Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị cần quyết liệt triển khai Đề án ‘Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030’.
Chiều 28/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng một số dự thảo Đề án, Nghị định sửa đổi,…thuộc nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp.
Báo cáo về dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Đề án nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích 300 nghìn ha đến năm 2025 và đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu ha.
Đề án hướng đến mục tiêu thực hiện canh tác lúa bền vững, trong đó có việc giảm lượng giống, phân bón, giảm lượng nước sử dụng để đảm bảo giảm phát thải.
Đề án cũng hướng đến việc tổ chức lại sản xuất, với khoảng 1 triệu ha lúa sẽ có trên 1 triệu hộ nông dân. Việc thực hiện Đề án nhằm tổ chức các hộ nông dân vào hợp tác xã để thực hiện liên kết. Như vậy, vấn đề ở đây là làm sao đưa các hộ nông dân vào hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là việc làm khó nhưng sẽ quyết tâm thực hiện.
Đề án cũng hướng đến việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, đồng thời, hướng đến việc tăng thu nhập cho người trồng lúa thông qua việc giảm chi phí và nâng giá trị của lúa gạo; phấn đấu xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải,…
Về Đề án này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đề xuất xây dựng thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh và cho phép sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án và không phải đóng góp vào lượng phát thải cam kết trong Đóng góp Quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sớm phê duyệt Đề án để kịp thời triển khai ngay cho vụ Đông xuân tới; đồng thời, đồng ý chủ trương triển khai các chương trình, đề án ưu tiên thuộc Đề án, đặc biệt là chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất vùng dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).
Tại buổi làm việc, đại diện của các Cục, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã nêu rõ một số vấn đề khó khăn liên quan đến việc xây dựng dự thảo một số Nghị định sửa đổi. Theo đó, về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định tại Tờ trình số 8842/TTr-BNN-TCLN ngày 28/12/2022 kèm theo 3 báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Hồ sơ dự thảo Nghị định được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ ngày 6/7/2023.
Đến nay, Bộ NN&PTNT nhận được 19/26 ý kiến thành viên Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chuyển đến và đang tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Phó Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ NN&PTNT thống nhất các nội dung nêu trên dự thảo để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành.
Ngoài ra, liên quan đến một số khó khăn trong xây dựng dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT kiến nghị Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét, thống nhất về nội dung dự thảo Nghị định, đặc biệt liên quan đến đề xuất tăng một số mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng so với các chính sách hiện hành để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đây là Đề án đã “khởi động” được 1 năm nay. Đây cũng là Đề án rất quan trọng để góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, đây cũng là Đề án còn rất nhiều vấn đề gặp khó khăn. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không có sự thay đổi nào là dễ dàng nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nữa. Đó là sản xuất lúa gạo với chi phí cao, phát thải cao và không tạo ra ngành hàng lúa gạo bền vững. Do đó, chúng ta cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của Đề án để triển khai thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, đối với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, cần quyết liệt triển khai. “Đây là dự án rất khó nhưng nếu thấy khó mà đi không thì không bao giờ đến” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã nêu rõ các ý kiến chỉ đạo về các kiến nghị của ngành NN&PTNT liên quan đến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; về thị trường các-bon rừng; Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB),…/.