Vận động thành lập hợp tác xã, trồng 340ha lúa hàng hóa và lúa giống
Những ngày này, tại hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Khiết Tâm ngụ xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, mọi người luôn tất bật vận chuyển lúa về kho (hơn 20 tấn/ngày) để tiến hành phơi, sấy. Sau đó sẽ được đóng bao giao khách hàng.
Đang tất bật kiểm tra những bao lúa giống trước khi giao cho khách hành, ông Nguyễn Ngọc Huấn (42 tuổi) vô cùng phấn khởi, bởi năm nay lúa trúng mùa lại trúng giá. Không riêng gì ông Huấn mà các bà con trong HTX vô cùng phấn khởi.
Ông Huấn bộc bạch: “Nếu như mọi năm lợi nhuận từ cây lúa chỉ đạt khoảng 30% thì năm nay tăng 40-45%. Phần vì lúa được giá, phần vì mình tiết giảm được chi phí trong sản xuất nên lợi nhuận dư ra càng nhiều, ước tính khoảng 70 triệu đồng/ha”.
Với 9ha đất sản xuất lúa giống chất lượng cao, lợi nhuận thu về mỗi năm hơn 600 triệu đồng, ít ai biết rằng ông Huấn này từng bắt đầu bằng con số không. Với tinh thần ham học hỏi và ý chí vươn lên, nhà nông này quyết tâm làm giàu và đi lên từ cây lúa.
“Tôi quyết định khởi nghiệp từ cây lúa bởi ông bà từ xưa đã làm lúa. Tôi cũng theo bước chân ông bà, đặc biệt hơn là áp dụng tiến bộ khoa học để giảm được giống và phân bón, lợi nhuận tăng hơn so với trước. Nhận thấy hiệu quả đó, dần nhiều bà con địa phương quyết tâm đồng hành cùng với mình” – ông Huấn nói.
Nhận thấy mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao nên vào năm 2015, ông Huấn đã tập hợp một nhóm nông dân cùng địa phương thành lập HTX nông nghiệp mang tên Khiết Tâm. Thời điểm đó, chỉ có 6 thành viên, qua 8 năm HTX có khoảng 40 thành viên với diện tích đất sản xuất 340ha.
Sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống là 2 mảng hoạt động chính của HTX. Trong đó, sản xuất lúa hàng hóa với 2 loại giống lúa chủ lực là Jasmine 85 và OM. Ngoài ra, HTX còn tổ chức dịch vụ sau thu hoạch, cung ứng phân bón cho thành viên, sản xuất nấm rơm và bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân.
“Tôi thấy lúa giống đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa thường nên tâm huyết đi học ở nhiều nơi để áp dụng vào HTX. Đến nay, HTX đi vào hoạt động rất tốt với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp” – ông Huấn vừa chỉ tay về cánh đồng lúa bạt ngàn rộng hàng trăm ha vừa phấn khởi nói.
Cung ứng từ 600 – 1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận cho đối tác/vụ lúa
Nhận thấy việc sản xuất lúa theo lối xưa cũ chẳng thể cạnh tranh, ông Huấn không ngừng trau dồi kinh nghiệm và tiếp cận khoa học kỹ thuật để thực hành vào những cánh đồng lúa quê nhà. Hơn hết thay đổi tư duy sản xuất của chính những người nông dân.
Chỉ một năm sau khi thành lập HTX, ông Huấn đã mạnh dạn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa với hàng loạt tiêu chí khắt khe, trong đó có những tiêu chí liên quan đến sinh hoạt, sức khỏe của người tham gia sản xuất. Đặc biệt là các tiêu chí như kho chứa thuốc BVTV, phân bón phải sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng lượng, đúng loại,…
Từ khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng GlobalGAP, thu nhập của nông dân trồng lúa tại HTX đã được cải thiện đáng kể so với trước đây. Trong đó, chất lượng lúa làm ra tốt hơn, bán với giá cao hơn bên ngoài (không bị thương lái ép giá), từ đó các xã viên vô cùng phấn khởi và đồng lòng. Hơn hết, trình độ canh tác các thành viên trong HTX cũng được nâng lên rõ rệt.
“Khi chúng tôi bắt tay vào làm lúa giống, gieo sạ rất thưa, chỉ còn 60-70kg lúa giống/ha không còn 120kg lúa/ha như trước đó. Lúc này, cây lúa nó khỏe, dễ khử lẫn nên cây lúa rất sạch. Đây là mục tiêu HTX chúng tôi đề ra” – ông Huấn thông tin thêm.
Theo phóng viên tìm hiểu, hiện nay toàn bộ diện tích lúa của HTX Khiết Tâm đang làm phương pháp “1 phải 5 giảm” gồm: dùng giống lúa được xác nhận, giảm lượng nước tưới ở mức vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV và phân bón. Kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (có thêm việc giảm khí thải nhà kính) cũng được các thành viên HTX áp dụng, vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chi phí sản xuất đầu vào đã giảm mạnh.
Những năm qua, HTX Khiết Tâm còn là 1 trong 11 HTX nông nghiệp tại TP.Cần Thơ được dự án VnSat đầu tư với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng. Có vốn, HTX đã đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: nhà kho với khả năng lưu trữ 1.000 tấn lúa, lò sấy lúa công suất 40 tấn/mẻ, 2 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu 600 ha đất sản xuất, máy tách hạt… Chính sự tiếp sức này, hoạt động của HTX cũng từng bước đi vào nề nếp, kế hoạch được hoạch định rõ ràng hơn, đời sống của bà con xã viên từ đây cũng được cải thiện đáng kể.
Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn chỉnh đã tạo lợi thế cạnh tranh cho HTX khi thực hiện các dịch vụ hậu cần nông nghiệp cho bà con xã viên và thành viên liên kết. Nổi bật, HTX đủ khả năng cung ứng từ 600 – 1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận trong mỗi vụ lúa cho các đơn vị đối tác. Hiện nay, đơn vị là đối tác cung cấp khoảng 5.000 tấn lúa giống chất lượng cao mỗi năm cho Viện lúa ĐBSCL.
Ông Huấn phấn khởi nói: “Đối với những người nông dân, quanh năm chỉ có cây lúa, dư chỉ có chút đỉnh, nếu không có Dự án VnSat, chúng tôi không dám mơ ước đến nhà kho hay lò sấy to như vậy. Đặc biệt đối với HTX Khiết Tâm làm lúa giống còn đồng nghĩa tạo thêm công ăn việc làm cho các thành viên nhất là vào những lúc nhàn”.
Để có thêm công ăn việc làm cho các thành viên, HTX đã thuê máy nông nghiệp từ vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc về phục vụ cho cánh đồng của HTX và làm dịch vụ cho bà con trong và ngoài huyện. Thừa thắng xông lên, hiện nay HTX triển khai mô hình cấy mô với mục tiêu giảm tới mức thấp nhất lượng giống gieo sạ.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, hình thành và phát triển kinh tế tập thể, ông Nguyễn Ngọc Huấn ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ đã được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.