Thành phố Cần Thơ có 78.570ha đất sản xuất lúa, với sản lượng lúa hằng năm đạt trên 1,3 triệu tấn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng cho sản phẩm, ngành Nông nghiệp thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Nâng cao giá trị sản xuất
Thời gian qua nông dân sản xuất lúa ở TP Cần Thơ đã tích cực liên kết thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX), để kết nối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và tiểu thương cũng tích cực liên kết, phối hợp cùng ngành chức năng và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các cánh đồng lớn (CĐL) gắn với đẩy mạnh cơ giới, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa gạo thơm ngon, chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những vùng có điều kiện thuận lợi và có lợi thế sản xuất lúa như trên địa bàn các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh đã hình thành một số vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập trung với tổng diện tích khoảng 55.000ha. Hiện thành phố có hơn 30 tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa gạo, diện tích lúa tham gia CĐL hơn 33.000ha/vụ và có gần 10.000ha sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, SRP và tiêu chuẩn an toàn. Nhiều doanh nghiệp không chỉ tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg mà còn cung cấp lúa giống và các loại vật tư đầu vào cho nông dân đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Những năm gần đây, tỷ lệ sản xuất các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao đạt từ 90-95%/mỗi vụ, tạo thuận lợi cho nông dân bán lúa gạo được giá cao. Các khâu chủ yếu trong quá trình sản xuất lúa như làm đất, tưới nước, bón phân, thu hoạch… hiện đều đã được cơ giới hóa hầu như 100%, việc áp dụng cơ giới ở các khâu gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được đẩy mạnh và đã đạt 90-95%… Nông dân cũng đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm rạ và tận dụng nguồn phụ phẩm này để trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ và phát triển nhiều hoạt động sản xuất khác để nâng cao thêm thu nhập.
Liên kết theo chuỗi giá trị
Nhằm liên kết phát triển ngành hàng lúa gạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ vừa phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ”. Qua đó, tạo điều kiện để các bên có liên quan, nhất là ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cùng với các viện, trường và các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông hộ gặp gỡ, trao đổi thông tin để tăng cường liên kết, kết nối với nhau. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, cũng như việc xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ. Với sự phối hợp của các chuyên gia từ Viện Lúa ĐBSCL, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Cần Thơ và hình”. Dịp này, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đã ký ghi nhớ hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL về xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa giống trên địa bàn TP Cần Thơ, cũng như tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu cho rằng, tới đây cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông và thủy lợi. Thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực của các HTX nông nghiệp gắn với việc nhân rộng các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX và doanh nghiệp. Theo dõi và thúc đẩy các bên liên quan tuân thủ tốt các hợp đồng đã ký, cũng như khuyến khích, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân và đầu tư phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo giúp mang lại giá trị gia tăng cao, cũng như phối hợp khai thác tốt các nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo…Theo ông Lê Chí Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các đường tỉnh lộ hay quốc lộ kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển nông sản, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là các nhà máy chế biến, kho dự trữ, bảo quản lương thực. Có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực dịch vụ cung ứng vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua và chế biến nông sản. Theo ông Phan Thanh Hoài, Trưởng Ban quản lý Xây dựng vùng trồng nguyên liệu của Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, hiện việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp các khó khăn (như trình độ canh tác của nông dân tuy được nâng cao nhưng chưa đồng đều và sâu rộng, còn hạn chế trong tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp còn ít…) nên rất cần sự quan tâm đồng hành của các sở, ngành, địa phương và cả các viện, trường… để gỡ khó và phát huy các mặt thuận lợi. Ngoài các vùng trồng đã xây dựng, hiện công ty cũng đang nhân rộng mô hình Dự án liên kết sản xuất chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL. Công ty rất mong muốn tăng cường hợp tác với nông dân và công ty nhận thấy huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh của Cần Thơ là vùng có điều kiện tự nhiên, cũng như về thủy lợi, giao thông thuận lợi cho canh tác và vận chuyển nguyên liệu cung cấp cho hệ thống xay xát lúa gạo trực thuộc công ty.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành đang thúc đẩy chuỗi liên kết để nâng cao hiệu quả, lợi ích của các bên trong ngành hàng lúa gạo. Quan tâm áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tiến bộ vào sản xuất gắn với hình thành các vùng sản xuất có sự liên kết chặt giữa các bên liên quan. Nhằm thúc đẩy thực hiện tốt các hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp, Sở đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng phần mềm tích hợp “hợp đồng điện tử” để người dân ký trực tiếp với doanh nghiệp hoặc thương lái bằng hình thức chính quy, minh bạch và rõ ràng để thực hiện tốt. Việc ứng dụng công nghệ này cũng được kỳ vọng giúp giảm khâu trung gian “cò lúa” và tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng.