Cải thiện mối liên kết HTX và doanh nghiệp giữa lúc nông sản tăng giá kỷ lục

Sáng ngày 1/4, giá hồ tiêu đã vượt mức 98.000 đồng/kg, gần chạm mốc 99.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu cộng thêm các yêu cầu chất lượng và những tiêu chí khác thì có những nơi, giá hồ tiêu đã lên trên 100.000 đồng/kg.

HTX chưa trọn niềm vui

Với mức giá hiện nay, hồ tiêu đã tăng 15.000 – 17.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và tăng 40.000 – 45.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung tháng 3/2024, giá hồ tiêu cũng đã tăng 15.000 đồng/kg.

Cùng với hồ tiêu, tình trạng cà phê sốt giá trên toàn cầu giúp giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tăng tốc liên tục và đã đạt mốc 100.000 đồng/kg vào ngày 28/3. Dù hạ nhiệt nhưng hiện, giá cà phê vẫn còn 98.500 đồng/kg và đang được đánh giá ở mức cao trong lịch sử.

Đà tăng của giá cà phê thời gian gần đây đã quá cao, vượt mọi sự tưởng tượng của nhiều người. Đi liền với đó là các nhà rang xay cà phê trên thế giới đang đổ về Việt Nam để tìm nguồn hàng Robusta. Điều này đã giúp ngành hàng này thu về 1,9 tỷ USD chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm. Đây là con số kỷ lục lịch sử so với cùng kỳ những năm trước đó.

Không hề kém cạnh, sầu riêng cũng sốt giá suốt năm 2023 và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng tươi đã đạt 172 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Giá bán sầu tại vườn từ sau Tết Nguyên đán đến nay lên đến 140.000 – 180.000 đồng/kg tùy chất lượng.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) cho biết mức giá sầu riêng từ sau Tết Nguyên đán đến nay tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm tháng 5-8 do người dân và HTX sản xuất nghịch vụ. Thị trường xuất khẩu sầu riêng Việt Nam lúc này theo kiểu “một mình một chợ” lên giá liên tục tăng cao.

Mối liên kết nông dân-HTX-doanh nghiệp cần được chú trọng đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Có thể thấy, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản lượng một số nông sản đi liền với tình trạng lệch vụ, ảnh hưởng bởi căng thẳng biển Đỏ làm gián đoạn chuỗi cung ứng là những nguyên nhân khiến một số mặt hàng nông sản tăng giá cao. Tuy nhiên, không phải cứ tăng giá là những người sản xuất và kinh doanh nông sản đã có được niềm vui tuyệt đối.

Chẳng hạn với cây sầu riêng, Giám đốc HTX Ngũ Hiệp cho rằng dù giá cao nhưng thời gian sau Tết, người dân sản xuất nghịch vụ nên lượng sầu cung ứng ra thị trường và xuất khẩu không nhiều. Điều này có nghĩa nguồn thu cho người trồng sầu cũng không lớn so với thuận vụ.

Còn theo ông Trần Văn Thảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồi 900 (Đắk Lắk), giá cà phê lên cao, ai cũng có tâm lý giữ hàng đợi giá nên nguồn cung càng khan hiếm càng khiến HTX khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cà phê cung cấp cho doanh nghiệp. Trong khi để thu được cà phê, HTX phải có nguồn vốn lớn. Đặc biệt tình trạng nhiều đại lý ôm hàng đã bị vỡ nợ khiến người dân càng cảnh giác hơn khi bán hàng. Điều này không cẩn thận sẽ khiến mối quan hệ giữa HTX và doanh nghiệp bị rạn nứt.

Thậm chí, nhiều HTX hiện nay không chỉ sản xuất mà còn đầu tư mạnh vào chế biến nên khi nguồn cung khan hiếm, ngay bản thân các HTX cũng không đủ nguyên liệu để chế biến, phục vụ các đơn hàng đã ký kết trước đó, việc đàm phán lại giá cũng rất khó. “Đối với những mặt hàng này, HTX thường sản xuất tới đâu, mua hàng tới đó để vừa bảo đảm chất lượng, vừa không phải đau đầu trong khâu bảo quản”, ông Trần Văn Thảo cho biết.

Không để nông dân, HTX chịu thiệt

Theo thông lệ thị trường, khi giá cả nông sản tăng cao, việc tính toán để chớp lấy cơ hội nhằm bán được nông sản với mức giá cao cũng không phải là điều sai trái trong làm ăn, kinh doanh buôn bán.

Tuy nhiên, khó có nông sản, hàng hóa nào có thể tăng giá cao trong thời gian dài. Khi giá nông sản tăng đến một ngưỡng nào đó sẽ lại quay đầu giảm. Vì vậy, không chỉ đợi đến lúc giá cà phê, hồ tiêu, sầu riêng bớt nóng, mà ngay cả khi giá các mặt hàng này đang tăng cao thì chuỗi cung ứng cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định đó là cầu vượt cung. Ngược lại, khi giá cà phê, hồ tiêu, sầu riêng rơi vào cảnh bão hòa thì tình trạng cung vượt cầu chắc chắn sẽ xảy ra. Và thực tiễn từ nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chính là bài học trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, không phải cứ nông sản tăng giá cao, kim ngạch xuất khẩu lớn là người dân, HTX được hưởng nhiều lợi nhuận. Đơn cử như xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới nhưng người dân trồng lúa, cà phê, hồ tiêu chưa chắc có thu nhập cao trong xã hội.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp của Việt Nam muốn trở thành bếp ăn của thế giới, và người nông dân, HTX thực sự được hưởng lợi khi nông sản tăng giá thì nâng cao và cải thiện chuỗi giá trị hàng hóa cần được quan tâm hơn.

Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm Minh bạch (AFT), TS Nguyễn Thị Hồng Minh, cho rằng nhiều nông sản tăng giá cao, xuất khẩu nhiều nhưng khả năng cạnh tranh thực của mặt hàng đó trên thị trường lại chưa cao. Mới đây, những lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo đã phản ánh rõ tình trạng này. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản hiện nay tăng giá là do vùng nguyên liệu chưa phát triển đúng mức. Tình trạng chặt hồ tiêu, hay một số cây trồng khác vẫn diễn ra. Do đó, kết nối chặt chẽ giữa người dân-HTX-doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững là việc sống còn.

Bởi hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhưng chưa chú trọng liên kết với nông dân-HTX để phát triển vùng nguyên liệu mà chỉ tập trung thu gom nông sản. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam làm tốt hơn vấn đề này, thậm chí họ còn có vốn lớn, có kinh nghiệm thị trường hơn doanh nghiệp Việt nên hưởng lợi nhiều hơn khi giá nông sản tăng cao.

Trong khi đó, theo ông Lê Đức Thịnh, việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi giá trị cần có vai trò chủ đạo của HTX để tạo sự chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng bẻ kèo thông qua hợp đồng.

HTX với nhiều vai trò về an sinh, xã hội sẽ tăng niềm tin cho người dân khi tham gia chuỗi hơn. Và khi liên kết theo chuỗi, HTX cũng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những phân tích, dự báo thị trường từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý để phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn, bán hàng ở thời điểm phù hợp. Tránh tình trạng hàng hóa nhiều nhưng do nông dân không nắm bắt được thị trường nên găm hàng, doanh nghiệp không có hàng thu mua sẽ quay sang tìm kiếm những thị trường khác, từ đó càng khiến nông dân, HTX chịu thiệt.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top