Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hoạt động thương mại trên sàn TMĐT của các tỉnh thành diễn ra ngày càng sôi nổi và bắt đầu ghi nhận được những kết quả tích cực.
Những kết quả tích cực
Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai vừa đưa thông tin, tính đến cuối năm 2023, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn) đã có sự tham gia 40 gian hàng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh với 300 sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm OCOP.
Được biết, đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Từ khi đi vào hoạt động tháng 12/2021, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai đã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của người dân, HTX, doanh nghiệp tại địa phương.
Nhiều đơn vị tại Đồng Nai đã bày tỏ sự hưởng ứng, cũng như chia sẻ về việc bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đã giúp đem về những tín hiệu tích cực.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (Nhơn Trạch, Đồng Nai) Nguyễn Thị Bích Lệ cho biết, HTX đã được Sở Công thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn ecdn.vn. Sau một quá trình tích cực tham gia, thử nghiệm, hiện HTX đã đưa được khoảng 20 sản phẩm lên sàn này. Sàn đã góp phần kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX.
Từ chỗ kinh doanh chậm, dựa chủ yếu vào bán hàng truyền thống và các đơn vị liên kết. Đến nay, hoạt động bán hàng trực tuyến qua trang TMĐT của tỉnh đã giúp việc bán sản phẩm của HTX phát triển đáng kể. Bà Lệ chia sẻ, doanh thu của HTX từ các giao dịch mua bán trên sàn này trung bình đạt khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Tương tự tại tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2023, Sở Công Thương ghi nhận toàn tỉnh có 206 đơn vị sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT tại địa chỉ http://thuongmaigialai.vn với 375 loại sản phẩm. Trong quá trình hoạt động sàn đã giúp nhiều đơn vị, đặc biệt là HTX có sự phát triển vượt trội về doanh thu và khả năng tiếp cận với người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Hoàng Anh,Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai ( Ia Grai, Gia Lai) chia sẻ: Thông qua các sàn TMĐT, HTX tiếp cận nhiều khách hàng và ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
“Kênh bán hàng online giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển sản xuất. Thời điểm hiện tại, kênh bán hàng truyền thống gặp khó khăn nhưng nhờ bán qua sàn TMĐT nên doanh thu của HTX vẫn tăng khoảng 20% so với trước”, bà Hoàng Anh bày tỏ.
Với nhiều lợi thế là không tốn chi phí cho khâu trung gian, có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi, các sàn TMĐT địa phương đang thể hiện được sự hữu dụng của mình trong việc giúp người dân, HTX, doanh nghiệp tại địa phương tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng đầu ra.
Nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của việc bán hàng qua TMĐT, khi được Sở Công thương hỗ trợ kiến thức liên quan đến việc mở gian hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, người dân, doanh nghiệp HTX cũng đã nhiệt tình hưởng ứng.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Dù đem lại những kết quả tích cực như trên, nhưng xét về thực tế cho thấy hoạt động của các sàn TMĐT của các tỉnh vẫn còn bộc lộ không ít yếu điểm, hạn chế.
Theo Sở Công Thương các địa phương, các nhóm sản phẩm được giới thiệu trên sàn gồm: nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn… đều có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, sức mua của các sàn vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trang TMĐT của tỉnh đã góp phần quảng bá, giới thiệu được sản phẩm tới người tiêu dùng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có phương án phát triển lâu dài, chưa theo kịp thị trường… Do đó, số lượt bán nhìn chung vẫn thấp, lượng giao dịch, tương tác, doanh thu nhìn chung vẫn còn khá khiêm tốn…
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh các sàn TMĐT của một số tỉnh, địa phương vẫn cần cải thiện nhiều yếu tố về mặt giao diện, tính năng, nâng cao tính nhận diện, hình ảnh thương hiệu hoạt động tuyên truyền để làm tăng sức mua, thu hút người tiêu dùng.
Chị Mỹ Thơm (Mang Yang, Gia Lai), một khách hàng của sàn TMĐT tỉnh nhận xét: “Dù đã có được những tính năng cơ bản của một sàn TMĐT nhưng thiết kế, giao diện của website vẫn khá đơn giản, chưa tối ưu và kém thu hút. Bên cạnh đó, các sản phẩm đăng lên cũng chưa đẹp, nhiều hình ảnh do người bán tự chụp chưa đầu tư vào hình thức, khó tạo được hứng thú cho người mua”.
Qua đó, các chuyên gia về truyền thông, thương mại nhận định, các địa phương cần cải tiến giao diện, nội dung và có kế hoạch lâu dài để hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong cộng đồng để ngày càng tiệm cận với thị hiếu thị trường. Để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin về sàn TMĐT, nhất là gắn với hoạt động tuyên truyền vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đối với các doanh nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm lên sàn cần chú trọng tạo bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh sản phẩm đồng thời tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều, hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi đã tham gia sàn cần tích cực tương tác, hỗ trợ và tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung các sàn TMĐT địa phương đã góp một bước phát triển tích cực, tạo “bệ phóng” cho sự mở rộng về kết nối giao thương cho người dân, doanh nghiệp, HTX địa phương kinh doanh các sản phẩm, nông đặc sản vốn còn thiếu, yếu về mặt đầu ra.
Ngoài trang TMĐT, hiện nhiều đơn vị doanh nghiệp, HTX cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh có thể mở thêm những kênh truyền thông trực tuyến khác, nhằm tăng cường sự liên kết, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn nữa những sản phẩm của địa phương sản xuất tới thị trường cả nước.