Bổ khuyết chính sách hỗ trợ để HTX ‘cất cánh’

Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể (KTTT), HTX giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, qua triển khai tại các địa phương cho thấy chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong Quyết định 1804 chưa thực sự tác động mạnh đến các HTX.

Vừa mừng vừa lo

Thực hiện Quyết định 1804/QĐ-TTg, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch 1619/KH-UBND (ngày 12/5/2021) để triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đoạn 2021 – 2025.

Việc địa phương ban hành chính sách triển khai Quyết định 1804 là điều đáng mừng vì có thể thấy vai trò của KTTT, HTX đã được cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương quan tâm, từ đó tạo động lực cho HTX phát triển.

Tuy nhiên, mừng là vậy nhưng từ khi triển khai, nhiều HTX cảm thấy lo lắng vì từ năm 2021 đến nay, chỉ ít mô hình KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có thể tiếp cận và thụ hưởng một trong 5 chính sách hỗ trợ của nghị quyết như: chính sách hỗ trợ thành lập mới, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại…

Cơ quan quản lý cần xem xét và sửa đổi một cách tổng thể Quyết định 1804/QĐ-TTg để tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, Quyết định 1804 có 5 nội dung hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương. Nhưng thời gian qua, việc triển khai hỗ trợ chủ yếu được thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương, chưa nhận được sự hỗ trợ của Trung ương, trong khi đó khả năng cân đối của tỉnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số nội dung của Quyết định số 1804/QĐ-TTg còn quy định chung chung nên địa phương khó triển khai thực hiện. Cụ thể như quyết định này không đưa ra tiêu chí lựa chọn HTX cụ thể mà giao cho tỉnh, thành phố làm việc này. Trong khi, theo quy định tại Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, địa phương không được quy định thủ tục hành chính khi triển khai văn bản của Trung ương không quy định thủ tục hành chính. Đây chính là khó khăn cho Bình Thuận mà một số tỉnh thành khác trong việc đưa ra các tiêu chí, điều kiện lựa chọn HTX để hỗ trợ.

Còn theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, Nguyễn Thanh Phương, Quyết định 1804 yêu cầu HTX được hưởng chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường phải có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh là chưa rõ ràng. Do đó quá trình thực hiện tại Bến Tre còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể hiện nay ngành nông nghiệp chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp giấy chứng nhận sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh.

Ông Trịnh Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Thảo Nguyên (Gia Lai), cho biết một trong những chính sách hỗ trợ trong Quyết định 1804 là hỗ trợ lao động trẻ, có tri thức về làm việc tại HTX. Tuy nhiên theo ông Hải, HTX đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan quản lý địa phương nhưng đều chưa tiếp cận được chính sách. Nguyên nhân là cơ quan quản lý địa phương cho rằng quyết định này quy định “là lao động trẻ” nhưng như thế nào là “lao động trẻ” thì chưa rõ ràng. Và trong Bộ Luật lao động năm 2019 cũng không có quy định về “lao động trẻ”.

Bảo đảm giá trị của chính sách hỗ trợ

Có thể thấy, thời gian triển khai Quyết định 1804 đã đi được quá nửa chặng đường nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều trắc trở. Bởi nhiều vấn đề, nội dung trong quyết định này vẫn chưa tường minh nên đã phần nào làm mất đi giá trị của chính sách hỗ trợ. Trong khi nhu cầu tiếp cận chính sách của HTX là rất lớn và cấp thiết.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, cho biết các bộ ngành cần sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình hỗ trợ KTTT, HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg. Trong đó cần quan tâm bố trí ngay kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ, nhất là những nội dung liên quan đến ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí thực hiện.

Bộ KH&ĐT cũng cần dẫn cụ thể về điều kiện “sản phẩm HTX có gắn với chuỗi giá trị” và điều kiện “thực hành sản xuất xanh” để địa phương có cơ sở xem xét hỗ trợ HTX đúng quy định. Đồng thời, bộ cần hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg để HTX thuận lợi trong khâu chuẩn bị hồ sơ.

Ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái (Quảng Nam), cho rằng tại điểm b, khoản 5, mục III về cơ chế đầu tư (Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm) của quyết định 1804 có quy định về điều kiện hỗ trợ là “các địa phương căn cứ tình hình thực tế quy định số lượng thành viên cụ thể…” là chưa rõ ràng, khó triển khai trên thực tế của nhiều địa phương. Do đó, cơ quan quản lý có thể thay đổi thành “ưu tiên các HTX có số lượng thành viên lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; HTX hoạt động trên địa bàn đặc biệt khó khăn”. Điều này giúp việc phân loại để lựa chọn HTX hưởng thụ chính sách cũng thuận lợi hơn.

“Cần cụ thể những tiêu chí, điều kiện hỗ trợ để HTX tự đánh giá, xem xét xem mình có đủ điều kiện nhận hỗ trợ hay không và cũng giúp quá trình triển khai được nhanh chóng”, ông Cảm cho biết.

Bên cạnh đó, trong quyết định này chưa đề cập nội dung hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc cho HTX. Trong khi hiện nay, đa số các HTX đều chưa có trụ sở hoặc trụ sở bị xuống cấp, cần đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu làm việc, liên kết kinh doanh.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top