TP Cần Thơ có 164 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có nhiều HTX kiểu mới đã linh động tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, đã đem lại hiệu quả cho thành viên, góp phần xây dựng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, sản xuất kinh doanh gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm địa phương.
Cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh của thành phố, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới đã tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn GAP vào sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên, qua đó từng bước phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với lợi thế và tiềm năng của địa phương. Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: Nhờ có sự quan tâm của các ngành chức năng thành phố và địa phương trong việc hỗ trợ thành viên HTX canh tác cây ăn trái theo quy trình an toàn và tiêu chuẩn nâng cao Global GAP; kết nối cho HTX ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Theo đó, HTX từng bước xây dựng được vùng trồng vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn, với tổng diện tích trên 45ha, trong đó có 25ha được canh tác theo tiêu chuẩn GAP nâng cao, đảm bảm cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ, với sản lượng bình quân gần 100 tấn vú sữa/vụ/năm. Nhờ đó, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho 34 thành viên trong HTX, với doanh thu trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ tham gia đa dạng các hoạt động kết nối xúc tiến thị trường trong và ngoài thành phố, HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã tìm kiếm được cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều đối tác và doanh nghiệp, từng bước gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: HTX được thành lập năm 2018, có 19 thành viên, chuyên trồng xoài các loại… theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 30,5ha. Ðến nay hầu hết nhà vườn vào HTX đều thực hiện tốt quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch trái xoài, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng… Nhờ vậy, nhiều năm liền, xoài của HTX được các đối tác, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho nhà vườn vào HTX.
Dù xây dựng được các mối liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản với các đối tác, nhưng phần lớn các HTX nông nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển. Nguyên nhân là do quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp; thiếu cơ sở sản xuất chế biến, bảo quản nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng cao… Thêm vào đó, nhiều HTX nông nghiệp còn hạn chế trong quản trị điều hành; sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, thiếu vốn tự có, sổ sách kế toán không rõ ràng, minh bạch, nên chưa đáp ứng thủ tục, điều kiện vay vốn tín chấp không có tài sản đảm bảo từ các tổ chức tín dụng… Do đó, dẫn đến việc hạn chế xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua nông sản chất lượng cao, phục vụ thị trường xuất khẩu.
Theo ông Phan Văn Tây, việc hợp tác với doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn tiêu thụ đã đem lại hiệu quả hoạt động cho HTX. Song để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, HTX cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng chế biến nông sản sau thu hoạch… Tuy nhiên, với năng lực hiện tại, như vốn điều lệ thấp, không có tài sản chung để vay thế chấp, nên HTX rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng. Do đó, HTX kiến nghị ngành chức năng thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX… Từ đó, giúp HTX có thêm nguồn lực đầu tư, nâng chất hoạt động, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, từng bước nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn vào HTX, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Theo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Cần Thơ, cùng với việc triển khai các chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, kết hợp hỗ trợ tư vấn; phát triển mở rộng mạng lưới giao dịch đến các vùng nông thôn… Hiện thành phố có 7 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng vốn điều lệ 48,3 tỉ đồng, qua đó đã tạo thuận lợi cho HTX và người dân có điều kiện vay vốn đầu tư thêm trang thiết bị, phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, đem lại lợi ích tối ưu cho thành viên HTX. Dù đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho vay từ các tổ chức tín dụng, nhưng đa phần các HTX nông nghiệp vẫn chưa “hấp thụ” được các gói tín dụng. Ðể tiếp cận thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi, các HTX cần phải nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng phương án kinh doanh khả thi, đáp ứng các điều kiện vay vốn ngân hàng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, cần tranh thủ nguồn lực tài chính từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, vì đây là kênh cung cấp vốn ưu đãi tốt cho các HTX. Cùng với đó, các ngành, các cấp thành phố cần quan tâm, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thị trường trong và ngoài thành phố… Qua đó, giúp các HTX tiếp cận thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư, phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của thành phố.