Để phát triển bền vững và hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của HTX, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, việc tổ chức thực hiện sát sao của các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ giống như chiếc kiềng vững chắc, tạo đà cho HTX lớn mạnh.
HTX Nông nghiệp Hưng Thuận (Long An) từng gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn, thiếu trụ sở hoạt động nên thành viên không tin tưởng vào HTX. Tuy nhiên, bước ngoặt đến với HTX khi các cấp, các ngành tại địa phương đã đồng hành, hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có kế hoạch cụ thể để HTX phát triển sản xuất kinh doanh.
Không mặn mà với HTX
Ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Hưng Thuận, cho biết HTX đã được tạo thuận lợi trong làm thủ tục hồ sơ khi vay vốn, mượn đất xây trụ sở. HTX cũng được lựa chọn thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 50ha trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Vì vậy, hoạt động của HTX ngày càng ổn định, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên HTX.
Trái ngược với HTX Hưng Thuận, ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (Quảng Trị) cho biết, dù đất của thành viên tập trung khai hoang sản xuất chung đã được đánh giá là tài sản chung cho HTX, nhưng quá trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền địa phương chưa quan tâm hỗ trợ, nhiều đơn vị quản lý chồng chéo. Điều này khiến HTX khó mở rộng sản xuất.
Có thể thấy, câu nói: “nơi nào cấp ủy chính quyền quan tâm thì HTX ở nơi đó phát triển” đã đánh giá đúng được thực trạng của nhiều HTX hiện nay. Thực tế, đã có địa phương nhận thấy được vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX trong quá trình phát triển, tiếp cận các chính sách của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, hiện nay ở địa phương thường xảy ra 2 vấn đề đó là các cấp chính quyền thường bỏ mặc HTX hoạt động hoặc là tham gia quá nhiều vào quá trình quản lý, hoạt động của HTX. Cả hai cách này đều khiến HTX khó phát triển và không phát huy được vai trò của mình tại địa phương.
Điều này được cho là do các cấp quản lý địa phương thiếu thông tin và hiểu biết về HTX. Nhiều quản lý địa phương chưa thấy được giá trị thực của HTX và không nhận thức được vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế và xã hội.
Thậm chí có nhiều địa phương cho rằng, HTX là do địa phương thành lập nhằm bảo đảm các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên họ có quyền can thiệp vào quá trình hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, bộ máy, nhân sự của HTX. Nhưng thực chất đã có những HTX thành lập trong quá trình xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng với thị trường, hoạt động chưa hiệu quả nhưng chính quyền địa phương lại không trách nhiệm, không có phương án cải tổ, hỗ trợ kịp thời.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều lãnh đạo địa phương hiện nay vẫn còn lúng túng, nghi ngờ về sự thành công của mô hình HTX nên vấn đề hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, xây dựng thể chế, chính sách còn chậm, thiếu cụ thể, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao.
Bên cạnh đó, ở các cấp quản lý ở địa phương hiện vẫn chưa có đơn vị chuyên trách về quản lý HTX. Cán bộ quản lý nhà nước về HTX chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên nên vấn đề quản lý nhà nước đối với HTX chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thực tế chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đã có nhưng chưa đến được với nhiều HTX phần lớn là do việc triển khai ở địa phương còn chậm, nhiều bất cập.
Hiểu về kinh tế tập thể để có chính sách, kế hoạch phù hợp
Trong một Hội nghị gần đây, ông Võ Văn Phong Giám đốc công ty du lịch C2T (Bến Tre), cho biết việc người dân, HTX ở địa phương có hoạt động tốt, làm du lịch thành công được hay không còn phụ thuộc một phần vào chính sách, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Muốn vậy, cần đẩy mạnh đào tạo các nhân lực cho cán bộ địa phương. Khi cán bộ tại địa phương hiểu về kinh tế tập thể, HTX, hiểu về làm du lịch nông thôn, nắm được tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì mới đưa ra chính sách cho người dân, HTX ở địa phương phù hợp.
Cụ thể như nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm nhưng làm sao để người dân, HTX ở Bến Tre tạo được dấu ấn trong quá trình làm du lịch thì chính quyền địa phương cần hỗ trợ HTX phát triển dựa vào văn hóa địa phương.
Tiêu biểu là cần tìm ra cách sản xuất dừa khác biệt của người Bến Tre so với các tỉnh thành khác. Cơ quan quản lý địa phương cũng cần hỗ trợ HTX đưa văn hóa dừa vào để tạo dấu ấn như: văn hóa ăn cơm bằng gáo gừa, đũa dừa, dùng nón dừa, món ăn từ dừa…
Theo ông Võ Văn Phong, việc đào tạo cán bộ ở địa phương để hiểu về tài nguyên bản địa, mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động của HTX thì họ sẽ có cách giúp người dân, thành viên HTX có kế hoạch “lấy tiền từ khách” và hoạt động một cách hiệu quả dựa vào thế mạnh của địa phương.
Cán bộ địa phương cần hiểu thế mạnh địa phương, hiểu về kinh tế tập thể để có chính sách, kế hoạch thúc đẩy kinh tế địa phương, HTX phát triển theo đúng hướng. Tránh tình trạng không đề cao vai trò của nông dân, HTX hoặc để doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương nhưng do doanh nghiệp không hiểu rõ thế mạnh của địa phương nên làm mất đi giá trị bản địa.
Ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch HTX Đồng Nai cho biết, thời gian qua việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, một trong số đó là công tác quản lý, điều hành của từng địa phương chưa thật sâu sát, nắm bắt kịp thời tình hình của các HTX. Do đó, việc tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên ngành cho cơ quan quản lý HTX và công tác quản lý Nhà nước cho cán bộ địa phương nếu được thực hiện thường xuyên sẽ giúp HTX có nhiều cơ hội phát triển.
Trước thực trạng trên, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các buổi đào tạo cho cấp quản lý nhà nước địa phương về kinh tế tập thể để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Gần đây, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lớp tập huấn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực HTX nhằm truyền đạt những kiến thức liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Qua đó, phần nào giúp những người làm quản lý nhà nước về kinh tế tập thể sẽ có cái nhìn đúng đắn về HTX, từ đó có những định hướng và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, một cách phù hợp.