Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã. Theo đó, dự thảo quy định cụ thể căn cứ phân loại lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã và phân loại quy mô hợp tác xã.
Hợp tác xã thực hiện phân loại theo quy mô lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ theo tiêu chí số lượng thành viên chính thức và một trong hai tiêu chí doanh thu hoặc tổng nguồn vốn và được xác định theo lĩnh vực của hợp tác xã.
3 lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã
Lĩnh vực phân loại hợp tác xã là nhóm các ngành kinh tế cấp 1 được xác định theo quy định của pháp luật về thống kê, như sau:
a) Lĩnh vực nông nghiệp gồm các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
b) Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng gồm các ngành: khai khoáng; công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng.
c) Lĩnh vực thương mại-dịch vụ và lĩnh vực khác gồm các ngành: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật vui chơi và giải trí; hoạt động dịch vụ khác; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình.
Phân loại hợp tác xã theo 4 quy mô
Hợp tác xã thực hiện phân loại theo quy mô lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ theo tiêu chí số lượng thành viên chính thức và một trong hai tiêu chí doanh thu hoặc tổng nguồn vốn và được xác định theo lĩnh vực của hợp tác xã quy định nêu trên.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp:
a) Hợp tác xã quy mô lớn có từ 400 thành viên chính thức và doanh thu của năm trên 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn trên 10 tỷ đồng trở lên.
b) Hợp tác xã quy mô vừa có từ 200 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;
c) Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 10 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 2 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng;
d) Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ có từ 5 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm dưới 2 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 1 tỷ đồng.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng:
a) Hợp tác xã quy mô lớn có từ 100 thành viên chính thức và doanh thu của năm từ 80 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở lên.
b) Hợp tác xã quy mô vừa có từ 20 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 15 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng;
c) Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 6 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 2 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;
d) Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ có từ 5 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm dưới 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 2 tỷ đồng.
Phân loại hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ và lĩnh vực khác:
a) Hợp tác xã quy mô lớn có từ 200 thành viên chính thức và doanh thu của năm từ 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 20 tỷ đồng trở lên.
b) Hợp tác xã quy mô vừa có từ 100 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng;
c) Hợp tác xã quy mô nhỏ có từ 10 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn từ 2 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;
d) Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ có từ 5 thành viên chính thức trở lên và doanh thu của năm dưới 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn dưới 2 tỷ đồng.
Trường hợp hợp tác xã thỏa mãn các tiêu chí phân loại quy mô hợp tác xã ở các mức khác nhau thì quy mô hợp tác xã được xác định theo mức quy mô lớn nhất.