Giúp nhau làm giàu từ cây nhãn 

Chuyên nuôi cá tra thương phẩm cung ứng cho đối tác xuất khẩu song thị trường thường xuyên bấp bênh, ông Lê Văn Suốt ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã mạnh dạn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm làm vườn và chuyển hướng sang trồng nhãn Ido từ năm 2015. Không chỉ phát triển vườn cây ăn trái của gia đình, ông còn liên kết với các nhà vườn trồng nhãn ở địa bàn xã Thới Hưng cùng nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Thái Thanh. Qua đó góp phần hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, sản xuất theo quy trình an toàn, sinh thái và được doanh nghiệp đồng hành bao tiêu xuất khẩu.

Ông Suốt tỉa nhánh cho vườn nhãn Ido của gia đình.

Buổi đầu bén duyên với cây nhãn, ông Suốt liên kết với một nông hộ ở ấp 2, xã Thới Hưng để trồng nhãn Ido với diện tích 5ha. Nhờ có điều kiện đầu tư bài bản và canh tác theo quy trình an toàn, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên ông đã tìm được đối tác liên kết bao tiêu. Lúc bấy giờ, vườn sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và đã được cấp chứng nhận Global GAP để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thời điểm có chứng nhận Global GAP và xuất đi thị trường Mỹ, vườn nhãn của ông Suốt được bao tiêu với giá 28.000 đồng/kg. Hiện nay do nguyên nhân khách quan nên vườn không tái cấp chứng nhận Global GAP nhưng vườn vẫn canh tác theo quy trình an toàn sinh thái. Sản phẩm được bao tiêu và xuất khẩu qua trung gian chứ chưa xuất khẩu trực tiếp. Trong điều kiện có doanh nghiệp khác vào yêu cầu phải có chứng nhận theo quy định của đối tác nhập khẩu, vườn của ông Suốt vẫn có đủ điều kiện cần thiết để đăng ký cấp chứng nhận do cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ và luôn áp dụng các quy trình canh tác an toàn, thân thiện môi trường.

Theo ông Suốt, nhãn Ido khó ở khâu xử lý ra hoa nhưng nuôi trái và thu hoạch rất dễ. Nếu so với thanh nhãn có thể gọi là khó một khâu nhưng dễ nhiều khâu. Trong khi thanh nhãn khó ở khâu chăm sóc để đảm bảo kích cỡ trái và chất lượng trái. Về công chăm sóc, cây càng lớn càng đỡ công chăm sóc vì cây ổn định hơn. Khâu làm bông khó vì cây nhãn Ido mẫn cảm với thời tiết, gặp thời tiết bất lợi sẽ không phát triển bông, mưa nắng bất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng đậu trái. Khi thu hoạch chậm cũng sẽ bị hao hụt nhưng không đáng kể.

Với diện tích 5ha, ông Suốt trồng 2.100 cây nhãn Ido. Sang đến những năm sau tán cây phát triển, ông sẽ tiến hành đốn bỏ để mở rộng khoảng cách và đến hiện tại toàn vườn chỉ còn khoảng 700 cây nhãn. Theo ông Suốt, lúc đầu vườn nhãn trồng thưa sẽ mất năng suất. Do đó có thể trồng dày với khoảng cách 5-6m sau đó đốn bỏ bớt để cây phát triển và đến khi cây trưởng thành cho trái nhiều vụ có thể duy trì khoảng cách cây 8m. Sau 5ha đầu tiên, năm 2016 ông Suốt tiếp tục liên kết đầu tư thêm 5ha trồng nhãn Ido. Bên cạnh đó, ông Suốt cũng đầu tư thêm 2,5ha trồng 400 gốc thanh nhãn và vườn đã cho trái được một vụ.

Theo ông Suốt, vùng đất ở Cờ Đỏ rất phù hợp với cây nhãn Ido lẫn cây thanh nhãn. Với thanh nhãn do vườn chỉ mới cho trái vụ đầu nên năng suất cả vườn chỉ đạt khoảng 5 tấn/2,5ha. Vui hơn cả là ở vụ này thanh nhãn bán được với giá 70.000 đồng/kg. Với cây nhãn Ido, hiện vườn ông Suốt cho năng suất khoảng 26 tấn/ha. Sau 5-6 năm kể từ khi 2 vườn nhãn cho thu hoạch vụ đầu tiên, đến nay sản lượng thu hoạch đã tăng khoảng 2,5 lần. Năm đầu vườn nhãn chỉ đạt năng suất bình quân 1 tấn/công, 5ha đạt khoảng 50 tấn. Hiện nay năng suất của mỗi vườn đạt 120-130 tấn. Mỗi hecta nhãn có chi phí đầu tư khoảng 200-210 triệu đồng. Với doanh thu khoảng 380-400 triệu đồng, sau khi trừ chi phi đầu tư phân thuốc, liên kết thuê đất, ông Suốt thu lợi khoảng 180-190 triệu đồng/ha. Năm nay do chi phí đầu vào tăng, giá bán thấp nên lợi nhuận cũng phần nào giảm sút. Mỗi vườn bình quân cho lợi nhuận khoảng 800-900 triệu đồng. Với diện tích 10ha, ông Suốt thu nhập khoảng 1,6-1,8 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, trước đây nếu đầu tư vườn nhãn sau 5 năm có thể thu hồi được vốn do chi phí phân bón còn thấp nhưng hiện nay để thu hồi vốn có thể mất nhiều thời gian hơn do chi phí phân bón tăng khoảng 30%  trong khi giá đầu ra giảm.

Một trong những nguyên nhân giúp ông Suốt mạnh dạn mở rộng vườn chính là nhờ liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho trái nhãn. Đến nay, vườn của ông Suốt đã có 7 năm liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Đặc biệt, với vai trò là Giám đốc HTX Cây ăn trái Thái Thanh, ông Suốt cùng các thành viên HTX luôn nỗ lực hoàn thiện quy trình canh tác, tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều để khẳng định, uy tín, chất lượng sản phẩm trái cây của HTX. HTX Cây ăn trái Thái Thanh, 27 thành viên trong đó đa phần đều đầu tư liên kết với hộ dân có đất sau đó bỏ vốn vào đầu tư vườn cây ăn trái. HTX thành lập năm 2018 với 2 sản phẩm chính là nhãn Ido và thanh nhãn với tổng diện tích 127ha. Vườn của các thành viên HTX khoảng 5-8 năm tuổi. Toàn bộ diện tích của HTX đều đã được cấp mã số vùng trồng, đồng thời có 3 công ty tham gia liên kết bao tiêu nhãn để xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trung bình mỗi năm, sản lượng liên kết bao tiêu xuất khẩu của HTX khoảng 500 tấn thanh nhãn, 300 tấn nhãn Ido. Có khoảng 40% sản lượng nhãn của HTX bán cho thương lái bên ngoài.

Theo anh Bùi Thanh Hiếu, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, mô hình trồng nhãn của ông Lê Văn Suốt là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Thời gian qua, địa phương cũng phối hợp với ngành Nông nghiệp thành phố hỗ trợ HTX Thái Thanh trong đăng ký chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc điện tử, đăng ký mã số vùng trồng. Nhờ sản xuất an toàn, thân thiện môi trường nên sản phẩm của HTX có chất lượng đồng bộ, mẫu mã đẹp, đồng thời được doanh nghiệp tham gia bao tiêu với sản lượng lớn để xuất khẩu trong nhiều năm liền.

Ông Suốt cho biết: Hiện HTX có đầu ra ổn định, quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác đồng bộ nhưng khó mở rộng diện tích do lệ thuộc vào diện tích thuê đất. Bởi lẽ muốn mua đất mở rộng vườn cần nhiều chi phí trong khi nếu thuê đất lại hạn chế về thời gian thuê, không thể thuê dài hạn. Do đó, phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư chuyên sâu cho vườn nhãn. Về liên kết bao tiêu đầu ra cho thành viên, HTX đã làm tốt song về lâu dài rất cần có những doanh nghiệp chế biến chuyên sâu vào đầu tư nhà máy chế biến tại địa phương. Bởi lẽ với sản lượng thu hoạch lớn nếu đưa trái nhãn đi địa bàn khác chế biến sẽ phải mất thêm thời gian, chi phí cho khâu trung chuyển. Vào thời điểm sức tiêu thụ của thị trường có giới hạn nếu có nhà máy chế biến sâu tại địa phương sẽ giải quyết đầu ra ổn định cho nhà vườn, vừa giữ được độ tươi ngon vừa tạo ra giá trị gia tăng cao cho trái nhãn.

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang