Liên kết sản xuất theo hợp đồng sẽ giúp sản xuất thêm chuyên nghiệp, bền vững, nhưng làm thế nào để các hợp đồng liên kết có giá trị hơn, tạo niềm tin vững chắc giữa nông dân với doanh nghiệp trong mối liên kết thông qua các HTX là điều đáng quan tâm hiện nay.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII vừa được tổ chức, vấn đề “bẻ kèo” trong liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lại được đề cập.
Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX trồng và sản xuất măng tre Thành Tâm (Bình Phước) cho biết, liên kết và tổ chức liên kết là một xu hướng không thể thiếu giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, và các mối liên kết này đều cần thông qua HTX. Tuy nhiên, trong thực tế đã có không ít hợp đồng hợp tác bao tiêu sản phẩm bị phá vỡ, phần nào làm giảm niềm tin giữa các bên, nhất là đối với người dân.
“Bẻ kèo” vì giá cả không được kiểm soát
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sỹ nông nghiệp Dương Văn Nam cho rằng từ trước đến nay, người dân, HTX sản xuất nông nghiệp tuy là người làm ra sản phẩm nhưng không thể quyết định được giá. Giá cả nông sản bị biến động liên tục theo nhu cầu của thị trường và điều kiện khí hậu, tình hình thời tiết.
Nhiều lần, thiên tai, bão lũ khiến nông sản bị mất mùa thì giá sản phẩm đi lên, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như rau xanh. Thực trạng này đã dẫn đến việc dễ phá vỡ hợp đồng liên kết và đó cũng là vấn đề phổ biến trong nông nghiệp Việt Nam.
Ông Đỗ Hồng Phúc (Mộc Châu, Sơn La) hiện là thành viên chuỗi bán lẻ của Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam (VCCU) cho biết đã có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hướng dẫn quy trình và thu mua nông sản cho người dân. Nhưng chỉ qua vài vụ, giá nông sản trên thị trường tăng lên, thậm chí lên rất cao so với giá doanh nghiệp thu mua, nên nông dân có khi chấp nhận đền hợp đồng để bán nông sản ra ngoài.
Ngược lại, cũng có tình trạng doanh nghiệp liên kết nhận thấy giá nông sản khi vào vụ thu hoạch xuống thấp hơn rất nhiều so với giá đã ký kết thì không chịu thu mua cho người dân, khiến nông sản bị giảm chất lượng vì nằm quá lâu trên cánh đồng, thậm chí phải đổ bỏ, không thu hoạch.
Điều này chính là do giá cả không được kiểm soát, mà bị ảnh hưởng bởi thị trường và thời tiết, nên dù có hợp đồng nhưng vẫn không mang lại hiệu quả bền vững trong liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên chính là do không dự báo được nhu cầu của thị trường và quy hoạch sản xuất với sản lượng phù hợp nên để người dân, HTX làm nông nghiệp theo phong trào, theo số đông khi thấy nông sản đang lên giá. Từ đó dễ dẫn đến việc các bên không thực hiện đúng các nguyên tắc trong hợp đồng đưa ra.
Tính chuyện đường dài
Theo các chuyên gia kinh tế, để tăng tính hiệu quả trong liên kết thông qua hợp đồng, các bên liên quan cần thực hiện hợp đồng nguyên tắc, sau đó khi đến từng vụ thu hoạch sẽ có phụ lục hợp đồng riêng để thống nhất giá cả, hình thức chia sẻ rủi ro và các nội dung cần thiết khác.
Thạc sỹ nông nghiệp Dương Văn Nam cho rằng dù hợp đồng ký kết trong nhiều năm nhưng mỗi năm, doanh nghiệp và người dân, HTX cần ngồi lại với nhau để xem xét lại tình hình sản xuất kinh doanh. Phía doanh nghiệp có thể yêu cầu người nông dân bán nông sản với mức giá cố định hay là giá theo mức thương lượng. Bởi nếu nông dân, HTX đồng ý bán cho doanh nghiệp rồi sau đó khi vào vụ thu hoạch, giá thị trường cao thì họ có được quyền từ chối bán hay là yêu cầu tăng giá hay không?
Câu trả lời tốt nhất cho vấn đề này chính là các bên nên thống nhất rõ ràng ngay từ đầu vụ trong hợp đồng và nên có thêm phần thương lượng và những kịch bản đặt ra khi giá nông sản biến động, bởi sản xuất nông nghiệp hiện phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, sự lên xuống của thị trường vi mô và vĩ mô.
Cụ thể, nếu vào vụ thu hoạch, giá nông sản A. tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba thì doanh nghiệp thu mua sẽ tăng giá cho nông dân thêm bao nhiêu phần trăm (20% hay 30%…)? Ngược lại, khi giá nông sản vào vụ thu hoạch giảm xuống một nửa hay quá một nửa thì doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nào cho nông dân? Còn phía nông dân phá vỡ hợp đồng thì những thông tin này có thể sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng cân nhắc sau này có cho nông dân đó vay vốn sản xuất hay không…
Ông Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng để hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết, ngay tại địa phương cần đưa ra những nguyên tắc, quy định cụ thể chung về nội dung hồ sơ, thủ tục cho dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để các chủ thể dễ áp dụng và giúp chính sách khả thi hơn trên thực tế…
Hiện nay, nhiều vùng, nhiều địa phương đã quy định người dân không được sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như ở Vân Sơn (Hòa Bình) đã có quy định và đưa vào trong hương ước là nếu ai dùng hóa chất trong sản xuất sẽ bị phạt 1.000.000 đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX tại địa phương thu hút doanh nghiệp ký kết hợp đồng theo hướng lâu dài, vì phía doanh nghiệp thấy được những lợi ích bền vững trong liên kết.