Mô hình “cây xoài nhà tôi” đang phát triển khá hiệu quả ở các HTX tại tỉnh Đồng Tháp. Vậy, đối với những nông sản khác, cây trồng khác của các HTX có thể học tập và ứng dụng cách làm của các HTX trồng xoài ở Đồng Tháp để giảm tải những khó khăn trong sản xuất?
Hiện, một số HTX như HTX Mỹ Xương, HTX Tịnh Thới… ở Đồng Tháp đang thực hiện khá hiệu quả mô hình “cây xoài nhà tôi”. Cụ thể, thông qua trang web của HTX, khách hàng ở khắp mọi miền có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại… Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình 4-7 triệu đồng/cây, thậm chí với giống xoài Cát Hòa Lộc còn có giá lên đến 10 triệu đồng/cây.
Còn đó những băn khoăn
Theo thỏa thuận, trong suốt một năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số quả trên cây (khoảng 70-150kg/vụ). Xoài sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, người sở hữu cây xoài còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao.
Trong một buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã cho rằng, mô hình này thể hiện rõ mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo hình thức “từ trang trại đến bàn ăn” nên đảm bảo được tính minh bạch.
Và theo quy luật cung cầu, để một nông sản hoặc sản phẩm có giá cao thì cầu phải lớn hơn cung. Mô hình “cây xoài nhà tôi” đang áp dụng cách bán hàng phong phú, tiện lợi cũng là cách giúp tăng cầu, giảm áp lực cho nguồn cung. Ở đây, người mua xoài không chỉ dừng ở việc mua để ăn, thưởng thức mà có thể để biếu, tặng, để được có cảm giác sở hữu, được hưởng thành quả…
Trước cách làm được đánh giá là thông minh của người dân, HTX trong mô hình “cây xoài nhà tôi”, nhiều ý kiến cho rằng nếu có thêm những mô hình như “cây cam nhà tôi”, “cây nhãn nhà tôi” hay “con gà nhà tôi”… thì sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản, thực phẩm và cũng giúp người dân, HTX và cả người tiêu dùng giảm bớt những khó khăn giữa bối cảnh thị trường còn có thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chẳng hạn như việc nhiều khách hàng bỏ tiền ra nhưng khó tiếp cận được với nước mắm đảm bảo chất lượng thì khách hàng có thể mua một chum nước mắm chuẩn vị của người dân tại làng nghề hay HTX sản xuất nước mắm. Khách hàng trả tiền cho nông dân, HTX để có một chum mắm ăn quanh năm. Mô hình này phù hợp cho những khu thành thị, xa biển không thể tự làm được nước mắm, cũng không có biển để thu hoạch cá cơm và không có diện tích để làm mắm.
Thực chất thì không chỉ có cây xoài mà hình thức người thành phố nhờ nông dân, thành viên HTX trồng xoài, sầu riêng, măng cụt, nuôi ong lấy mật… đã có từ mấy năm nay. Hình thức này giúp quảng bá hình ảnh địa phương và giúp thành viên HTX nói riêng và người dân nói chung tăng thu nhập, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình) đang triển khai mô hình “du lịch trải nghiệm – cây cam nhà tôi” nhằm tăng giá trị kinh doanh tại vườn cam, thúc đẩy giá trị của quả cam sau khi được chứng nhận OCOP.
PGS. TS Nhan Minh Trí, giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, mô hình tương tự như “cây xoài nhà tôi” thực chất đã được triển khai trên một số nông sản nhưng mới chỉ tập trung vào cây trồng mà chưa phát triển sang những vật nuôi có giá trị lớn như bò, trâu… Bởi vẫn còn nhiều nghi ngại cả ở phía khách hàng và người làm dịch vụ về tính rủi ro của mô hình.
Chẳng hạn như khách hàng có chấp nhận chi phí bỏ ra cao hơn so với việc mua sản phẩm bình thường ở bên ngoài hay không. Đi liền với đó là thị trường đầu vào sản xuất bấp bênh nên người dân, HTX làm sao để bảo đảm lợi nhuận được khi thực hiện mô hình này cũng là vấn đề băn khoăn. Nhất là với những vật nuôi có giá trị lớn như trâu, bò khi chẳng may xảy ra dịch bệnh, rủi ro…, số tiền đền bù cho khách hàng sẽ không hề nhỏ nên tạo áp lực cho HTX.
Ông Trần Phước Nhân, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất nước mắm Ngọc Trân (Cà Mau), cho biết thực chất đã có nhiều người thân của thành viên gửi HTX ủ giùm các lu mắm và đến khi có thành phẩm ăn thì HTX sẽ gửi sản phẩm. Nhưng để phát triển bài bản giống như mô hình “cây xoài nhà tôi” thì còn có những khó khăn nhất định.
Điều này xuất phát từ việc người làm ra nước mắm truyền thống vốn rất vất vả. Cả năm trời họ phải chăm nom lu mắm, thùng mắm nhưng cũng chưa chắc ra thành phẩm 100% ngon ngọt thơm giống nhau hoàn toàn. Ủ lu mắm chẳng may rủi ro, nước mưa vào hư hỏng đã không thu được lợi nhuận thì lại càng khó khăn trong khâu bồi thường. Bên cạnh đó, nhiều thành viên chưa thực sự quen bởi sự chi phối của “chủ lu mắm” quan sát qua camera hàng ngày…
“Chính vì vậy, nhiều người làm mắm vẫn theo cách ‘ăn chắc mặc bền’, làm mắm ra thành phẩm ngon nhất thì đóng chai bán ra thị trường”, ông Trần Phước Nhân chia sẻ
Tăng tính khả thi
Thực chất, những lo lắng của người dân, HTX trong triển khai mô hình này là hoàn toàn có cơ sở, bởi sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào môi trường, thời tiết mới cho ra sản phẩm đặc trưng.
Tuy nhiên, nếu mãi sợ sệt, không dám vượt qua khó khăn hoặc tìm cách thích ứng thì rất khó theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trên thế giới, những mô hình như “con gà nhà tôi”, “con bò nhà tôi” đã phát triển khá mạnh mẽ. Tiêu biểu tại Trung Quốc, người tiêu dùng có thể trả tiền từ 3.000 đến 1 vạn Nhân dân tệ/năm để người nông dân, thành viên HTX nuôi hộ một con bò. Nông trại sẽ gửi sữa tươi về cho khách hàng. Ngược lại về phía nông dân, thành viên HTX phải cam kết về thức ăn, đầu ra đầu vào, sản lượng, miễn phí ship hàng.
Theo PGS. TS Nhan Minh Trí, để Việt Nam phát triển được những mô hình như vậy, trước hết các nông trại, HTX phải thực hiện sản xuất theo quy trình chuỗi từ đầu đến cuối, giống như mô hình từ trang trại đến bàn ăn. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch để tạo niềm tin và khẳng định được thương hiệu cho khách hàng. Cụ thể, vật nuôi muốn minh bạch từ ngay khâu chọn con giống thì HTX cần có hệ thống chip gắn ở chân, chuồng nuôi được lắp camera…
Ngoài ra, điều cần quan tâm ở mô hình này là yếu tố vận chuyển. Tại Việt Nam, mua trứng online còn xa lạ vì lo ngại trong khâu đóng hàng và vận chuyển. Tuy nhiên, mua trứng online ở Trung Quốc là quá gần gũi bởi họ hoàn thiện được hệ thống bao bì, đi liền với hệ thống logistics thuận lợi nên vận chuyển rất tối ưu. Chính vì vậy, đảm bảo khâu vận chuyển sẽ thúc đẩy khách đặt hàng cũng như thúc đẩy hình thức nhận nuôi, nhận trồng hộ cây…
Bên cạnh đó, mô hình này được thực hiện theo hình thức trả tiền trước nên những lo ngại về rủi ro như nông trại của HTX phá sản hay xảy ra hình thức quỵt tiền nuôi, trồng của khách hàng là hiển nhiên.
Để giải quyết điều này, cả bên bên mua, bên nuôi đều cần liên kết trực tiếp với chính quyền địa phương hoặc có bên thứ ba để bảo lãnh, thực hiện các hợp đồng với điều khoản minh bạch, tính pháp lý cao. Vì thế, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý địa phương thì mới hỗ trợ được HTX trong soạn thảo và áp dụng hợp đồng. Trong khi đó, đây vẫn là vấn đề còn bất cập ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nếu áp dụng linh hoạt và xem xét hoàn thiện nhiều yếu tố, hình thức nhận nuôi con vật, nhận trồng cây này được đánh giá là phù hợp với thực trạng bỏ phố về quê để phát triển các nông trại, HTX của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoàn cho rằng, mô hình “cây xoài nhà tôi” nếu được sự chăm chút từ các cấp chính quyền, sự tương tác của xã hội, chắc chắn sẽ được hoàn thiện như một điểm sáng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Và chiều sâu của mô hình này chính là bắt đầu có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của chính những người nông dân.