Khởi nghiệp từ nông nghiệp, bỏ phố về quê lập doanh nghiệp, HTX đang mang lại hơi thở mới và thúc đẩy nhiều vùng quê phát triển. Tuy nhiên, có không ít mô hình, người khởi nghiệp phải chấp nhận đổ vỡ sau một thời gian hoạt động do thiếu vốn, thiếu kiến thức…, từ đó khiến giấc mơ khởi nghiệp không còn là màu hồng.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX nông sản Hạnh Phúc (Nghệ An), cho biết anh đã chứng kiến nhiều thanh niên có bằng cấp về quê khởi nghiệp nông nghiệp bằng cách thành lập HTX, doanh nghiệp nhưng không hề dễ dàng, thậm chí thất bại vì lầm tưởng và thiếu nhiều thứ. Nhiều người do không có kinh nghiệm, không có kế hoạch, không tìm hiểu rõ thị trường nên thất bại trong xuất khẩu nông sản, đi cùng với đó là mất một số tiền lớn. Cũng có người cho rằng nông nghiệp là sản xuất theo kinh nghiệm nên không chú trọng đào tạo nhân sự, do đó phải trả giá khá đắt trong hành trình làm việc.
Hiện tượng bong bóng
Chị Ma Phương, thành viên của Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu (Lâm Đồng), cho biết các thành viên đã biết sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn là đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh. Nhưng khi bắt đầu khởi nghiệp, các thành viên đều không biết quy hoạch vườn trồng, đất đai như nào cho hợp lý, không biết mỗi vườn cần dành bao nhiêu diện tích để làm chỗ ủ phân hữu cơ cho phù hợp. Hay việc trồng rau trái vụ sẽ giúp gia tăng gia trị kinh tế nhưng trồng chính xác vào thời điểm nào, loại rau quả nào phù hợp nhất thì không phải thành viên nào cũng biết.
Có thể thấy, những năm gần đây ngày càng nhiều thanh niên có trình độ cao, thậm chí đi du học ở nước ngoài nhưng lại lựa chọn về quê khởi nghiệp nông nghiệp. Và thực tế cũng đã có nhiều dự án, doanh nghiệp, HTX do các bạn trẻ thành lập đạt được thành công với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Ở một góc độ nào đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có những mặt thuận lợi như đây là lĩnh vực truyền thống và Nhà nước, các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ cụ thể để tập trung phát triển nông nghiệp cũng như khởi nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập, đầu ra của nông sản cũng rộng mở hơn cho cơ hội cho nông nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam từng đặt kỳ vọng có 1 triệu doanh nghiệp, hiện nay mới có trên 800.000 doanh nghiệp. Ngoài ra là mục tiêu của cả nước là đến năm 2023 sẽ phát triển lên 45.000 HTX, 340 liên hiệp HTX và tính đến năm 2023, cả nước đang có gần 30.000 HTX, 125 liên hiệp HTX. Như vậy, dư địa cho khởi nghiệp nói chung còn rất lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một điều đáng quan ngại là bên cạnh những bạn trẻ nghiêm túc trong khởi nghiệp thì có không ít người lại luôn nghĩ rằng khởi nghiệp chính là làm chủ với những giấc mơ màu hồng. Điều này đã biến tình trạng bỏ phố về quê lập nghiệp thành trend (xu hướng), nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.
Điều này một phần là do suy nghĩ đơn giản của các bạn trẻ nhưng một phần cũng vì các bạn trẻ không có đầy đủ kiến thức đi liền với đó là các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương chưa hỗ trợ đầy đủ kiến thức về khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Khởi nghiệp cần đúng cách
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch-AFT), cho rằng nông nghiệp là ngành truyền thống và cũng là ngành chủ lực của Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có một chương trình khoa học, nghiên cứu cụ thể đồng hành xuyên suốt với người làm nông. Thay vào đó hiện mỗi bộ, ngành làm một khúc, một công đoạn. Điều này khiến những người khởi nghiệp rơi vào cảnh “chóng mặt ù tai” trong khởi nghiệp.
Ngay như vấn đề chuyển đổi số gắn với các chính sách hỗ trợ cũng khá rời rạc, mỗi bộ ngành (Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT…) thực hiện một chút. Trong đó mới chỉ tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà chưa chú trọng đến đối tượng HTX. Trong khi không ít bạn trẻ đang lựa chọn mô hình kinh tế tập thể để khởi nghiệp.
Bên cạnh kiến thức, tình trạng thiếu vốn cũng là vấn đề đáng quan tâm vì khởi nghiệp chỉ với kiến thức thôi là chưa đủ. làm nông nghiệp thời nay cần áp dụng khoa học công nghệ đi kèm với nhiều kỹ năng mềm. Trong khi khởi nghiệp đồng nghĩa với lúc ban đầu, doanh nghiệp, HTX đó phải đầu tư rất nhiều thứ.
Anh Lê Trọng Kha, sáng Lập thương hiệu LeKhamart, cho biết ngay với doanh nghiệp lớn khởi nghiệp trong nông nghiệp cũng xác định 50% được, 50% thua. Thậm chí họ đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cũng chưa chắc thu được trái ngọt nếu chẳng may tính sai đường. Nhưng dù sao doanh nghiệp lớn cũng đã có kiến thức, kinh nghiệm nên sẽ có cách xoay sở để hạn chế khó khăn, thất bại. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, HTX vừa thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu cả mối quan hệ nên khi tính sai đường sẽ rất khó trụ vững.
Chính vì vậy, lời khuyên đưa ra là trước khi làm chủ, điều đầu tiên các bạn trẻ cần học cách làm thợ thật tốt. Ngoài chuyên môn, họ cần biết cả về quản trị tài chính, quản lý con người, xây dựng các mối quan hệ… Trong khi hiện nay nhiều bạn trẻ vừa thiếu kiến thức thực tế, thiếu trải nghiệm, thiếu hiểu biết về bản thân nên xảy ra tình trạng ảo tưởng.
Bên cạnh đó khởi nghiệp là tốt nhưng không nên bằng mọi cách “xúi” giới trẻ khởi nghiệp bằng mọi cách, mọi giá. Vì tuổi trẻ có ý tưởng, có tri thức nhưng đi kèm với đó là sự tự tin thái quá, ham chiến thắng nên nếu các mentor thổi phồng vấn đề khởi nghiệp thì họ rất dễ bị đánh gục. Thay vào đó nên đi làm ở các doanh nghiệp hoặc trải nghiệm thực tiễn để có vốn tích lũy sau đó mới khởi nghiệp.
Song song đó, Nhà nước cũng cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp cụ thể, đồng bộ đi liền với hỗ trợ về pháp lý cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp. Bởi hiện nay các vấn đề như hỗ trợ về bảo hiểm nông nghiệp, huy động vốn, xây dựng quỹ khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách ưu đãi tuy đã có nhưng chưa đi vào thực tiễn.
Ngay như việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển HTX. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hầu hết các chính sách hỗ trợ này đều là những chính sách lồng ghép với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác nên các bạn trẻ khi khởi nghiệp bằng mô hình HTX, tổ hợp tác thường không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp cận được chính sách.