Qua gần 20 năm TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sản xuất nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu gắn với tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và tích hợp đa giá trị.
Hiệu quả sản xuất được nâng cao
Phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông minh và công nghệ cao vào sản xuất. Thực hiện chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Các biện pháp cải tạo giống cây con, cải tiến phương pháp canh tác mới cũng được áp dụng làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tăng cường liên kết, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với chế biến, xuất khẩu. Các cơ sở hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn được đầu tư phát triển gắn với thúc đẩy liên kết, hợp tác theo các chuỗi giá trị ngành hàng.
Đến nay, nhiều khâu trong quá trình trồng trọt, nhất là sản xuất lúa như làm đất, bơm tưới, thu hoạch lúa, thu gom rơm… đều cơ giới hóa. Thành phố đã hình thành các vùng nuôi thủy sản, vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái tập trung, sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, gắn với phát triển du lịch trong nông nghiệp. Đồng thời, liên kết giữa các bên liên quan gắn với quản lý, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình cánh đồng lớn (CĐL), được triển khai thực hiện từ vụ hè thu 2011 với diện tích ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh thì nay đã phát triển lên 94 cánh đồng với diện tích hơn 33.000 ha/vụ. Ông Nguyễn Danh Dũng, nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn Phát ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cho biết: “Nhờ tham gia mô hình CĐL, nông dân được doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên an tâm sản xuất. Đồng thời, có điều kiện cơ giới hóa, gieo cấy tập trung, đồng loạt cùng một giống lúa và áp dụng cùng quy trình sản xuất… đã giúp giảm chi phí, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều để bán giá cao, từ đó có thể tăng lợi nhuận từ 2-5 triệu đồng/ha/vụ”.
Với khoảng 78.000ha đất canh tác lúa, mỗi năm thành phố sản xuất 3 vụ lúa đạt sản lượng từ 2,3-1,4 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản chiếm tỷ lệ trên 95% và có gần 10.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Thành phố có khoảng 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 24.500ha cây ăn trái. Sản lượng trái cây đạt hơn 194.500 tấn, sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 200.000 tấn. Thành phố đã có vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn trái với diện tích hơn 10.390ha và vùng chuyên canh rau màu tập trung 229ha, vùng tập trung nuôi cá tra khoảng 800ha. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, Global GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn được phổ biến nhân rộng. Các địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng và có giá trị cao. Cụ thể như trồng rau màu trong nhà lưới và nhà màng, trồng rau thủy canh, áp dụng hệ thống tưới phun tự động trên rau, cây ăn trái, nuôi thủy sản trong bồn nhân tạo… Hiện thành phố cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tạo ra đa giá trị nhờ khai thác tốt các phụ phẩm, kết hợp với phát triển du lịch và phát triển sản phẩm OCOP. Đáng chú ý là mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hay mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với việc tận dụng rơm rạ trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ…
Nông nghiệp khẳng định vai trò quan trọng
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra khá nhanh và diện tích đất nông nghiệp bị giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn. Từ các loại nông sản và sản vật sẵn có tại địa phương, thành phố đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP nâng cao giá trị nông sản tạo điều kiện phát triển du lịch và nâng cao đời sống người dân ở nông thôn. Nông nghiệp cũng giúp tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động thông qua phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. TP Cần Thơ có gần 500 cơ sở chế biến nông – thủy sản. Thành phố có 92 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao và ngày càng có nhiều nông hộ tham gia hoạt động du lịch. Diện mạo nông thôn đổi mới, phát triển và TP Cần Thơ là đơn vị cấp tỉnh duy nhất vùng ĐBSCL hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), với 100% cấp xã và 100% cấp huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2015-2020. Cần Thơ đã có 26/36 xã đạt NTM nâng cao và 2/36 xã đạt NTM kiểu mẫu…
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tới đây ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành theo định hướng quy hoạch chung của thành phố, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển ngành Nông nghiệp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện định hướng chiến lược và thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển thích ứng bền vững. Trong đó, tiếp tục xây dựng, phát triển nâng chất các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với nâng cao chất lượng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải nhà kính và các vùng sản xuất cây ăn trái, thủy sản chuyên canh gắn với ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư các Khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, chế biến bảo quản nông sản và thúc đẩy phát triển cơ giới đồng bộ trong nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân gắn với đô thị hóa khu vực nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, chương trình du lịch nông nghiệp… để nâng cao hiệu quả, giá trị ngành nông nghiệp. Thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị để góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đời sống người dân nông thôn.
Ngành Nông nghiệp Cần Thơ tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát huy tốt lợi thế của từng vùng sản xuất, gắn kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Cần Thơ đang cùng Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, đây là đầu mối hội nhập vùng ĐBSCL với các thị trường xuất khẩu. Ngành cũng tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản vừa và nhỏ để chuẩn hóa chất lượng, từng bước thực hiện đảm bảo tiêu chuẩn cho xuất khẩu.