Cần tạo ‘cú hích’ mới cho HTX trồng hoa cây cảnh

Trồng hoa cây cảnh đang góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, để những HTX trong ngành nghề này phát triển được, rất cần động lực từ cơ quan quản lý để tháo gỡ những khó khăn về vốn, ứng dụng công nghệ đi liền với những định hướng dài hơi.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35.000ha chuyên canh hoa, cây cảnh. Trong vòng 15 năm qua, diện tích hoa, cây cảnh đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng trên 7,2 lần. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh tại các tỉnh thành cho giá trị vượt trội đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm…

Mong ngóng nguồn vốn hỗ trợ

Đặc biệt, nhiều HTX đang có những sản phẩm hoa, cây cảnh được công nhận OCOP, từ đó khẳng định giá trị của hoa, cây cảnh đối với người dân cũng như trên thị trường. Tiêu biểu như cây cảnh Bách Thuận (HTX Nông nghiệp Bách Thuận-Vũ Thư, Thái Bình) đã đạt OCOP 3 sao hay điểm Du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân của HTX Hồng Vân cũng là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao tiêu biểu của thành phố Hà Nội…

Đặc biệt, năm 2022, Quyết định số 919/QĐ – TTg về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định sinh vật cảnh là một trong 6 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận là sản phẩm OCOP. Trước đó, Nghị định số 52 năm 2018 cũng đã xác định rõ hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh là một trong 7 nhóm ngành phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, đối với những người trực tiếp phát triển sinh vật cảnh, ngành nghề này vẫn chưa phát huy hết giá trị sẵn có.

Ông Lưu Cẩm Hùng, Giám đốc HTX Hoa lan Đa Phước (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho rằng đầu tư cho phát triển hoa, cây cảnh không chỉ cần thời gian mà cần cả về ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chi phí lớn, thậm chí vượt quá khả năng đầu tư của thành viên, nông dân.

Cụ thể là trồng hoa, cây cảnh cũng phải có máy móc thiết bị, nhân công chất lượng cao, phải có quy trình kỹ thuật, nhà xưởng, nhà lạnh, nhà sản xuất giống… mới cho hiệu quả kinh tế cao và cạnh tranh được với những giống hoa ngoại nhập. Hiện, mỗi ha hoa trồng trong nhà kính, được đầu tư bài bản cần nguồn vốn trung bình khoảng 6-8 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn. Trong khi nhà kính mà HTX, nông dân muốn đạt tiêu chuẩn thì chủ yếu phải nhập từ nước ngoài với giá trung bình cũng trong khoảng 4-5 tỷ đồng/ha. Còn vật tư phục vụ làm nhà kính sản xuất hoa công nghệ cao với các dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến ở trong nước thì vẫn còn thiếu bóng.

Nguồn vốn để đầu tư trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao đang quá sức của nhiều chủ trang trại, HTX.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT HTX hoa cây cảnh nghệ thuật Thăng Long (Hà Nội), ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng nông dân, HTX làm nghề trồng hoa, cây cảnh rất trông mong vào các chính sách cho vay vốn trung và dài hạn của Nhà nước. Bởi trên thực tế, HTX khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất khó vì cây cảnh hiện chưa được định giá để có thể làm tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hoa, cây cảnh hiện chưa thực sự bài bản vì chưa có các chợ đầu mối lớn về hoa, cây cảnh, chủ yếu là các chợ họp theo phiên hoặc thông qua các ngày hội sinh vật cảnh nhưng chỉ diễn ra theo định kỳ. Chia sẻ về đầu ra cho sản phẩm hoa cây cảnh, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thị trường tiêu thụ hoa ở Việt Nam vô cùng tiềm năng vì dân số đông, người dân lại có nhiều dịp lễ cần sử dụng hoa, cây cảnh.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối hoa hiện vẫn còn rất yếu vì thiếu tính liên kết. Hiện, hoa và cây cảnh đã xuất hiện trong một số siêu thị nhưng còn rất khiêm tốn. Thay vào đó, những sản phẩm này chủ yếu phân phối theo mô hình truyền thống, bán qua chợ, bán tại chỗ, chưa đầu tư nhiều cho chế biến như làm các loại trà… để hướng đến xuất khẩu.

Để nâng cao giá trị sản phẩm

Việc Nhà nước xác định sinh vật cảnh là một trong những ngành nghề thúc đẩy kinh tế nông thôn và là nhóm sản phẩm công nhận OCOP hiển nhiên là có lý do. Vì hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi được áp dụng công nghệ mới sẽ cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT), nhu cầu về hoa, cây cảnh của người dân ngày càng tăng cao và tăng trung bình khoảng 15%/năm. Trong khi phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh là điều tất yếu khi không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm sinh vật cảnh ngày càng cao của người dân mà đây còn là ngành nghề được đánh giá là phù hợp với với nền nông nghiệp đô thị hóa cũng như dòng chảy du lịch nông nghiệp, nông thôn của nhiều địa phương.

Để phát triển được những chuỗi giá trị hoa, cây cảnh hiệu quả và được công nhận là sản phẩm OCOP, các chuyên gia cho rằng cần có cái nhìn đúng đắn và bao quát hơn về ngành nghề này

Ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, cho biết hiện nay việc tiếp cận chính sách, nhất là về vốn để phát triển ngành hoa, cây cảnh còn khó khăn và phức tạp. Ngay như chính sách về ứng dụng công nghệ cao theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP, mức hỗ trợ còn thấp, chỉ hỗ trợ 50% giá trị giống, vật tư. Chính sách về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hiện cũng chỉ tập trung hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh thuộc mô hình khuyến nông nên chưa thực sự là đòn bẩy để các HTX tạo giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, sự vào cuộc của doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, từ đó chưa thực sự hình thành ‘đầu kéo’ giúp người dân, HTX trong lĩnh vực này bứt phá.

Người dân, HTX trồng hoa cây cảnh hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đầu tư, đào tạo bài bản. Các địa phương dường như cũng thiếu cán bộ khuyến nông, chuyên sâu về lĩnh vực hoa, cây cảnh nên không có người dẫn dắt, hỗ trợ người dân, HTX áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách thuận lợi. Chính vì vậy, mà theo thống kê, tỷ lệ hoa được trồng dưới mái che hiện chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này có nghĩa rủi ro về thời tiết, khí hậu luôn rình rập những người trực tiếp sản xuất hoa, cây cảnh.

Một trong những điều mà nhiều HTX trồng hoa cây cảnh băn khoăn là hiện nay các sản phẩm hoa cây cảnh thiên về nghệ thuật và tùy thuộc vào tư duy thẩm mỹ của từng người, còn các tiêu chí mới để công nhận sản phẩm OCOP rất khắt khe, đòi hỏi cao về ứng dụng công nghệ. Trong khi, các HTX đang vướng ở khâu quản trị. Vì rất khó số hóa nên có HTX mỗi năm đưa ra thị trường hàng nghìn, hàng triệu cây cảnh, cây hoa nhưng quản lý những cây này như thế nào thì dường như nhiều HTX chưa làm được. Hay để đáp ứng tiêu chí OCOP, nhất là từ 4 sao trở lên, các HTX phải có năng lực, quy mô sản xuất trung bình trở lên. Trong khi bộ tiêu chí OCOP hiện nay chưa quy định quy mô cụ thể như thế nào là nhỏ, trung bình hoặc lớn cũng khiến không ít HTX trong trồng hoa, cây cảnh băn khoăn.

Đi cùng với đó là có HTX gặp lực cản trong đăng ký, nâng cấp sản phẩm OCOP cho hoa, cây cảnh vì liên quan đến sở hữu trí tuệ theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Tuấn, Tổ trưởng tổ hợp tác vườn lan Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết các giống lan HTX đang trồng chưa được bảo hộ nên không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tham gia chương trình OCOP mà còn hạ thấp giá của sản phẩm.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang