Nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp và nông thôn tại vùng ÐBSCL, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng Ðề án Ðào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp nông thôn (NNNT) vùng ÐBSCL đến năm 2030. Ðề án được kỳ vọng giúp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho nhiều lao động NNNT vùng ÐBSCL.
Kỳ vọng từ Ðề án
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến nay đã xây dựng được dự thảo Ðề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động NNNT vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án) và tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương vùng ÐBSCL và đơn vị có liên quan. Ban soạn thảo Ðề án đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện Ðề án nhằm sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu chung của Ðề án là đào tạo, chuyển đổi cho lao động NNNT nhằm nâng cao trình độ, tri thức hóa nông dân, hướng đến nông dân chuyên nghiệp và tạo việc làm bền vững. Ðồng thời chuyển dịch lao động trong ngành Nông nghiệp và từ nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng. Góp phần nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho lao động NNNT vùng ÐBSCL. Ðề án cũng đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Ðặc biệt, đào tạo nghề cho 1,6 triệu lao động, trong đó nội ngành nông lâm thủy sản 440.000 người, chuyển đổi ngoài ngành Nông nghiệp 1,06 triệu lao động và 100.000 người đi học tập, làm việc ở nước ngoài. Có khoảng 80% giám đốc hợp tác xã (HTX) được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc, tương đương đào tạo 3.500 giám đốc HTX…
ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tạo ra nhiều loại nông sản xuất khẩu thu ngoại tệ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do BÐKH, nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Ðặc biệt, thu nhập của nhiều nông dân còn thấp và nhiều lao động trong NNNT chưa được đào tạo nghề một cách bài bản, cũng như còn khó trong việc mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp và tìm kiếm các công ăn việc làm giúp có thu nhập ổn định… Do vậy, Ðảng và Nhà nước đã quan tâm có các chương trình, đề án và nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển vùng ÐBSCL. Qua đó, nhằm phát triển ÐBSCL nhanh, bền vững và chủ động thích ứng BÐKH. Thúc đẩy phát triển NNNT theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp… Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển NNNT bền vững vùng ÐBSCL, chủ động thích ứng BÐKH, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng Ðề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động NNNT vùng ÐBSCL giai đoạn 2022-2030. Trong đó, xác định rõ kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, thông minh vùng ÐBSCL.
Ðào tạo nghề gắn phát triển sinh kế
Tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, vừa phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo tham vấn “Thực trạng và định hướng đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động NNNT vùng ÐBSCL đến năm 2030”. Tại hội thảo, bên cạnh cập nhật, cung cấp các thông tin về việc triển khai xây dựng Ðề án và trình bày dự thảo Ðề án, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận, góp ý. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động NNNT vùng ÐBSCL và thống nhất cao với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… đã được nêu trong dự thảo Ðề án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị cần quan tâm mở rộng đối tượng đào tạo tại các địa phương nhằm hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gắn với nâng cao các kiến thức, kỹ năng về thị trường, tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ðặc biệt, cần đa dạng các hình thức, giải pháp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề gắn với tạo thuận lợi cho lao động NNNT phát triển sinh kế bền vững. Chú ý đào tạo nghề gắn nhu cầu thực tế tại các địa phương và có chính sách thu hút, giữ chân lao động trẻ tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực NNNT.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp, kiến nghị: “Bên cạnh đào tạo nghề, cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích và hỗ trợ lao động NNNT chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Ðồng thời, cần nâng mức hỗ trợ để thu hút lao động NNNT tham gia các lớp học, chương trình đào tạo nghề và có hỗ trợ sau đào tạo để giúp người lao động phát triển được các sinh kế. Quan tâm kêu gọi sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động như doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… để phối hợp với các cơ sở đào tạo nhằm “đặt hàng” đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu thực tế”. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Ðề án cần có các định hướng, giải pháp hỗ trợ, đào tạo nghề cho vùng ÐBSCL đáp ứng theo xu thế, định hướng và quy hoạch phát triển của vùng và hình thành các vùng nguyên liệu nông sản gắn với chế biến, xuất khẩu. Chú ý đào tạo làm sao để đội ngũ nông dân không chỉ nắm rành kỹ thuật để làm tốt các hoạt động sản xuất nông nghiệp mà cần phải biết bán hàng, biết xây dựng chuỗi giá trị và kết nối, hình thành các vùng nguyên liệu lớn… để tạo ra giá trị gia tăng cao, nông dân mới có thể làm giàu. Ðồng thời, chuyển bớt lao động ra khỏi nông nghiệp và tham gia vào các hoạt động sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho lao động NNNT được trang bị các kiến thức cần thiết và thuận lợi trong tiếp cận các hỗ trợ về tài chính để đi xuất khẩu lao động, cũng như vừa học vừa làm tại các nước. Bởi đây cũng là giải pháp rất hiệu quả để giúp nhiều người lao động có việc làm, thu nhập tốt sau đào tạo và tham gia phát triển cho nông nghiệp nước nhà sau khi về nước.