Các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ hội viên vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung tạo cơ hội cho hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm, giúp phụ nữ yếu thế xây dựng các mô hình sinh kế…
Vài năm gần đây, sản phẩm sâm đất tươi do gia đình chị Tô Thị Tuyết Hà ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, trồng và chế biến, được nhiều người biết đến. Chị Hà cho biết, ý tưởng khởi nghiệp của chị được nhen nhóm khi một lần ghé tham quan Côn Đảo, biết đến loại sâm đất. Qua tìm hiểu từ người dân địa phương, được biết đây là giống cây có công dụng chữa bệnh, giá trị quý hiếm và được nhiều khách du lịch tìm mua, chị đã mạnh dạn mua 1.000 cây con về trồng thử nghiệm. Ban đầu, sản phẩm chỉ để người thân trong gia đình sử dụng. Sau khi được các ngành chức năng kiểm định hàm lượng dinh dưỡng củ sâm đất do gia đình trồng đạt chất lượng, chị bắt đầu mở rộng diện tích trồng, hỗ trợ cây giống cho một số người lân cận.
Chị Hà cho biết: “Đối với giống cây này, phải mất thời gian trồng từ 18 tháng trở lên mới có thể thu hoạch. Tôi đang trồng khoảng 4.000 cây sâm đất, chủ yếu bán củ sâm tươi với giá 1 triệu đồng/kg”. Hướng tới, chị Hà dự định sẽ chế biến thêm nhiều dòng sản phẩm, như sâm sấy khô, sâm ngâm mật ong… “Nhờ tham gia các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến. Các cấp Hội LHPN quận động viên và đang hỗ trợ tôi xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay khi có nhu cầu phát triển sản xuất” – chị Hà chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều hội viên có ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp đã được các cấp Hội LHPN thành phố quan tâm hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển. Mới đây, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam) phối hợp Hội LHPN TP Cần Thơ tổ chức Ngày hội “Giao lưu, kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người” tại quận Ô Môn. Ngày hội quy tụ 22 gian hàng, trên 60 sản phẩm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, các mô hình của phụ nữ dân tộc thiểu số và hội viên phụ nữ… tại các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ.
Tham gia Ngày hội, cô Danh Thị Pha, 72 tuổi, ngụ ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, phấn khởi chia sẻ: “Hơn 30 năm qua, tôi chuyên làm bánh dứa truyền thống của đồng bào Khmer và một số loại bánh ít, bánh lá dừa… Mỗi ngày, sau khi trừ các chi phí, tôi lời khoảng 70.000-80.000 đồng”. Cô Danh rất tự hào với nghề làm bánh truyền thống của dân tộc. Theo cô Danh, hiện nay, còn rất ít hộ theo nghề làm bánh truyền thống. Chính vì thế, khi được các cấp Hội phụ nữ, địa phương quan tâm, tạo điều kiện, cô đều tham gia các cuộc thi, ngày hội trưng bày, quảng bá sản phẩm với mong muốn đưa hương vị bánh đến với nhiều khách hàng hơn.
Theo chị Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, Ngày hội “Giao lưu, kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người” được tổ chức nhằm mang đến cho hội viên phụ nữ cơ hội học hỏi kinh nghiệm, kết nối sản phẩm; nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia xây dựng các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gia đình. TP Cần Thơ được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn là địa bàn thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại 6 xã/phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về dự án 8; tích cực hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đồng hành xuyên suốt cùng hội viên trong hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm; tổ chức các chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Hội LHPN thành phố đã ra mắt 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Ô Môn, Cờ Đỏ và Ninh Kiều; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho 2.421 lượt hội viên với tổng số tiền trên 32,4 tỉ đồng; hỗ trợ thành lập 9 hợp tác xã do nữ quản lý, 13 sản phẩm OCOP. Thông qua những hoạt động hỗ trợ thiết thực, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ mong giúp hội viên tự tin, mạnh dạn hơn trong đầu tư khởi nghiệp, xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả. Từ đó, vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước nâng cao mức sống.