Nâng cao năng lực của nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng ÐBSCL triển khai thực hiện Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án). Ðề án này kỳ vọng tạo chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL, tạo điều kiện nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và thu nhập cho nông dân, cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để Ðề án phát huy hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kịp thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng tham gia Ðề án, nhất là nông dân và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp…

Thu hoạch lúa tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Đào tạo, tập huấn

Thực hiện Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 nhằm hướng đến canh tác lúa bền vững ở ÐBSCL. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Qua đó, giúp 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích, trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%…

Ðể đạt các mục tiêu trên, đòi hỏi ngành chức năng cần kịp thời thực hiện công tác đào đạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho nhà nông và các đối tượng tham gia Ðề án như: cán bộ quản lý nông nghiệp địa phương, cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác và các thành viên; cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp… Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT, dự kiến có hơn một triệu lượt người cần được tập huấn và đào tạo để nâng cao năng lực đảm bảo đủ điều kiện tham gia triển khai hiệu quả Ðề án. Trong đó, giai đoạn 2024-2025 hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 207.780 lượt người, giai đoạn 2026-2030 là 812.320 lượt người.

Quyết tâm thực hiện

Mới đây tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Ðề án trên. Tại hội nghị, bên cạnh triển khai kế hoạch, Bộ NN&PTNT cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt việc đào tạo, tập huấn cho các đối tượng tham gia Ðề án.

Nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện thành công Ðề án, cần kịp thời làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức, hành động cho nông dân, cho cán bộ quản lý cùng các thành viên của HTX nông nghiệp và các bên có liên quan. Thúc đẩy nông dân liên kết với nhau thông qua các HTX nông nghiệp và có sự gắn kết chặt với doanh nghiệp để hình thành các “cánh đồng lớn” sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Việc liên kết là rất quan trọng để thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác lúa gạo bền vững, cũng như đo đếm lượng giảm phát thải để bán tín chỉ các-bon, mà từng nông hộ nhỏ lẻ khó thực hiện được. Theo ông Huỳnh Tấn Ðạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Tháp, Ðề án đã được Bộ NN&PTNT phát động triển khai thực hiện. Các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng các tài liệu, kế hoạch tập huấn để sớm triển khai nhằm giúp các địa phương và các bên liên quan nắm rõ các quy trình, kế hoạch và công việc cụ thể cần thực hiện.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: “Cần tăng cường năng lực cho tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là các đối tượng tham gia Ðề án. Trong đó, lực lượng khuyến nông cần được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực để thực hiện tốt vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với HTX và người sản xuất…”. Còn theo đề xuất của ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc tiêu thụ lúa gạo ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy còn có sự tham gia không thể thiếu của lực lượng thương lái thu mua lúa. Do vậy, tới đây các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và Trung ương cũng cần quan tâm tập huấn nâng cao năng lực và xem xét, phát huy vai trò chính danh của thương lái. Qua đó, thúc đẩy thương lái tham gia thực hiện liên kết, tiêu thụ với nông dân, với HTX và các doanh nghiệp một cách bài bản, có hợp đồng chặt chẽ, chính quy. Doanh nghiệp thông qua thương lái cũng có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, có thương hiệu và nâng cao được giá trị sản phẩm…

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quá trình thực hiện Ðề án cần phải gắn với HTX, hỗ trợ HTX mạnh lên và hoạt động hiệu quả, đạt thành công, từ đó Ðề án mới thành công. Bởi muốn chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo tại ÐBSCL phải dựa vào HTX để tập trung đất đai và đo đếm việc giảm phát thải, chứ không thể làm từng hộ dân. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và địa phương cần chú ý đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho 2 đối tượng quan trọng là HTX và cán bộ khuyến nông, đồng thời lựa chọn các HTX năng động để tham gia Ðề án nhằm làm điểm nhân rộng…

Theo Báo Cần Thơ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top