Thời đã tới cho nông dân, HTX trồng dừa?

Tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa), Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đưa sản lượng dừa đạt từ 2,1 – 2,3 triệu tấn/năm.

Cơ hội đã rõ, nhưng…

Thị trường cho quả dừa và những sản phẩm từ dừa đang rất rộng mở. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu về dừa của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ quả/năm. Trong khi đó, Hải Nam được coi là vùng cung cấp dừa chính của Trung Quốc chỉ đạt sản lượng khoảng 250 triệu quả/năm. Chính vì vậy, ngoài nhập dừa từ Thái Lan, Indonesia…, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới như Anh , Mỹ, Canada, Trung Đông… đã bắt đầu biết đến danh tiếng của trái dừa Việt Nam và đều cho phép nhập trái dừa tươi Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 30/1/2024, đại diện Hiệp hội dừa Việt Nam đã có cuộc họp và ký kết với doanh nghiệp Iran để xuất nhập khẩu hai chiều các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm dừa nói riêng. Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý cũng đang tích cực triển khai chủ trương ngoại giao kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt mang dừa và các sản phẩm dừa vươn ra thế giới.

Dừa được xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực.

Việc lần đầu tiên, nước tương mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) được xuất đi Đức, Nhật; việc các HTX như HTX nông nghiệp Bình Ninh (Tiền Giang), HTX Dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng (Trà Vinh)… đang liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết thu mua phục vụ chế biến, xuất khẩu… đang cho thấy những bước tiến dài của ngành dừa. Đặc biệt, dừa đang là cây trồng tiềm năng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu và hành động xanh toàn cầu nên nếu nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất dừa sạch, đầu tư chế biến bài bản thì có thể nói hiện nay và thời gian tới chính là cơ hội để trái dừa Việt vươn tầm.

Trước việc dừa được đưa vào thành cây trồng chủ lực và có nhiều cơ hội xuất khẩu, ông Ngô Hữu Sự, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng, cho biết nhiều thành viên, nông dân từng có ý định chặt bỏ cây dừa đã phấn khởi, quyết tâm giữ lại cây dừa, đồng thời yên tâm liên kết với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Sự, có một thực tế là hiện nay, giá trái dừa vẫn rớt như thường vì nguyên nhân chính là thiếu công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm cho giá trị gia tăng cao. Quả dừa tươi của Việt Nam dễ nổ, hỏng, kém chất lượng sau một thời gian hái, nếu không có công nghệ bảo quản hay chế biến phù hợp mà cứ để vậy xuất khẩu sẽ rất khó đi đường dài.

Ông Lê Vương Quốc, Giám đốc Công ty cổ phần Gimex Việt Nam (Cần Thơ), đánh giá cơ hội và tiềm năng của cây dừa nói riêng, ngành dừa nói chung là đã rõ nhưng rất ít HTX, trang trại có vùng trồng dừa đạt chuẩn xuất khẩu như chưa có mã số vùng trồng vì chưa trồng tập trung quy mô lớn. Thay vào đó, người dân thường trồng xen kẽ cây dừa với cây trồng khác nên diện tích dừa vẫn manh mún, nhỏ lẻ, khó phục vụ cho chế biến và xuất khẩu bền vững.

Học tinh thần luôn suy nghĩ cho người tiêu dùng

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước có khoảng 180.000ha dừa. Loại cây này đang là nguồn thu nhập của khoảng 389.530 hộ nông dân, đồng thời tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023 và triển vọng vượt 1 tỷ USD trong năm 2024. Hiện, cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Riêng tỉnh Bến Tre có khoảng hơn 80.000ha dừa, thu hút 180 doanh nghiệp, 32 tổ hợp tác, 28 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Đặc biệt, cây dừa và ngành dừa Việt Nam đang tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động, thành viên HTX, tổ hợp tác. Riêng tại thủ phủ dừa Bến Tre, hơn 70% dân số trong tỉnh có nguồn sinh kế chính là trồng dừa. Chính vì vậy, phát triển cây dừa và ngành dừa nhằm phục vụ xuất khẩu bền vững cần song song với việc bảo đảm cuộc sống cho chính người dân trồng loại cây này.

Trước những băn khoăn của nông dân, HTX và những khó khăn mà ngành dừa đang gặp phải, bà Nguyễn Thu Liên (Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam) cho rằng khi Chính phủ chính thức đưa dừa vào danh sách một trong những cây công nghiệp chủ lực thì đồng nghĩa sẽ có chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể phát triển ngành dừa, trong đó có chú trọng đến ngành chế biến dừa nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, theo bà Liên, để làm được điều đó cũng sẽ mất một thời gian nhất định, trong khi hiện nay, công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến để xuất khẩu dừa của Việt Nam vẫn còn là điểm yếu và cũng là thách thức của ngành dừa, khiến ngành dừa tuy có nhiều cơ hội, tiềm năng nhưng phát triển chưa toàn diện. Điều này dẫn đến ngành dừa Việt Nam vẫn bị chi phối bởi ngành dừa thế giới, giá dừa vẫn biến động theo giá dừa thế giới, làm ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người trồng dừa.

Cụ thể là trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, giá dừa tại các vùng trồng trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long bị giảm mạnh xuống chỉ còn 1.000 đồng/quả do thị trường Trung Quốc thực hiện chính sách đóng cửa. Doanh nghiệp khó khăn về đầu ra dẫn tới không có tiền trả thu mua dừa của người dân, HTX.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Trung Quốc mở cửa, giá dừa đã tăng trở lại nhưng ngành dừa hiện nay vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó nổi bật là tình trạng dư cung. Theo bà Liên, giá dừa có lúc quá cao, các doanh nghiệp chế biến trong nước không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài nên đã phải tạm ngừng sản xuất. Có thời điểm, giá dừa lại quá thấp, không ít nông dân phải đốn dừa để trồng những cây khác có giá trị kinh tế hơn.

Ông Ngô Đức Thọ, Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch (Hà Nội), cho rằng để rộng cơ hội xuất khẩu cũng như giúp người dân, HTX hưởng lợi từ xuất khẩu dừa, quan tâm đến công nghệ chế biến để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, tiện lợi cho người tiêu dùng là điều cần làm lúc này.

Nhìn sang Thái Lan, cũng là quả dừa tươi nhưng khi sử dụng, người dùng thấy rõ sự tiện lợi. Quả dừa được gọt vợi vỏ, xử lý chống thâm và đặc biệt là quả dừa được lắp sẵn van, người dùng chỉ cần dùng sức nhẹ nhàng đưa ống hút vào phần van là dùng được. Lúc này, không phải đợi đến đàn ông mới có thể lấy nước dừa từ trong quả dừa tươi mà người già, phụ nữ và cả trẻ em cũng có thể tự dùng ngay.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã giải quyết vấn đề này nhưng chưa triệt để, mà chỉ dừng ở khâu gọt vỏ dừa theo hình kim cương, hay nạo hết xơ dừa đi, chỉ để lại một phần bảo vệ các mắt dừa. Do đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu vẫn đánh giá là khó sử dụng, vẫn phải dùng dao cắt, chọc mới dùng được.

Theo ông Ngô Đức Thọ, ngành dừa Việt Nam không phải học đâu xa mà nên học ngay chính tinh thần luôn suy nghĩ cho người tiêu dùng như người Thái, làm sao để người tiêu dùng dễ tiếp cận các sản phẩm dừa, rồi trung thành với sản phẩm, từ đó mở rộng được đối tượng khách hàng. Lúc này, không chỉ ngành dừa phát triển bền vững mà người trực tiếp làm ra quả dừa cũng được hưởng lợi.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang