Những năm qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa các hoạt động trồng trọt nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường…
Ða dạng cây trồng
Dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), chi phí sản xuất đầu vào tăng, đất sản xuất bị thu hẹp nhưng các hoạt động trồng trọt trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn được duy trì và phát triển khá tốt. Diện tích sản xuất và sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt và vượt so với kế hoạch. Bên cạnh việc thâm canh, tăng vụ nhằm duy trì được diện tích, sản lượng lúa ở mức cao, TP Cần Thơ tiếp tục phát triển trồng nhiều loại rau màu, hoa kiểng, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái. Các loại cây trồng cũng được phát triển trồng theo nhiều mô hình khác nhau như trồng chuyên canh, xen canh, luân canh… nhằm phù hợp với các điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương và đáp ứng các yêu cầu về thích ứng BÐKH, chuẩn hóa sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường.
Năm 2023 tổng diện tích gieo trồng lúa tại thành phố đạt 216.215ha, vượt 5,77% so với kế hoạch và sản lượng lúa đạt hơn 1,36 triệu tấn, vượt 14% so với kế hoạch. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống thơm đặc sản trên 95%; tỷ lệ sử dụng giống đạt cấp xác nhận trở lên chiếm hơn 80%, nhờ vậy chất lượng lúa gạo được nâng cao và bán được giá cao. Cần Thơ cũng đã có 546ha lúa đạt chứng nhận VietGAP và duy trì 140 cánh đồng lớn (CÐL), với diện tích mỗi vụ lên đến 36.075ha. Tham gia CÐL nông dân có điều kiện liên kết với nhau và với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm, ứng dụng đồng bộ cơ giới và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm 2023, Cần Thơ cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 716ha từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả và ảnh hưởng của BÐKH qua sản xuất rau màu, cây ăn trái. Tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu và cây công nghiệp ngắn ngày trong năm qua đạt 15.267ha, vượt 0,6% so với kế hoạch, với sản lượng ước đạt 192.333 tấn, vượt 25% so với kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái là 25.072ha, vượt 0,28% kế hoạch, với sản lượng trái đạt 223.255 tấn, vượt 14% kế hoạch.
Các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã hình thành được các vùng chuyên canh rau màu tập trung với diện tích 229ha, sản lượng 28.390 tấn/năm. Diện tích vùng sản xuất cây ăn trái ngày càng mở rộng, thành phố cũng hình thành được một số vùng trồng cây ăn trái tập trung chuyên canh, với diện tích hơn 10.390ha, sản lượng trên 100.000 tấn như vùng trồng nhãn, sầu riêng, xoài, vú sữa, dâu Hạ Châu, mận, mít và cây có múi.
Nâng cao hiệu quả trồng trọt
Phát huy các kết quả đã đạt được, năm 2024 Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng, phát triển các mô hình, cách làm hay nhằm phát triển sản xuất. Chú ý thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương trong sản xuất nhằm giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân…
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt, Chi cục cũng tăng cường phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT và các địa phương trong tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân quản lý sản xuất, phòng, chống các loại dịch hại và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận và áp dụng các thiết bị cơ giới và công nghệ mới vào sản xuất, cũng như hỗ trợ kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết hoạt động trồng trọt và BVTV năm 2023, định hướng kế hoạch năm 2024, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cùng toàn ngành Nông nghiệp thành phố cần chú ý đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt gắn với nhu cầu thị trường. Thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số để giảm chi phí, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao. Hỗ trợ nông dân chuẩn hóa sản xuất đáp yêu cầu thị trường gắn với thúc đẩy, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp bền vững theo từng chuỗi giá trị ngành hàng…
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bày tỏ mong muốn: “Chi cục tiếp tục phát huy, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan cấp trên và sự phối hợp, hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan để huy động tốt các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, thiết lập mã vùng trồng, quản lý truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân. Ðây là “chìa khóa” để nắm bắt cơ hội trong tiêu thụ sản phẩm và giúp thúc đẩy sản xuất, nhất là đối với sản xuất lúa và cây ăn trái”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, TP Cần Thơ có diện tích trồng cây ăn trái không lớn bằng nhiều tỉnh, thành khác ở trong nước nhưng có đa dạng nhiều loại trái cây ngon, có thể phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn. Cần Thơ cần nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm gắn với nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là khi Cần Thơ có lợi thế là trung tâm của vùng ÐBSCL.