Nhiều năm qua, ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, mạnh dạn xử lý kỹ thuật cho nhãn ra hoa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên diện tích 1ha trồng nhãn Ido, bình quân mỗi năm, ông Lơ thu hoạch trên 20 tấn trái, thu lời từ 250-450 triệu đồng.
Nhiều năm về trước, cũng như nhiều nông dân ở địa bàn ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, nhãn tiêu da bò là loại cây trồng chủ lực được gia đình ông Lơ ưu tiên phát triển. Giống nhãn tiêu da bò giữ vị trí “vàng son” trong thời kỳ đầu. Song đến năm 2012, khi nhãn bị dịch chổi rồng tấn công, năng suất giảm hơn 50% đã khiến cho gia đình ông Lơ và nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Sau nhiều chuyến rong rủi tìm kiếm giống cây trồng mới và không ngừng nghiên cứu, học hỏi các mô hình thành công, năm 2014, ông Lơ chuyển đổi sang trồng giống nhãn Ido. Ông kể: “So với nhãn tiêu da bò thì giống nhãn Ido có lợi thế hơn, kháng nhiều loại bệnh, năng suất cao. Ðối với cây 9-10 năm tuổi có thể thu hoạch đạt 20 tấn/vụ/ha”.
Trăn trở với vòng lẩn quẩn “được mùa – mất giá”, “được giá – mất mùa”, ông Lơ mạnh dạn xử lý để nhãn ra hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lơ chia sẻ: “Tháng 8 âm lịch này, khi người dân thu hoạch trái thì gia đình tôi mới bắt đầu xử lý để nhãn ra hoa. Ðến khoảng tháng 2 hằng năm, những nhà vườn đang dưỡng cây, thì đây là lúc vườn nhãn nhà tôi chín rộ. Vào thời điểm nghịch vụ này, giá bán được cao, khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, xử lý ra hoa nghịch vụ thường rủi ro cao, cần chú ý tập trung đưa dinh dưỡng đầy đủ cho cây”. Nhờ cách làm này, trên 1ha nhãn Ido, ông Lơ thu hoạch bình quân 20 tấn/vụ, thu lãi từ 250-450 triệu đồng.
Theo ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, khi thấy ông Lơ thành công với mô hình trồng nhãn Ido, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn phá bỏ những vườn cây ăn trái kém hiệu quả để trồng nhãn Ido, tự nguyện tham gia vào HTX Nhãn Nhơn Nghĩa. HTX hiện có 29 thành viên đang trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 22,5ha. Ða số thành viên đều sản xuất theo hướng sạch, chuyển đổi dần sang việc bón phân hữu cơ và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, hướng đến xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái vườn. Hiện nay, năng suất nhãn trung bình của HTX đạt 20 tấn/ha, giá bán từ 15.000-25.000 đồng/kg. Giá trị kinh tế chủ lực từ cây nhãn đã giúp nông dân HTX nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể kinh tế gia đình. Lợi nhuận của các xã viên đạt từ 200-400 triệu đồng/ha/năm. Ông Lơ chia sẻ: “Hiện nay, HTX vẫn chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nhãn ổn định. Song tôi và bà con HTX luôn động viên nhau thực hiện quy trình canh tác VietGAP ngày một tốt hơn. Sắp tới, chúng tôi mong muốn được sự giúp đỡ từ ngành Nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương để được cấp mã vùng trồng. Từ đó, đưa trái nhãn địa phương đi xuất khẩu”.
Mong muốn tạo đầu ra ổn định cho trái nhãn của HTX, nhiều năm qua, ông Lơ mạnh dạn kinh doanh vựa trái cây để thu mua nhãn Ido cho bà con HTX và các loại trái cây khác của nông dân. Trung bình mỗi năm, ông thu mua, cung ứng khoảng 1.000 tấn trái cây các loại cho nhiều công ty ở các tỉnh, thành, mang về lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Mặt khác, ông Lơ còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương, đóng góp hàng trăm triệu đồng mỗi năm thực hiện các chương trình phúc lợi. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển địa phương, mới đây, ông Lơ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.