Có một lượng lớn rơm rạ sau các mùa thu hoạch lúa tại vùng ĐBSCL còn bị đem đốt đồng hay vùi vào đất gây lãng phí, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tăng phát thải khí nhà kính. Để khai thác và sử dụng hiệu quả rơm rạ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân quản lý và sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp.
Rơm rạ còn bị bỏ phí
Những năm gần đây, nước ta sản xuất sản lượng lúa từ 41-43 triệu tấn/năm. Theo đó, nước ta cũng có lượng rơm rạ trên 40 triệu tấn/năm, trong đó vùng ĐBSCL chiếm hơn 50% số lượng. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL đang cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước và sản lượng lúa của toàn vùng đạt hơn 24 triệu tấn/năm. Theo đó, lượng rơm rạ của toàn vùng có thể đạt 26-27 triệu tấn /năm. Tuy nhiên, tại nhiều nơi việc khai thác, phát huy giá trị rơm rạ chưa được chú ý nhiều mà mới chủ yếu tập trung vào lúa gạo và một số sản phẩm sau chế biến như cám và trấu.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, điều tra gần đây của Đại học Cần Thơ cho thấy có khoảng 70% lượng rơm rạ tại ĐBSCL được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất. Lượng rơm rạ được thu gom sử dụng mới chiếm khoảng 30% trên tổng lượng rơm, trong đó có 35% trong số này được sử dụng phủ gốc cây trồng và làm đệm lót vận chuyển trái cây, 30% trồng nấm rơm, 25% làm thức ăn gia súc và 10% vào các mục đích khác. Theo ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), với trên 24 triệu tấn lúa/năm, ĐBSCL cũng có khối lượng rơm rạ tương đương, đây là nguồn sinh khối lớn, chứa chất hữu cơ và dinh dưỡng. Tuy nhiên, nguồn sinh khối này chưa được sử dụng tốt, ngược lại còn tạo khí phát thải khi mà có khoảng 70% lượng rơm rạ bị đốt đồng hoặc vùi vào đất. Việc đốt đồng gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Còn vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm phát thải các loại khí nhà kính. Do vậy, cần có chính sách, giải pháp quản lý và sử dụng rơm rạ tại vùng ĐBSCL và cả nước nói chung theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp. Qua đó, giúp tăng thu nhập cho nông dân, các đối tác có liên quan và giảm phát thải.
Cần giải pháp đồng bộ
Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT vừa phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các bên có liên quan tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp” tại tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh cập nhật, cung cấp các thông tin về tình thu gom, sử dụng rơm rạ và đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm khai thác sử dụng rơm rạ hiệu quả và bền vững, ban tổ chức cũng công bố quy trình và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL. Tham dự hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, mô hình hiệu quả và cách làm hay trong khai thác và sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, cũng như cách phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm. Đáng chú ý, Hợp tác xã (HTX) New Green Farm đến từ quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã chia sẻ về cách HTX sử dụng rơm rạ sau khi trồng nấm rơm để làm phân bón hữu cơ giúp “đa dạng” các vòng quay trong sử dụng rơm để tạo giá trị gia tăng.
Anh Đồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, cho biết: “Nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ trên thị trường rất lớn, trong khi tại địa phương có nguồn rơm rạ rất dồi dào nên HTX mạnh dạn thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ. HTX đã được sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ IRRI và ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, qua đó tạo ra được sản phẩm phân bón hữu cơ có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng, với giá thành sản xuất tương đối thấp, nông dân dễ tiếp cận sử dụng. HTX đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và rất mong có sự hỗ trợ thêm từ ngành chức năng trong việc đầu tư máy, thiết bị công nghệ”. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Cần Thơ đang thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX New Green Farm là một trong những HTX đang thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Trong quá trình sản xuất lúa, HTX áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và lấy rơm rạ để trồng nấm rơm, giá thể rơm sau làm nấm được đưa vào sản xuất phân bón hữu cơ để phục vụ bón lại cho cây trồng. Quy trình sản xuất phân bón được IRRI hỗ trợ. Sau khi sản xuất được sản phẩm phân bón hữu cơ, HTX cũng được ngành chức năng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm và đưa thử nghiệm sử dụng trên nhiều loại cây trồng như lúa, cây ăn trái và rau màu đều cho thấy kết quả rất tốt.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị IRRI, cho biết: “Gần đây, IRRI đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và đối tác tư nhân thực hiện phân tích chuỗi giá trị, xác định công nghệ phù hợp để xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, trong đó quan tâm khâu quản lý rơm rạ. Các hoạt động này của IRRI nhằm tiếp tục hỗ trợ ngành Nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt ủng hộ chủ trương của Bộ NN&PTNT triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục đã phối hợp với IRRI và các đơn vị liên quan để nghiên cứu, ban hành những quy trình sản xuất lúa giảm chi phí đầu vào, hiệu quả bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, có các nghiên cứu về cách xử lý phụ phẩm nông nghiệp, kết quả đã cho ra quy trình xử lý và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL. Sự ra đời của tài liệu này rất có ý nghĩa khi Bộ NN&PTNT đang tiến hành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Theo đó, chúng ta không chỉ đơn thuần quan tâm đến lúa gạo mà cả các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng yêu cầu về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Rất mong tới đây có sự “chung tay, chung sức, đồng lòng” vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, các nhà khoa học, chuyên gia, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.