xuất khẩu. Thay vào đó, nhóm nông dân phải có pháp nhân- tức là phải được chứng nhận thông qua HTX.

Quy định hữu cơ mới của châu Âu được cho là trùng với chỉ đạo của Chính phủ về phát triển HTX hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại không ít địa phương, việc thành lập HTX còn khó, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa vì quy trình đăng ký thành lập phải lên cấp huyện. Đi liền với đó, các chính sách hỗ trợ đối với các HTX đã có nhưng các điều kiện hỗ trợ bị ràng buộc rất nhiều yếu tố. Điều này khiến các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn rất khó phát triển ở các địa phương.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ không thể có sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi châu Âu. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để HTX sản xuất hữu cơ có thể phát triển một cách thuận lợi hơn”, ông Lê Quý Hòa Bình cho biết.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Nhiều HTX chăn nuôi theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn và đưa thịt vào các hệ thống phân phối hiện đại đang gặp khó khăn trước tình trạng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, quay sang lựa chọn thịt tại các chợ truyền thống. Để giữ khách và đứng vững trên thị trường, những HTX này cần tìm cách để rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Hà (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết trước đây thỉnh thoảng gia đình chị cũng mua thịt mát trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi về dùng nhưng mấy tháng nay, tuyệt nhiên điều này không diễn ra.

Nhu cầu tiêu dùng giảm

Thay vào đó, chị mua thịt lợn ở những quán trong chợ truyền thống. Điều này một phần là vì đi chợ gần hơn, một phần nữa là giá thịt lợn bán ở chợ rẻ hơn. Ngay như thịt ba chỉ mua ở chợ cũng rẻ hơn từ 30-50 nghìn đồng/kg. Đây là số tiền không hề nhỏ, giúp chị cân đối bữa ăn gia đình.

Theo các chuyên gia, cơ cấu nguồn đạm trong bữa cơm của người Việt, trước đây thịt lợn chiếm tỷ lệ khoảng 60-70%, phần còn lại là thịt bò, thủy sản, thịt gia cầm, thủy sản… Tuy nhiên hiện nay do thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi nên họ có xu hướng chuyển sang các loại thực phẩm khác. Và ngay trong mảng thịt lợn cũng có sự tính toán cho phù hợp hơn với túi tiền.

Ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos VN, cho rằng giá thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng tăng trong khi kinh tế khó khăn, do đó người tiêu dùng giảm mua và tìm nguồn cung thay thế hợp túi tiền hơn. Trong đó có việc sử dụng các loại thịt trực tiếp và tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống.

Không ít HTX đang đầu tư chăn nuôi và chế biến theo chuỗi giá trị.

Còn theo ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp – dịch vụ – thương mại An Phát (Bình Phước), dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít dùng thịt lợn, dù đó là thịt đã được đưa vào các cửa hàng tiện lợi hay có thương hiệu.

Việc chuyển từ sử dụng các loại thịt được sơ chế trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sang thịt được bán tại các chợ truyền thống sẽ ảnh đến những người dân, HTX chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, có tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (Bắc Giang) cho biết, dù vào được hệ thống siêu thị Aeon nhưng lượng thịt của HTX tiêu thụ tại đây vẫn rất chậm, chỉ 1,5-2 tạ/tuần. Theo ông Nhiệm, có thể về giá cả sản phẩm của HTX không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lên xuống của thị trường vì đã tuân thủ theo hợp đồng dài hạn. Nhưng chính vì việc giữ được giá trong khi túi tiền của người dân đi xuống nên lượng thịt bán trong siêu thị có thể không bằng thịt ngoài chợ.

Thông thường, khi HTX và các siêu thị làm việc với nhau bằng hợp đồng, nếu thị trường lên hoặc xuống dưới 50% giá đã ký thì HTX và nhà phân phối giữ nguyên giá như hợp đồng. Nếu thị trường tăng hay giảm nhiều hơn 50% giá thì hai bên mới đàm phán với nhau để thay đổi. Điều này bảo đảm lợi ích của HTX và nhà phân phối nhưng chưa linh hoạt với thị trường, nên xảy ra tình trạng thực tế giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi không giảm nên gây khó khăn trong thuyết phục người tiêu dùng.

Chính vì vậy, không ít HTX dù đã vào được các hệ thống phân phối hiện đại nhưng cũng thấp thỏm vì nguồn hàng đưa vào đây bán không được nhiều. Nhất là trong lúc người dân đang sống trong cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, họ sẵn sàng chuyển từ thịt tiêu chuẩn cao sang trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợn sang mua ở các chợ hoặc thực phẩm khác có giá rẻ hơn như cá, gà, đậu phụ…

Nỗ lực tiếp cận khách hàng

Trước thực tế này, nhiều HTX đã phải nỗ lực để đến được gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Nếu như những năm trước, các HTX tích cực tìm kiếm các mối liên kết với các siêu thị, tự mở các cửa hàng thực phẩm sạch thì năm nay, hầu hết các HTX phải dừng việc này lại.

Ông Phạm Văn Cư, cho biết việc tự mở cửa hàng thực phẩm sạch không phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay. Các HTX chỉ nên tập trung duy trì đưa thịt vào các chuỗi siêu thị cũ đã ký kết hoặc mở rộng sang tìm kiếm các bếp ăn tập thể để đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy là thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn chắc chắn phải có giá cao hơn so với thịt và sản sản phẩm từ thịt bán ở các chợ truyền thống. Điều này là vì chi phí đầu vào cao, HTX phải tốn thêm chi phí hoàn thiện bao bì, vận chuyển, tiếp thị thậm chí thuê cửa hàng…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng rất để ý đến giá cả sản phẩm. Sản phẩm chỉ cần chênh giá một chút thôi cũng quyết định đến hành vi của người tiêu dùng. Do đó, các HTX cũng gặp nhiều áp lực cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên thị trường vì quy trình sản xuất chưa tinh gọn bằng các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, cần có những chiến lược tiếp cận khách hàng cụ thể hơn như có các chương trình trợ giá, cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm, khuyến mãi, hỗ trợ phí giao hàng. Đi liền với đó, cần đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng tệp khách hàng.

Các HTX trong cùng ngành hàng có thể liên kết với nhau để tăng nguồn vốn, tăng mạng lưới bán hàng và tăng chất lượng dịch vụ thay vì làm việc một mình và kinh doanh ở một địa phương.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho rằng một HTX thì rất khó gánh chi phí từ sản xuất đến phân phối, mở cửa hàng thực phẩm sạch. Nhất là các HTX thường gặp khó khăn trong chọn vị trí để mở các cửa hàng thực phẩm sạch nên khó thu hút khách hàng. Vì vậy HTX liên kết cùng nhau sẽ hạn chế khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm vào các siêu thị nếu tính toán bài bản cũng chiếm phần lớn chi phí sản xuất nên không phải HTX nào cũng đủ năng lực để làm điều này trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Phú, các công ty chăn nuôi đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này cũng phải cân đối để đảm bảo cung – cầu phù hợp, tránh hiện tượng giá quá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc thay bằng thực phẩm khác. Nhưng doanh nghiệp cũng tránh trường hợp để giá quá thấp làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Hệ thống chính trị xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ đã tích cực hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm qua từng năm. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,23%.

Cán bộ Khối Dân vận xã Đông Hiệp, tham quan tìm hiểu hoạt động sản xuất của THT trồng cây ăn trái do HND xã thành lập.

Cùng cán bộ Khối Dân vận xã Ðông Hiệp, chúng tôi đến tham quan, tìm hiểu một số mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, được xây dựng theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững do cấp ủy Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã vận động nhân dân thực hiện. Trong đó, có mô hình Tổ hợp tác (THT) trồng cây ăn trái do Hội Nông dân (HND) xã xây dựng từ năm 2020, với 14 thành viên canh tác diện tích 14ha. Theo ông Ðặng Phương Hồng, Chủ tịch HND xã Ðông Hiệp, tham gia THT, các thành viên được hỗ trợ vay 30-50 triệu đồng tùy nhu cầu và được chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn trái.

Ông Ðặng Chí Hùng, Tổ trưởng THT, cho biết: “Hiện nay, thu nhập trung bình của các thành viên THT đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, 14 thành viên còn thực hiện góp vốn xoay vòng giúp nhau không tính lãi để giải quyết khó khăn đột xuất, mua phân thuốc phục vụ sản xuất. Tôi có 15 công đất, trước kia làm ruộng hiệu quả không cao. Gần 4 năm qua, được sự khuyến khích của HND, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng 13 công sầu riêng, diện tích còn lại tôi trồng mít Thái, mãng cầu na để lấy ngắn nuôi dài. Hiện thu nhập từ 2 công mít, mãng cầu na đạt hơn 80 triệu đồng/năm. Sầu riêng cũng sắp cho trái chiếng”.

Mô hình THT trồng màu, kết hợp trồng hoa kiểng Tết được Hội LHPN xã Ðông Hiệp thành lập, với 20 thành viên, tại ấp Ðông Phước, cũng đang phát huy hiệu quả. Theo chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã, nhận thấy mô hình trồng màu được nhiều hộ gia đình thực hiện đạt hiệu quả. Ðặc biệt, tại ấp Ðông Phước, có truyền thống trồng hoa kiểng Tết. Hằng năm, cứ dịp Tết Nguyên đán, chị em phụ nữ ấp sản xuất trên 10.000 chậu hoa kiểng các loại, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, Hội LHPN xã vận động, thành lập Tổ THT trồng màu, kết hợp trồng hoa kiểng Tết, nhằm tập hợp, hỗ trợ chị em về vốn, kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, mỗi công màu kết hợp với trồng hoa kiểng Tết, cho thu nhập trung bình 40-50 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Út Em, thành viên của THT, nói: “Gia đình tôi có 2 công đất, trước kia trồng lúa, chỉ đủ ăn. Từ khi thực hiện mô hình trồng màu kết hợp trồng hoa kiểng Tết, thu nhập tăng đáng kể, đạt trên 100 triệu đồng/năm. Tôi thường chọn mướp, dưa leo, kết hợp chất nấm rơm. Vụ hoa Tết thì trồng khoảng 2.000-2.500 chậu”. Theo chị Trần Thị Tường Vi, ngoài mô hình trên, mô hình THT May gia công với 15 thành viên, được Hội LHPN xã thành lập và duy trì hiệu quả 2 năm qua, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em lao động nhàn rỗi, với mức thu nhập 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Huỳnh Thị Tuyết Em, thành viên THT, chia sẻ: “Tôi từng may gia công tại nhà nhưng nguồn hàng không ổn định. Từ khi tham gia THT, thu nhập hằng tháng của tôi khoảng 4,5 triệu đồng, có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình và việc học hành của các con”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Sang, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, bên cạnh vận động nhân dân tham gia các mô hình làm ăn hiệu quả, hệ thống chính trị xã chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân. Các đoàn thể xã Ðông Hiệp quản lý 20 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ 949 hộ vay trên 35 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Với các giải pháp hỗ trợ thiết thực, số hộ nghèo trong xã giảm đáng kể. Ðến nay, xã chỉ còn 4 hộ nghèo (tỷ lệ 0,23%), rơi vào trường hợp già yếu, neo đơn, bệnh tật, không còn khả năng lao động. Ðối với các hộ này, các đoàn thể địa phương phối hợp chăm lo hỗ trợ nhiều mặt để các hộ ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ, đánh giá: “Hệ thống chính trị xã Ðông Hiệp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Khối Dân vận xã đã tham mưu Ðảng ủy, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân dân áp dụng vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá”.

Theo Báo Cần Thơ

Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ, nhằm thực hiện phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trong nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó, các cấp Hội LHPN thành phố tập trung thực hiện giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tích cực vận động hội viên, phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.

Ðồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, các cấp Hội LHPN thành phố đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ. Trong đó, thực hiện phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn do Hội quản lý và nhiều nguồn vốn khác trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua nửa nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội đã giúp 308 hộ phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 1.000 chị em phụ nữ; hiện thực hóa 41 ý tưởng khởi nghiệp; thành lập 9 hợp tác xã, 129 mô hình phát triển kinh tế; hướng dẫn hội viên tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao nâng tổng số sản phẩm OCOP do Hội LHPN hỗ trợ lên 13 sản phẩm.

Huyện Cờ Ðỏ có nhiều mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) do phụ nữ quản lý hoạt động hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ, năm 2023, Hội thành lập mới 7 THT và 1 HTX, với 119 thành viên. Trong đó, HTX nông nghiệp Nam Vy có 7 thành viên. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc HTX, cho biết, xã viên HTX được hỗ trợ vay vốn 420 triệu đồng, được tập huấn khoa khọc, kỹ thuật để sản xuất. Chị Bích Vân được Hội tập huấn nâng cao năng lực quản lý mô hình kinh doanh, được Hội giới thiệu đưa sản phẩm của HTX vào các điểm bán nông sản sạch trên địa bàn thành phố. Chị Bích Vân chia sẻ: “Hiện HTX sản xuất rau ăn lá các loại, mãng cầu na, đậu bắp, khổ qua; thu nhập các xã viên đạt tầm 16-18 triệu đồng/người/tháng”. HTX đang xây dựng thương hiệu nông sản sạch, phấn đấu đưa các sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tháng 10-2023, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố phối hợp Trung tâm Phụ nữ và phát triển của Trung ương Hội LHPNVN tổ chức Ngày hội “Giao lưu, kết nối sản phẩm năm 2023” tại quận Ô Môn. Ngày hội là chuỗi sự kiện nhằm kết nối, giao lưu, quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ; tăng cường hợp tác và liên kết giữa các quận, huyện trong thành phố, giữa vùng miền với nhau. Tham gia Ngày hội có 22 gian hàng hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hội viên phụ nữ của 4 địa phương: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai và Cờ Ðỏ. Trong đó có nhiều sản phẩm OCOP như: giá sạch Hồng Nhung, nước mắm Tư Hon, mắm cá tra, bánh tráng Thuận Hưng,… Các sản phẩm do hội viên phụ nữ làm ra đang dần được khẳng định về mẫu mã sản phẩm và chất lượng, được công nhận sản phẩm đạt OCOP.

Chung tay xây dựng, bảo vệ môi trường

Theo bà Võ Kim Thoa, từ năm 2017 đến nay, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội và UBND thành phố phát động, Hội LHPN thành phố đưa nội dung vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào nội dung tiêu chí thi đua hằng năm. Ðồng thời, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức để cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống sinh hoạt, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ.

Các cấp Hội LHPN thành phố cũng tăng cường phối hợp các đoàn thể địa phương tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả: mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường”, mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, mô hình “Xử lý rác bằng thùng compost”… Tính đến nay các cấp Hội đã duy trì được 215 CLB, với 1.355 thành viên và 87 nhóm có 6.519 thành viên.

Hưởng ứng phát động của Trung ương Hội “Phụ nữ vun trồng tương lai – vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” với tinh thần “Mỗi phụ nữ – một cây xanh”, “Mỗi cơ sở Hội – một công trình cây xanh”, các cấp hội LHPN thành phố đã đồng loạt tổ chức phát động trồng cây xanh “Phụ nữ vun trồng tương lai”. Qua đó, đã trồng trên 16.750 cây với tổng trị giá trên 1 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa, gồm các loại cây: hoàng yến, đinh lăng, cây bần, bông giấy, dừa xiêm, cây kèn hồng…

Về Thới Lai, ngang địa bàn xã Thới Tân, những tuyến đường giao thông rực rỡ sắc hoa tạo nên vẻ mỹ quan cho khu vực ngoại thành. Trong số đó, có nhiều tuyến đường hoa xanh – sạch – đẹp do các chi, tổ Hội Phụ nữ đảm nhận chăm sóc. Chị Võ Thị Mộng Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Tân, cho biết: “Mô hình Trồng hoa tạo cảnh quan môi trường tuyến đường Thới Lai – Ðông Bình (đi qua địa bàn ấp Thới Phước A và ấp Ðông Hòa A) được triển khai đầu năm 2023. Hội LHPN xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, hội viên phụ nữ trồng 4.000 cây quỳnh anh dọc 2 bên tuyến đường dài 3.900m; vận động hội viên chăm sóc, phát quang; hai bên trên tuyến đường trang trí cây xanh, hoa kiểng, góp phần để môi trường thêm xanh – sạch – đẹp”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, các cấp Hội LHPN huyện chủ động xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phù hợp thực tế địa phương. Hội chỉ đạo thành lập và nhân rộng 26 mô hình “Phụ nữ tích cực chống rác thải nhựa”, 38 mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”, 31 mô hình “Phụ nữ xách giỏ đi chợ – hạn chế túi ni lông”, 2 mô hình “Ngôi nhà xanh”, gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và học sinh nghèo. Hội LHPN của tất cả 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Lai đã thực hiện công trình trồng cây xanh, trồng 10.687 cây các loại.

Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế

Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-BCH ngày 8-1-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPNVN về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, các cấp Hội LHPN thành phố thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ hội, hội viên, phụ nữ về đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam, các chỉ thị, kết luận của Trung ương, của thành phố về công tác đối ngoại cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Hội LHPN thành phố phối hợp Tổ chức di cư quốc tế Liên Hiệp Quốc (IOM) tổ chức đối thoại chính sách tại cộng đồng về di cư lao động an toàn, phòng, chống mua bán người, nhằm cung cấp cho chị em phụ nữ và người dân những thông tin về các chính sách, quy định của pháp luật đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các kiến thức về di cư an toàn; giải đáp thắc mắc về những chính sách pháp luật trong việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài có ký kết xuất khẩu lao động; những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động; các chính sách và thông tin thị trường việc làm mới nhất; cơ hội việc làm tại nước ngoài dành cho các nhóm đối tượng cụ thể; cơ hội học tập tại một số quốc gia. Nhiều chị em có nhu cầu tư vấn quy trình, hồ sơ, thủ tục, chi phí xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập và đã được các diễn giả giải đáp cặn kẽ. Bà Ðặng Thị Kim Hai, ở quận Cái Răng, nói: “Người thân của tôi muốn đi lao động nước ngoài, nhưng còn nhiều vấn đề về thủ tục pháp lý chưa nắm rõ. Qua các lần tham dự hội thảo do Hội tổ chức, được các cán bộ Hội và các ngành chức năng trao đổi, giải đáp, hướng dẫn rõ ràng, tôi rất yên tâm”…

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế, những yêu cầu đặt ra đối với đất nước và phụ nữ trong tình hình mới. Ðồng thời, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với phụ nữ, nhân dân các nước; tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách, thông lệ quốc tế, nhất là những cam kết liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển; tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song song đó là tham gia kết nối doanh nhân nữ trong nước với đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế thông qua kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, góp phần quảng bá và đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế…

Theo Báo Cần Thơ

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ và nhiều địa phương trong nước liên lục tăng, đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc tăng diện tích trồng cây ăn trái cũng tạo ra nhiều áp lực và lo lắng cho nông dân về đầu ra sản phẩm. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái theo hướng chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng (MSVT) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thanh nhãn được trồng tại HTX cây ăn trái Thái Thanh ở huyện Cờ Ðỏ.

Nâng cao giá trị nhờ xuất khẩu

Thời gian qua, dù diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng, nhưng nhiều nông dân tại TP Cần Thơ vẫn bán được sản phẩm với giá rất cao. Ðạt được kết quả này là nhờ có sự  đóng góp rất lớn của ngành Nông nghiệp và các sở, ngành thành phố trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kịp thời thành lập các hợp tác xã (HTX) gắn với hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có MSVT đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu. Qua đó, trái cây của nông dân trên địa bàn thành phố đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính giúp bán sản phẩm được giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu.

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Nhờ quan tâm sản xuất nhãn rải vụ, nghịch mùa và chú ý thực hiện các quy định, hướng dẫn của ngành chức năng để trái nhãn đáp ứng các yêu cầu cho xuất khẩu. Năm 2023 nông dân tại HTX bán được nhãn với giá khá cao, nhiều thời điểm có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên. Theo đó, nông dân tại HTX có thể đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện HTX có 29 thành viên, với hơn 22ha canh tác nhãn Ido và đã có MSVT để xuất khẩu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ”.

Theo ông Châu Thanh Triều, thành viên của HTX cây ăn trái Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp tại địa phương và thành phố, 5ha trồng thanh nhãn của ông đã tham gia vào HTX để thực hiện mô hình sản xuất thanh nhãn đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng MSVT để xuất khẩu. Năm 2023, tất cả sản lượng nhãn của vườn ông đều được bán cho công ty thu mua để xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản, với giá từ 55.000 đồng/kg trở lên, cao hơn ít nhất 15.000 đồng/kg so với bán cho tiểu thương để tiêu thụ nội địa. HTX cây ăn trái Thái Thanh hiện có 24 xã viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 133ha, trong đó có hơn 100ha trồng thanh nhãn. Nhãn của HTX đã được cấp MSVT để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Hỗ trợ nông dân

Ðến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ ước đạt gần 25.000ha, trong khi vào năm 2004 chỉ ở mức 16.360ha. Sản lượng trái cây trong cả năm nay dự kiến đạt 221.553 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2004. Hiện nông dân tại thành phố trồng khá nhiều loại cây trái ngon, đặc sản, có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Ðáng chú ý, nhiều loại sầu riêng như Ri 6, Mỏn Thon và các loại nhãn, xoài, mít, mãng cầu… đang được trồng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố cho chất lượng trái rất ngon, được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng trong và ngoài nước
ưa chuộng.

Ðể phát huy hiệu quả vườn cây và ổn định đầu ra trong bối cảnh diện tích và sản lượng tăng, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, áp dụng các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… để đáp ứng các yêu cầu thị trường về chất lượng, an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Hỗ trợ nông dân xây dựng MSVT và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng theo yêu cầu các thị trường nhập khẩu… Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện thành phố đã có trên 478ha cây trồng ăn trái đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái tại thành phố đã được cấp 98 MSVT cho hơn 970ha cây ăn trái phục vụ xuất khẩu sang các thị trường thế giới”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã được cấp 12 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU. Tới đây, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành và địa phương trong định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu và phát triển du lịch nông nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, với sự gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với các HTX và tổ hợp tác để được cấp MSVT và thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Báo Cần Thơ

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.

HTX chưa là trung tâm chuyển đổi số?

Tuy nhiên theo các HTX, nhiều ứng dụng, công nghệ hiện nay chưa thực sự hướng đến người nông dân nên chưa tạo ra được ứng dụng rộng khắp trong nông nghiệp. Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Trần Quang Võ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Lâm (Tuyên Quang) cho rằng, trong chăn nuôi hiện rất có rất nhiều ứng dụng như: Pigmania (Australia), Porcitec (Tây Ban Nha), Vietpig (Viện Chăn nuôi)…

Tuy mỗi phần mềm có một ưu điểm nhưng theo ông Võ, các ứng dụng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về quản lý giống tại các HTX nên gây nhiều khó khăn cho thành viên khi ứng dụng. Có phần mềm không cho dùng thử, phải mất thêm phí khi đồng bộ hóa với các thiết bị khác, có phần mềm đưa ra các yêu cầu quản lý quá rườm rà, mang nặng tính lý thuyết… Đặc biệt là các ứng dụng từ nước ngoài còn bất cập về ngôn ngữ, chi phí chuyển giao phần mềm cao nên gây khó cho người nông dân.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp-dịch vụ Ia Ring (Gia Lai) cho biết, ngay việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm thôi nhưng sử dụng công nghệ châm phân tự động loại nào để phù hợp với cây trồng, nâng cao được giá trị sản xuất thì không phải người nông dân nào cũng biết. Trong khi trên thị trường có rất nhiều công nghệ châm phân với xuất xứ khác nhau.

Ông Hưng cũng cho rằng, có rất nhiều ứng dụng tích lũy tiền được các nhà sản xuất giới thiệu như Infina, MoMo, ZaloPay… nhưng rủi ro từ lừa đảo trên không gian mạng quá nhiều đi liền với các tranh chấp liên quan với các đơn vị cung cấp. Trong khi thực tế nhiều trường hợp gặp rủi ro nhưng chắc chắn chịu phần thiệt nên dù biết những ứng dụng này tiện dụng nhưng các thành viên HTX cũng hết sức e dè.

Có lẽ rất nhiều HTX mong muốn và hiểu được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không phải họ muốn là có thể thực hiện được.

Nhiều HTX cho rằng hiện nay có rất nhiều công nghệ mới ra đời và khi họ đầu tư vào công nghệ mới cũng chính là đánh cược cả trang trại, vốn liếng vào đó. Đầu tư công nghệ có thể mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có những rủi ro nhất định khiến họ gặp hiểm họa về tài chính. Trong khi các app về công nghệ phát triển nhanh chóng nhưng nông nghiệp lại luôn tiềm ẩn về rủi ro. Ngay cả sản xuất trong nhà kính nhưng không có nghĩa là rau màu không có dịch bệnh hay ứng dụng cảm biến nhiệt độ, dự báo thời tiết nhưng cũng không thể tránh được sự khắc nghiệt của thiên tai dịch bệnh.

Đặc biệt, trong quá trình ứng dụng công nghệ, các app điện tử, nông dân không thể tự khắc phục được các sự cố về máy móc, cảm biến… Thay vào đó, nông dân, thành viên HTX cần sự trợ lực ngay của những người có trình độ chuyên môn. Nếu điều này không được giải quyết trong thời gian phù hợp có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Cần coi nông dân, HTX là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp để có những hỗ trợ phù hợp hơn.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất ra các ứng dụng nông nghiệp vẫn chưa tập trung vào việc giải quyết nhanh chóng những khó khăn, gián đoạn, khiếu nại trong ứng dụng kỹ thuật nên không tạo được niềm tin, sự hứng khởi cho nông dân, HTX trong chuyển đổi số.

Chia sẻ trong một tọa đàm gần đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, một trong những rào cản trong chuyển đổi số của HTX, nhất là những HTX ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi đó là họ mới chỉ khởi đầu của quá trình này bằng điện thoại, chưa có nhiều các công nghệ hiện đại mang tính đồng bộ, thậm chí nhiều nông dân, HTX vẫn còn chưa có điện thoại thông minh. Việc ứng dụng công nghệ bằng máy tính, máy in, các công nghệ tự động vẫn còn khiêm tốn. Đi liền với đó là công tác quản trị, quảng bá về chuyển đổi số vẫn còn lỏng lẻo.

Thống kê của Bộ TT&TT cũng cho thấy, tỷ lệ người dân ở nông thôn, miền núi hiện dùng điện thoại thông minh vẫn còn thấp, chỉ khoảng 30% (bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước). Và khi người dân không có điện thoại thông minh thì việc khởi đầu cho quá trình chuyển đổi số đã gặp khó khăn.

Cần tính hiệu quả trong ứng dụng công nghệ

Hiện, 65% dân số Việt Nam đang ở khu vực nông thôn. Những năm gần đây, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Ngay như năm nay, khi nhiều ngành như dệt may, gỗ… gặp khó khăn do suy thoái kinh tế thì nông nghiệp vẫn khẳng định được thế mạnh của mình khi giá trị xuất siêu 10 tháng năm 2023 đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong sự phát triển của ngành nông nghiệp, không thể không nhắc đến nền tảng của các HTX trong chuỗi giá trị hàng hóa. Do đó, để HTX tiếp tục phát triển cần đẩy mạnh chuyển đổi số cho khu vực này. Nhưng để chuyển đổi số hiệu quả cho các HTX thì điều cần làm là phải coi nông dân, HTX là trung tâm của quá trình này. Nông dân, HTX thực chất không cần quá nhiều công nghệ, ứng dụng mới mà điều quan trọng là họ quan tâm nhiều hơn đến tính hiệu quả trong quá trình triển khai, ứng dụng công nghệ.

Ông Phan Thanh Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Airnano Việt Nam, cho biết các HTX muốn chuyển đổi số hiệu quả cần có sự đồng hành dẫn dắt từ chính các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu công nghệ trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và sự đồng hành của các cấp quản lý trong việc hoàn thiện, tháo gỡ cơ chế.

Để làm được điều này, các đơn vị cung cấp nền tảng số cần phải hiểu những khó khăn, mong muốn của các HTX cũng như tìm hiểu sâu hơn về các chu kỳ phát triển của cây trồng vật nuôi. Có như vậy mới thu hẹp được khoảng cách giữa công nghệ nghiên cứu và thực tế sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Không thể áp dụng các công nghệ của nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất lớn để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, HTX ở trong nước. Và mỗi HTX ở từng lĩnh vực khác nhau như trồng lúa, chăn nuôi, thủy sản cũng cần có những công nghệ ứng dụng phù hợp.

Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cần có sự đầu tư cho chuyển đổi số trong nông nghiệp nhiều hơn mới có thể giúp HTX đi tắt đón đầu và thúc đẩy các HTX vùng dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Trong khi không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cũng đã khẳng định, kinh tế tập thể, HTX chính là mảnh đất màu mỡ, nhiều dư địa để chuyển đổi số vì chuyển đổi số trong khu vực này mới manh nha.

Và để giải quyết được bài toán này, một trong những yếu tố cần quan tâm nhất đó chính là nguồn vốn nên việc đẩy mạnh hỗ trợ các HTX đầu tư công nghệ. Đi liền với đó là cần có sự hỗ trợ trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giúp các HTX thuận lợi trong ứng dụng công nghệ.

“Nếu có công nghệ mà không có nguồn nhân lực thì các doanh nghiệp, người dân ở thành phố, vùng đồng bằng còn khó chuyển đổi số chứ không nói đến người dân, HTX ở vùng sâu vùng xa. Đây là bài toán cần các cấp, các ngành chung tay nhằm giúp các HTX thu hút được nguồn lực chất lượng cao, từ đó tạo thuận lợi trong chuyển đổi số”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Ông Hoàng Văn Thám – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, nhận thức của người tiêu dùng, thị trường đối với các HTX, sản phẩm của HTX còn rất hạn chế. Các sản phẩm phân phối đi chủ yếu là qua các kênh siêu thị, cửa hàng, các bếp ăn trường học, bệnh viện,… theo hợp đồng chứ chưa thực sự được người mua hàng chú ý đến.

Từ thực trạng thiếu thương hiệu

Thực tế thì sản phẩm nông sản của các HTX sản xuất ra chủ yếu phân phối vào hệ thống các kênh nhờ sự kết nối tiêu thụ, hoạt động xúc tiến thương mại của của các tổ chức đoàn thể Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Liên minh HTX,… chứ chưa thực sự có được sự tiêu thụ trực tiếp từ nguồn. Người tiêu dùng, dù hay mua các sản phẩm của HTX được bày bán trong các siêu thị về sử dụng hàng ngày nhưng hầu hết đều chỉ coi đó là nông sản bình thường, chưa quan tâm nguồn gốc đến từ các HTX.

Rau quả HTX khi bày bán tại siêu thị được nhiều người chọn mua nhưng không ai biết đến thương hiệu.

Điều này đã gây ra sự hạn chế rất lớn về tiêu thụ đối với các HTX. Ông Thám cho biết, truyền thông – thương mại là vấn đề mà các HTX đang yếu nhất. Ngay như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, dù hoạt động sản xuất, tiêu thụ cũng khá mạnh và đều đặn, sản lượng bán ra mỗi ngày từ 2 – 3 tấn, tuy nhiên chủ yếu cũng chỉ tiêu thụ ở các kênh liên kết, hoặc nếu có người tiêu dùng mua trực tiếp thì cũng là do nghe tiếng HTX.

“Người ta đến thăm vườn, thấy và mua thôi, chứ mang đi giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng để làm thương hiệu cho HTX thì chưa làm được. Không chỉ vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện cũng cho kết quả chẳng hề khả quan. Các hoạt động khuyến mãi dù có được triển khai thì cũng chỉ như mang đi cho thêm người mua chứ chưa biết thực hiện, tổ chức xong thì hiệu quả đến đâu.” ông Thám nói.

Khảo sát của VnBusiness về ý kiến người mua tại các siêu thị, điểm bán lẻ tiêu thụ các sản phẩm nông sản HTX như hệ thống Big C, Winmart,… cũng cho thấy, người tiêu dùng hầu như chưa thực sự biết hay chú ý đến thương hiệu của các HTX.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, đến từ Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bản thân thường đi mua sắm các mặt hàng thực phẩm ở siêu thị Big C Thăng Long và thường xuyên mua rau tại các quầy trưng bày rau, củ quả đến từ các HTX. Tuy nhiên khi được hỏi có biết về HTX nào không thì câu trả lời là không thực sự nhớ được tên của đơn vị nào.

“Tôi thường xuyên mua hàng ở đây, tôi cũng thường chọn mua các loại rau củ đến từ các HTX vì giá cả tốt lại sạch sẽ, tuy nhiên để hỏi là có biết cụ thể thương hiệu HTX nào không thì tôi thật sự không nhớ.” chị Tuyết chia sẻ.

Anh Lê Đức Thắng (33 tuổi, đến từ Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi thường mua các loại rau cải ngọt, rau muống, rau mồng tơi, rau gia vị đóng thành từng túi ở các siêu thị, tôi cũng biết đó là rau đến từ các HTX do có đọc qua thông tin in trên bao bì nhưng cụ thể sản phẩm đến từ các HTX nào thì tôi không rõ.”

Được biết, các nông sản của HTX đang có sức tiêu thụ ngày càng tốt, nhiều HTX cũng nỗ lực đổi thay, theo đuổi những mô hình mới, nông nghiệp sạch hiện đại để mang đến sản phẩm có chất lượng cao hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chưa chú trọng đến truyền thông để thị trường biết nhiều hơn đến thương hiệu khiến những cố gắng cải thiện chất lượng của các HTX dường như trở thành “công dã tràng”. Điều này không những  không mang lại hiệu quả tiêu thụ mà còn không được người tiêu dùng biết đến.

Đến việc cần sự chủ động truyền thông từ phía các HTX

Vấn đề đã rõ, tuy nhiên để có thể tháo gỡ khó khăn thì không thể chỉ chờ đợi sự thay đổi nhận thức đến từ phía người tiêu dùng mà chính các HTX phải có sự chủ động đầu tư cho truyền thông.

Hiện nhiều HTX cũng đã cho thấy có bước chuyển mình tích cực khi bắt đầu tự tham gia hoặc phát triển hoạt động tiếp thị. Nhiều HTX đã tự đăng ký, ghi danh góp mặt vào các gian hàng giới thiệu sản phẩm; hội nghị, hội thảo tiêu dùng; hội chợ xúc tiến thương mại…

Tiêu biểu trong tháng 10 vừa qua, “Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực phía Bắc năm 2023” tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia tích cực của gần 300 gian hàng của các HTX đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Các gian hàng được đầu tư trưng bày chỉn chu, đẹp mắt, có các hoạt động giới thiệu, cho dùng thử sản phẩm,… đã tạo những hiệu ứng vô cùng tích cực, giúp nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thương hiệu của các HTX sản xuất, chế biến.

Không chỉ thực hiện bằng phương pháp truyền thống, nhiều HTX cũng đã bắt đầu biết tạo dựng cho mình những phương thức tiếp thị riêng trên môi trường số như thiết kế bộ nhận diện, logo riêng; xây dựng những trang web riêng cho đơn vị và thường xuyên đăng tải hình ảnh; phối hợp tích cực với báo chí – truyền hình để thông tin, quảng bá, chia sẻ;… Thậm chí, có những đơn vị đã bắt đầu tự xây dựng những tài khoản trang mạng xã hội, trang thông tin thương mại điện tử cho mình.

Những trang mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Tiktok,… cũng được đánh giá là loại phương tiện có thể truyền thông vô cùng hiệu quả cho HTX. Trên thực tế nhiều tổ chức nông nghiệp tại tỉnh, thành cũng đã xây dựng tài khoản thương hiệu nông sản bản địa trên các nền tảng trên và thu về nhiều sự quan tâm, tạo được tiếng vang lớn đến với thị trường.

Đơn cử như tài khoản Tiktok “Nông sản xứ Lạng” thường xuyên đăng tải các video ngắn và livestream bán các mặt hàng nông nghiệp của Lạng Sơn hiện có tới 12,9 nghìn lượt thích và 685,4 nghìn lượt theo dõi. Hay như trang Facebook “HTX Chè Sơn Minh – Thái Nguyên” của HTX nông nghiệp Chè Sơn Minh (Thái Nguyên), thường xuyên đăng tải hình ảnh vườn trồng, các video về hoạt động sản xuất, cập nhật phản hồi của khách hàng,… cũng thu hút được hơn 3,6 nghìn lượt người theo dõi.

Tiếp cận với các phương pháp truyền thông, tiếp thị mới với các HTX trên thực tế là không dễ do những người làm HTX chủ yếu có xuất thân từ ngành nông nghiệp, không thật sự tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin, mạng xã hội. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nếu muốn phát triển được cần phải có sự chủ động, mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn lực trẻ, năng động cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu để các HTX phát triển các hoạt động truyền thông và tiếp thị.

Ông Hoàng Văn Thám cho biết, HTX mong muốn thành lập một bộ phận marketing (tiếp thị), chăm sóc khách hàng tại trụ sở HTX Rau quả sạch Chúc Sơn để xây dựng, nâng cao thương hiệu HTX, thực hiện các chiến dịch giúp mở rộng quy mô thị trường. “Hiện tại, chúng tôi đang minh bạch nguồn thu, đồng thời đưa ra những chính sách đãi ngộ hấp dẫn với mục đích thu hút, tuyển dụng các bạn trẻ mới ra trường, có niềm hứng thú, yêu thích đối với nghề nông nghiệp , từ đó đồng hành hỗ trợ HTX phát triển bền vững.” ông Thám nói.

Xu hướng tiêu dùng sạch, quan tâm đến nông sản Việt của người tiêu dùng hiện nay đang tạo ra cơ hội vô cùng lớn cho các HTX vươn mình. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp với thị hiếu thị trường, giúp người mua biết đến sản phẩm vẫn đòi hỏi các HTX phải có sự chủ động, mạnh dạn hơn nữa, đặc biệt là trong việc phát triển các hoạt động truyền thông, marketing.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Chiều 20-11-2023, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ làm trưởng đoàn công tác đến tham quan, thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã nông thôn mới (NTM) tại huyện Vĩnh Thạnh. Các đồng chí: Nguyễn Thành Ðông, Phó Chủ tịch HÐND thành phố; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và các sở, ngành chức năng cùng tham gia.

Ðến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã có 20 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau, với tổng vốn điều lệ 37,859 tỉ đồng, 775 thành viên. Hoạt động của HTX và các tổ hợp tác chủ yếu hỗ trợ thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện. Qua đó góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân và xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh có 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP đạt 4 sao (Chả lụa Kim Ngân, Chả chiên Kim Ngân, Giò thủ Kim Ngân) và 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Ðoàn công tác đã đến thăm một số HTX sản xuất nông nghiệp, điểm sản xuất sản phẩm OCOP nêu trên. Ðiển hình HTX Khiết Tâm thành lập năm 2015, với ngành nghề như sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao; dịch vụ bơm rút nước; dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp; dịch vụ sấy lúa và lưu kho…

HTX Khiết Tâm có tổng diện tích đất liên kết 1.453ha với 557 hộ nông dân, trong đó diện tích đất của thành viên HTX là 343ha, với 40 thành viên; còn lại là các hộ liên kết sản xuất, với diện tích: 1.110ha. Nhiều năm qua, HTX hoạt động đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước, đem nhiều lợi nhuận cho thành viên.

Cơ sở sản xuất Nhật Nguyệt, chuyên sản xuất bánh đa, hủ tiếu cũng mang lại lợi nhuận cao trong sản xuất. Sản phẩm của cơ sở được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài huyện, được khách hàng ưa chuộng, biết đến…

Sau khi tham quan, đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao các mô hình sản xuất nêu trên. Ðồng chí nhắc nhở trong thời gian tới, các HTX cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhất là các sản phẩm lúa, gạo. HTX Khiết Tâm cũng như các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần quan tâm mở rộng quy mô sản xuất, tăng thành viên, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất nhằm đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.

Ðối với các sản phẩm OCOP, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo cần đảm bảo hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ.

Ðồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu huyện Vĩnh Thạnh tăng cường hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tháo gỡ khó khăn, tăng gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thống kê, ghi nhận các đề xuất của HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trình thành phố xem xét, hỗ trợ…

Theo Báo Cần Thơ

Ðồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, trong năm 2023, các cấp Hội LHPN ra mắt 7 tổ hợp tác (THT) và 1 hợp tác xã với 119 thành viên; xây dựng, sửa chữa 12 Mái ấm tình thương ; chăm lo hội viên nghèo, cận nghèo… Từ những nỗ lực trên, năm 2023, Hội giúp 48 chị thoát nghèo. 

Mô hình THT Ðan ráp lú do Hội LHPN xã Trung Thạnh thành lập.

Hội LHPN xã Thạnh Phú thành lập THT Trồng màu vào tháng 7- 2023, tại ấp 6, với 14 thành viên, diện tích canh tác 2,25ha. Tham gia THT, các chị em được hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu an toàn. Chị Nguyễn Thị Trang, thành viên THT, nói: “Gia đình tôi có 3 công đất nhưng canh tác lúa không hiệu quả. Tôi chuyển sang trồng rau màu được vài năm nay. Năm 2023, được sự động viên của các cán bộ Hội, tôi tham gia THT trồng màu. Tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau màu an toàn, không sử dụng phân bón hóa học trong trồng trọt. Hiện tại, tôi trồng dưa leo, bầu, khổ qua… Năm nay, trừ chi phí, 3 công màu mang về cho gia đình tôi khoản thu nhập gần 100 triệu đồng”.

Nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, Hội LHPN xã Thới Xuân vừa ra mắt THT Gia công hạt điều với 20 thành viên, tại ấp Thới Trung A. Đa số thành viên THT là phụ nữ có con nhỏ và phụ nữ cao niên, thu nhập mỗi thành viên đạt 2-3 triệu đồng/tháng. Bà Đào Thị Giúp, thành viên THT, thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn. Các con đã lập gia đình, chỉ còn 2 vợ chồng già sống nương tựa vào nhau. Không có ruộng đất canh tác, trước giờ, vợ chồng bà Giúp làm mướn, công việc và thu nhập không ổn định. Từ khi tham gia THT, vợ chồng bà Giúp có thêm thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

THT Đan ráp lú xã Trung Thạnh được thành lập và duy trì hiệu quả nhiều năm qua tại ấp Thạnh Phú với 29 thành viên. Hiện nay, thu nhập các thành viên đạt 3-6 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Mai Thị Diễm, thành viên THT Đan ráp lú, trước kia, chồng làm ruộng, chị ở nhà nội trợ và chăm sóc 2 con nhỏ. Nhờ công việc đan ráp lú mà hiện nay chị Diễm có thêm thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị Võ Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thạnh, cho biết, từ hiệu quả của mô hình, năm 2023, Hội tiếp tục thành lập thêm 1 THT Đan ráp lú tại ấp Thạnh Lộc 1, với 15 thành viên.

Với sự năng nổ, nhạy bén của các cán bộ Hội, trong năm 2023, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Đỏ đã ra mắt 7 THT và 1 hợp tác xã với 119 thành viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng thăm hỏi, động viên tinh thần và vận động xã hội hóa trên 1.000 phần quà tặng cán bộ, hội viên nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội phối hợp ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 9 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, vận động xây dựng, sửa chữa 12 Mái ấm tình thương, trị giá trên 600 triệu đồng, cho hội viên…

Chị Khúc Thị Tuyết, hội viên phụ nữ xã Đông Hiệp, thuộc diện hộ cận nghèo. Vợ chồng chị Tuyết chia tay nhau, con gái lớn đã lập gia đình sinh sống ở xa. Hiện chị Tuyết sống cùng con trai út, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hằng ngày, chị Tuyết làm mướn. Căn nhà cũ lụp xụp nhưng chị không có điều kiện sửa chữa. Tháng 5-2023, chị được Hội LHPN huyện hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương. Gia đình chị Chu Thị Lắn ở ấp 6, xã Thới Hưng, cũng thuộc hộ nghèo. Vợ chồng chị không có đất sản xuất, có 2 con nhỏ. Căn nhà cũ chỉ là mái lá tạm bợ. Năm 2023, chị được Hội LHPN hỗ trợ xây dựng Mái ấm. Chị Lắn xúc động chia sẻ: “Ngoài việc được hỗ trợ cất nhà, cán bộ Hội còn thường xuyên đến thăm, động viên vợ chồng tôi cố gắng làm lụng nuôi con ăn học. Dịp năm học mới vừa qua, các con tôi được Hội hỗ trợ cặp, tập vở…”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, thông tin: “Từ những nỗ lực, năm 2023, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện đã giúp 48 hội viên thoát nghèo. Các cấp Hội sẽ tiếp tục nâng chất, nhân rộng mô hình hỗ trợ hội viên làm kinh tế, giải quyết việc làm.. giúp chị em thoát nghèo, nâng cao mức sống”.

Theo Báo Cần Thơ

TP Cần Thơ hiện có một số làng nghề, xóm nghề truyền thống nổi bật như đan đát (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), đan lưới (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), đan thúng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt), bánh tráng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), đan lục bình (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), đan lọp (phường Thới Long, quận Ô Môn), bánh dân gian (phường Trường Lạc, quận Ô Môn)… thu hút khá đông lao động, nhưng đa số là người cao tuổi, trung niên. Việc người trẻ thờ ơ với nghề truyền thống ngày càng trở nên phổ biến, nhất là ở các làng nghề, xóm nghề. Nếu như các thế hệ trước luôn sống hết mình, trân trọng và tận tâm trau chuốt sản phẩm nghề truyền thống thì đa số người trẻ tham gia học và làm nghề cho biết, chớ ít khi muốn gắn bó vì đắn đo, cân phân thu nhập chưa thỏa đáng.

viên, người lao động gia công sản phẩm lục bình cho HTX Làng nghề Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.

Từ khi khởi sự là nhóm, rồi tổ nghề đan lục bình, hiện nay là Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Đỏ, với trên 100 xã viên và người lao động hầu hết người cao tuổi, phụ nữ trung niên. Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX, luôn gắn bó và tâm huyết với nghề, bộc bạch: “Tôi tiến bộ, trưởng thành nhờ tham gia học và làm nghề đan lục bình. Tôi mong muốn giữ gìn và lan tỏa nghề truyền thống, tìm được người trẻ tâm huyết để truyền nghề nhưng quả thật “lực bất tòng tâm”…”. Các năm trước, chị Lang tham gia dạy nghề đan lục bình theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại các quận, huyện, thu hút khá đông chị em theo học. Tuy nhiên, khi tìm được việc làm khác, các em, cháu “quay xe”, chỉ còn phụ nữ trung niên theo nghề…       

Là nguồn thu nhập lúc nông nhàn, thành viên các gia đình làng nghề đan cần xé, ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai tập trung làm sản phẩm mỗi ngày. Bày nguyên liệu ra sân, các ông, bà, cô, chú vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả, ít thấy con cháu góp mặt. Tiếp nối truyền thống gia đình mấy đời, anh Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, quyết tâm phát triển nghề đan đát tại quê nhà để bày tỏ sự tri ân tiền nhân tận tình truyền nghề cho anh. Mỗi khi kể chuyện nghề, anh Nà không thể quên cảm giác háo hức lẫn xúc động khi sản phẩm cần xé đầu tiên tuy còn nhiều lỗi nhưng được cha khen nhằm động viên, khích lệ. Hiện anh Nà rất “tâm tư”, chưa biết truyền nghề cho ai, khi 2 con trai của anh cũng xa nhà học đại học và tìm việc làm. Anh Nà chia sẻ: “Xã viên, người lao động HTX toàn có tuổi. Thi thoảng, vài cháu đi học, đi làm xa về thăm nhà dịp cuối tuần, hụ hợ chẻ tre, vót nan cho vui, chớ không mặn mòi…”. Để góp phần lưu giữ và lan tỏa nét đẹp nghề truyền thống, anh Nà cũng bỏ công sức tham gia dạy nghề đan đát ngắn hạn, nâng cao tay nghề đan các mặt hàng lưu niệm bằng tre, trúc, dây nhựa tại các địa phương, với đa số học viên là phụ nữ trung niên. Vài người trẻ tham gia học nghề nhưng dở dang hoặc không làm nghề.  

Hầu như các “chủ lò” tại HTX Bánh dân gian Trường Lạc, phường Trường Lạc, quận Ô Môn là phụ nữ trung niên, có “thâm niên” nghề. Chị Nguyễn Thị Tha, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Con cháu khôn lớn đi học, rồi tìm việc làm, chỉ phụ giúp làm bánh khi rảnh rỗi hay đơn hàng đặt bánh cần giao gấp, không cháu nào kiên trì theo nghề”.   

Qua những câu chuyện kể, hầu hết người gắn bó, hiểu rõ giá trị làng nghề, xóm nghề đều đau đáu ước mong lưu giữ, phát triển nghề truyền thống nhưng “lực bất tòng tâm”. Để tạo sự nối tiếp các thế hệ, giúp nghề truyền thống có vị thế nhất định trong xã hội, cộng đồng, không chỉ trông chờ sự tận tụy, tận tâm với nghề của người đi trước và ý thức trân quý nghề của lớp người trẻ, mà điều kiện tiên quyết là sự quan tâm cũng như động thái tích cực phối hợp, hoạch định cụ thể, với giải pháp khả thi của các sở, ngành, đoàn thể chức năng. Ngoài yếu tố quảng bá, duy trì nét đẹp sản phẩm truyền thống bao đời, điều quan trọng là người làm nghề đảm bảo cuộc sống thoải mái, được tạo điều kiện tham quan, học hỏi, thỏa sức sáng tạo, phát huy tay nghề, nâng tầm kỹ thuật, kỹ xảo cũng như trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Như vậy, người trẻ mới có động lực gắn bó, cống hiến, góp phần phát triển, tôn vinh và không để mai một nghề truyền thống.

Theo Báo Cần Thơ

All in one
Scroll to Top