Hiện nay, sản xuất nhiều loại nông sản tại ÐBSCL và cả nước nói chung còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều, các khâu bảo quản, chế biến còn yếu, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dạng tươi thô. Trong khi người tiêu dùng trong nước và quốc tế đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Nông dân cần tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhau và với doanh nghiệp theo các chuỗi giá trị ngành hàng để sản xuất đạt các tiêu chuẩn theo cầu của thị trường gắn với chế biến và phát triển xuất khẩu.
Giá trị gia tăng của nông sản còn thấp
Hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và ứng dụng các công nhệ mới của thời đại 4.0 để phát triển chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được nước ta ký kết với các đối tác và quốc gia trên thế giới, nông sản nước ta đã và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thực tế cho thấy, nông sản của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản của nước ta đã đạt 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm trước, còn năm nay dự kiến đạt 54 tỉ USD.
Dù vậy, việc sản xuất và xuất khẩu nhiều loại nông cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Ðặc biệt, thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các nước cũng gia tăng các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại nhiều nước đang bị suy giảm và có nhiều thay đổi trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới. Trong khi tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH) lên sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều loại nông sản ở nước ta còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan để tạo lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều, ổn định và theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn yếu, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, giá trị gia tăng thấp… Theo PGS. TS Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Ðại học Cần Thơ, vùng ÐBSCL có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp so với nhiều vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hóa cao, sản xuất còn manh mún và đang chịu nhiều tác động của BÐKH. Xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu và thiếu những công ty chế biến xuất khẩu lớn đặt bản doanh tại vùng.
Cần giải pháp đồng bộ và kịp thời
Ðể nâng cao giá trị nông sản và phát triển sản xuất bền vững, nhiều chuyên gia kinh tế và nông nghiệp cho rằng, cần phải khắc phục các yếu kém trong khâu liên kết sản xuất, chế biến, kịp thời đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thêm thị trường xuất khẩu và kênh tiêu thụ sản phẩm. Ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết chặt chẽ với nhau và với doanh nghiệp theo các chuỗi giá trị ngành hàng. Có thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao.
Theo PGS. TS Võ Thành Danh, cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến giúp tạo giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chứ không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm chính và sản phẩm thô. Ðẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các máy móc, công nghệ mới để phát triển chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp mạnh về khoa học công nghệ, về sản xuất giống, chế biến… Thực hiện tốt chiến lược về phát triển nông nghiệp thích ứng BÐKH, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa thực thụ, lấy thị trường làm mục tiêu để sản xuất. Củng cố và tăng cường kết nối giữa các nông hộ để hình thành các hợp tác xã gắn với việc liên kết với doanh nghiệp để phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản. Hợp tác xã giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ, đảm bảo số lượng và chất lượng, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tại hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023 do UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nghiệp khẳng định, việc phát triển chế biến và áp dụng các công nghệ bảo quản giúp nông sản nâng cao được giá trị rất nhiều. Theo bà Dương Thị Hồng Nga, Quản lý chất lượng Công ty TNHH Quốc Thảo ở tỉnh Vĩnh Long, từ nhiều sản phẩm nông sản dạng nguyên liệu thô như khóm, đu đủ, ổi, xoài, nấm rơm, bắp non và chanh dây, công ty đã chế biến ra nhiều sản phẩm đóng hộp để xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị rất nhiều lần cho nông sản. Ðơn cử, bắp non nguyên liệu mua vào với giá 18.000-20.000 đồng/kg, sau chế biến và đóng hộp bán được giá 35.000-40.000 đồng/kg, nấm rơm từ 68.000-72.000 đồng/kg đã nâng lên 100.000-120.000 đồng/kg sau chế biến.
Bà Nguyễn Thị Huế, quản lý dự án Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T, cho biết: “Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm tươi, Công ty cũng quan tâm phát triển chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Công ty đã xuất khẩu được nhiều loại trái cây như dừa, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi… sang các thị trường khó tính, nhất là thị trường Hoa Kỳ. Công ty cũng xây dựng chuỗi cửa hàng trái cây nội địa Fruits T&T, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nội địa tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, đồng thời tạo chuỗi gắn kết với các đơn vị có liên kết để phát triển du lịch”. Theo bà Huế, để trái dừa tươi và nhiều loại trái cây có thể tiêu thụ thành công tại thị trường Mỹ, ngoài việc liên kết với nông dân để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, công ty phải áp dụng các quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản rất nghiêm ngặt để sản phẩm có thể bảo quản trong nhiều ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng, giúp hàng hóa có thể vận chuyển tiêu thụ số lượng lớn bằng đường biển với thời gian kéo dài hơn 1,5 tháng.