Khuyến khích, hỗ trợ và tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua. Với sự năng động và sáng tạo, các cấp Hội LHPN từ thành phố đến cơ sở có những cách làm hay, xây dựng nhiều mô hình mới, hỗ trợ chị em vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống.
Tại ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, mô hình May gia công túi bọc trái cây của chị Lâm Thị Mai hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Chị Mai chia sẻ: “Khoảng 3 năm trước, tại thị trấn Thới Lai và các địa phương lân cận phát triển mạnh kinh tế vườn. Hầu hết nhà vườn phải dùng đến túi bao bọc trái cây để ngăn ngừa sâu bệnh, kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, tôi học nghề và mạnh dạn khởi nghiệp. Trong đợt hàng đầu tiên, tôi may thử 30.000 túi bọc trái cây các loại”.
Ðể tìm đầu ra, chị Mai chịu khó tìm đến các nhà vườn, các chợ để giới thiệu và bán sản phẩm. Ðợt túi đầu tiên “cháy hàng”, đem về cho chị Mai hơn 60 triệu đồng lợi nhuận. Nhận thấy mô hình mang lại thu nhập khả quan, có tiềm năng phát triển, chị Mai mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, mô hình may gia công túi bọc trái cây có 10 hội viên, phụ nữ tham gia, làm việc thường xuyên với số lượng đơn hàng khoảng 10.000 túi/ngày và trung bình hằng tháng, mỗi chị có thu nhập 5-6 triệu đồng. Theo chị Mai, thành công này có sự hỗ trợ rất lớn từ Hội LHPN thị trấn Thới Lai. Hội đã giúp chị vay 45 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất…
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Thới Lai, ngoài mô hình trên, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội còn duy trì hoạt động Tổ liên kết chằm nón lá, tại ấp Thới Thuận B và ấp Thới Thuận A; hỗ trợ 2 cá nhân phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiệu quả; phối hợp tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 67 lao động nữ;…
Tại từng địa phương, các cấp Hội có cách làm linh hoạt hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp thực tiễn. Nổi bật tại quận Ninh Kiều, với thế mạnh của quận trung tâm, có điều kiện phát triển kinh doanh, dịch vụ thương mại, các cấp Hội LHPN quận đã duy trì nhiều mô hình, tổ, nhóm liên kết với nhiều ngành nghề phù hợp, như: hợp tác xã Bánh dân gian Hương Xưa, mô hình Phụ nữ sản xuất hàng gia dụng, may gia công, kinh doanh dịch vụ giúp phụ nữ khởi nghiệp… giúp hàng trăm lao động nữ có việc làm, thu nhập ổn định. Mới đây, Hội LHPN quận Ninh Kiều vừa ra mắt Tổ hợp tác (THT) Cầu đá lông vịt tại phường Cái Khế, thu hút 11 thành viên tham gia. Hội LHPN quận Ninh Kiều cùng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Ninh Kiều ký kết hỗ trợ đầu ra sản phẩm cầu đá lông vịt cho các thành viên THT. Ðồng thời, Hội LHPN quận hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn Vì phụ nữ nghèo, giúp các thành viên THT Cầu đá lông vịt có vốn đầu tư máy móc, nguyên liệu.
Với mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, các cấp Hội LHPN thành phố đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; đồng hành cùng chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua nhiều hoạt động thiết thực: tổ chức các chương trình quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn vay… Riêng 7 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ đã thành lập và ra mắt 17 THT, mô hình mới, như: Tổ phụ nữ mua bán nhỏ, THT Thêu gia công; THT May túi xách; THT Trồng sầu riêng; THT Dịch vụ nấu ăn, Tổ liên kết hợp tác sản xuất các ngành nghề truyền thống và bánh dân gian, Tổ liên kết Phụ nữ Khmer trồng cây ăn trái; Tổ sản xuất rau an toàn;…
Với sự trợ lực của các cấp Hội cùng với sự năng động, sáng tạo của bản thân, nhiều hội viên, phụ nữ đã tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, khai thác thế mạnh sẵn có ở địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên khấm khá. Bên cạnh đó, hoạt động của các mô hình còn tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, khơi dậy tiềm năng lao động và khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.