HTX giữa bài toán văn hóa và kinh tế trong phát triển du lịch cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Thương mại Thiềng Liềng (TPHCM), cho biết hiện tại, vấn đề đi đến Thiềng Liềng khó khăn vì chỉ có 1 chuyến đò để đưa đón học sinh đi học, chưa có tuyến riêng dành cho khách du lịch.

Chưa tính toán đến “sức chịu đựng”

“Nếu được hỗ trợ 1 chuyến đò hoặc phà đi vào giờ cố định thì việc người dân và du khách đến Thiềng Liềng sẽ thuận tiện hơn”, bà Tuyết cho biết.

Mong muốn của giám đốc HTX Thiềng Liềng cũng là điều dễ hiểu nhưng cũng cho thấy những điểm khó khăn, nan giải trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Theo nhận định từ các chuyên gia, du lịch cộng đồng sẽ là xu hướng mang đến nhiều triển vọng, tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho người dân, thành viên HTX. Tuy nhiên, để triển khai, xây dựng thành công du lịch cộng đồng thì không thật sự đơn giản. Bởi làm thế nào để hoạt động này mang lại sinh kế bền vững cho người dân các địa phương đang sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên, văn hóa là điều không hề đơn giản.

Bởi nhiều HTX đang phát triển du lịch dựa vào những thế mạnh địa phương. Nhưng thế mạnh ấy có khi lại là nhược điểm trong thu hút khách du lịch. Tại tọa đàm “Xây dựng thành công du lịch cộng đồng – nhìn từ Thiềng Liềng” diễn ra sáng 16/2, các chuyên gia cho rằng Thiềng Liềng nằm cách biệt. Du khách đến đây bằng tàu dân sinh, vỏ lãi, cano, chi phí cũng khá cao. Chưa kể khi di chuyển trên sông nước có xảy ra những rủi ro nhất định liên quan đến tính mạng con người. Nhưng điều này lại chính là điểm nhấn, tạo nên giá trị, sự độc đáo cho Thiềng Liềng.

Trải nghiệm nghề làm muối là một trong những hoạt động du lịch ở Thiềng Liềng.

TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.HCM, cho biết nhiều mô hình du lịch cộng đồng trước đây thu hút nhiều khách nhưng sau đó giảm, nhất là khách nước ngoài vì không gian, giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương bị mai một, bị hiện đại hóa. Đây cũng là mặt trái của việc thu hút quá lượng khách, không tính toán đến “sức chịu đựng” của một điểm du lịch cộng đồng.

Khách càng đông thì nhu cầu ăn uống, sử dụng dịch vụ, lưu trú ngày càng lớn. Lúc này, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng bằng những ngôi nhà sàn gặp khó khăn. Nhiều hộ dân sửa chữa, cơi nới nhà sàn truyền thống thành các điểm uống cà phê, lưu trú hiện đại. Khung cửi làm thổ cẩm bằng cách truyền thống không đáp ứng được lượng hàng cho khách nên bị thay thế bằng khung cửi công nghiệp… Điều này khiến cho không gian văn hóa tại điểm du lịch bị phá vỡ. Từ đó kéo theo sự chán nản của khách du lịch khi không tìm được giá trị đích thực của một điểm du lịch cộng đồng.

Bảo đảm sự hài hòa

Có thể thấy, du lịch cộng đồng đã đang và sẽ mang lại những giá trị lớn cả về kinh tế, văn hóa, môi trường… cho người dân, thành viên HTX và cả địa phương. Nhưng với điều kiện loại hình này phải phát triển bền vững. Muốn bền vững, người làm du lịch cần phải bảo đảm được sự hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, từ đó vừa giữ gìn được những giá trị vốn có và không làm mất niềm tin của du khách vào mô hình này.

Chẳng hạn như tại HTX Thiềng Liềng, việc Thiềng Liềng nằm tách biệt và đi lại còn hạn chế thay vì coi là điểm yếu thì nên coi đó chính là thế mạnh để nâng tầm giá trị của điểm du lịch này. Bởi càng khó đến, khó tiếp cận thì giá trị của Thiềng Liềng càng được nâng lên. Nhiều người càng muốn tìm hiểu, tiếp cận điểm du lịch này.

Còn ngược lại, nếu điểm du lịch nào dễ đến sẽ nhanh dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, từ đó kéo theo những mặt trái là tác động ngược đến văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.

Ts Bùi Lan Hương, chuyên gia du lịch nông thôn, cho rằng ở các thị trường phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… luôn coi trọng việc giữ gìn những giá trị, điều kiện sẵn có của mô hình du lịch đó. Và để làm được điều này, các nước đều tính toán làm sao để bảo đảm lượng khách đến các điểm tham quan du lịch nông thôn một cách hợp lý, phù hợp với khả năng đón tiếp, phục vụ của những người dân, HTX làm du lịch và phù hợp với cả sức chịu đựng của điều kiện, cảnh quan tự nhiên.

TS Tạ Duy Linh, cũng cho rằng nếu lượng khách đến tăng vọt, vượt khỏi khả năng phục vụ và cung ứng của HTX thì HTX buộc phải tính toán đến việc mở rộng dịch vụ, nâng cao cơ sở vật chất. Và khi đó sẽ khó tránh khỏi tình trạng làm ảnh hưởng đến không gian, giá trị văn hóa. Dịch vụ phục vụ cũng không được hiệu quả, có những nông sản, sản phẩm phải đi thu mua ở nơi khác để phục vụ nhu cầu lớn của khách hàng sẽ không khai thác được giá trị đặc trưng, bản địa của địa phương, làm mất giá trị văn hóa.

Anh Giàng A Tùng, Giám đốc HTX du lịch cộng đồng Sa Pa Sha (Lào Cai), cho biết hiện có nhiều người lên Sapa thuê nhà, thuê đất của người dân để làm du lịch cộng đồng, mở các homestay, nhưng thực chất đó chỉ là hoạt động lưu trú, kinh doanh ăn uống… giống như nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Điều này đáp ứng được nhu cầu ăn ngủ, nghỉ của khách nhưng cũng làm mất đi giá trị thực, bản chất của mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa với khung cảnh hoang sơ và những ngôi nhà gỗ giản dị.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, mô hình du lịch cộng đồng hiện đã phát triển trên trên cả nước, với hơn 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động loại hình này. Tuy nhiên, nhiều địa phương và các chủ thể là người dân, HTX cũng đang rất lúng túng khi phát triển mô hình này.

Do đó, các chuyên gia cho rằng làm du lịch cộng đồng chính là phản ánh đời sống thực của địa phương. Cần có những tính toán, quy hoạch cụ thể để tránh phát triển ồ ạt, phá vỡ cấu trúc, giá trị vốn có thì người dân, HTX mới có thể có được sinh kế bền vững từ du lịch. Ngược lại, nếu muốn thu hút khách nhiều hơn bằng mọi cách thì mô hình du lịch cộng đồng sẽ nhanh chóng bị biến chất, khó phát triển lâu dài.

Khi làm du lịch bền vững, chuyên nghiệp từng bước thì giá trị kinh tế từ mô hình này thu về cũng sẽ cao hơn. Ngay như tại Đài Loan, việc chuẩn hóa từ khâu sản xuất nông sản, phục vụ khách hàng, tiêu thụ nông sản, giáo dục thực nông… đều hướng đến mục tiêu phát triển “du lịch lương thiện” mà đến nay, Đài Loan đã hình thành được lực lượng thanh nông chất lượng, giỏi từ kiến thức nông nghiệp đến kỹ năng quản lý bằng công nghệ số, AI, marketing, bán hàng online,…

Ngoài ra, các nông sản ở các điểm du lịch nông thôn ở Đài Loan đều không hoặc rất ít bị phụ thuộc vào giá cả thị trường vì đầu ra của các nông trại đã được khách du lịch tiêu thụ phần lớn thay vì bán tại chợ và siêu thị như cách tiêu thụ trước đây.

Theo Thời báo kinh doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top