Xuất khẩu rau quả về đích sớm 

Chưa bao giờ xuất khẩu rau quả thuận lợi như hiện nay, khi chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỉ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022. Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông – lâm – thủy sản của nước ta từ đầu năm đến nay…

Thu nhập cao từ trái cây đặc sản

Phân loại bưởi da xanh ở Bến Tre đưa đi tiêu thụ các nơi.

Ông Dương Lê Tuấn, thành viên của Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Thái Thanh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho hay, vùng chuyên canh thanh nhãn của HTX đang vào vụ thu hoạch với giá bán dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg, cao hơn so các loại nhãn khác. Cũng nhờ được giá, cộng với năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha nên việc trồng thanh nhãn mang lại thu nhập tốt cho bà con. “Thanh nhãn có ưu điểm trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay nhãn da bò, mà chỉ ngọt thanh. Đặc biệt, thanh nhãn không bị bệnh chổi rồng, một loại bệnh từng ám ảnh các nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL. Đây là loại trái cây đặc sản có sản lượng không nhiều, nên khi tới mùa thu hoạch là có đông thương lái và doanh nghiệp đặt mua phục vụ tiêu thụ nội và xuất khẩu đi các nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản…”, ông Tuấn khoe.

Cùng niềm vui trên, ông Trần Văn Linh, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết, năm nay hầu hết nông dân trồng sầu riêng ở vùng ĐBSCL “trúng đậm”. Nguyên nhân từ khi sầu riêng nước ta được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tạo nên cơn sốt giá; trong đó từ đầu năm 2023 trở đi giá sầu riêng luôn ở mức cao, có lúc lên tới 160.000-220.000 đồng/kg (tùy loại) và hiện nay vẫn duy trì từ 50.000-70.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong khoảng 70.000ha cây ăn trái của tỉnh thì sầu riêng chiếm nhiều nhất với gần 18.000ha, đây cũng là loại cây đặc sản và là thế mạnh của địa phương. Nếu như đợt hạn hán, xâm nhập mặn dữ dội vào năm 2020 khiến nhiều vườn sầu riêng suy kiệt; sau đó ngành chức năng tích cực hỗ trợ bà con khôi phục lại và năm 2023 này hầu hết người trồng đều thắng lợi bởi sức hút từ việc xuất khẩu tăng cao.

Ông Đặng Văn Nám, ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách, (tỉnh Sóc Trăng), cho hay: “Hơn chục năm trước khi vợ chồng tôi chuyển từ đất lúa 2 vụ sang chuyên canh bưởi da xanh đã tăng được thu nhập đáng kể. Những năm bưởi da xanh hút hàng ở thị trường nội địa, lẫn xuất khẩu thì thương lái thu mua khá cao từ 40.000-60.000 đồng/kg, còn bình thường cũng bán được 20.000-30.000 đồng/kg. Nếu như ban đầu vợ chồng tôi chỉ trồng hơn 2ha bưởi da xanh, sau đó nhận thấy loại cây đặc sản này có thị trường tiêu thụ rộng, nhất là xuất khẩu, nên liên tục mở rộng quy mô sản xuất lên 17ha…”.

Liên kết, chú trọng chất lượng

Sở NN&PTNT các tỉnh ở ĐBSCL nhìn nhận, sản xuất cây ăn trái ngày càng được người dân, các HTX và chính quyền địa phương chú trọng đầu tư, bởi xuất khẩu được mở rộng và giá trị mang lại ngày càng cao.

Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,25 tỉ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022. Rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông – lâm – thủy sản của nước ta từ đầu năm đến nay, nhất là sầu riêng được xuất khẩu đứng đầu. Về nguyên nhân đưa ngành rau quả tăng ấn tượng là do Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, tăng mạnh về lượng thu mua trái cây. Bên cạnh đó, các Nghị định thư được ký với Trung Quốc trong năm 2022 đã giúp cho tình hình xuất khẩu rau quả đẩy mạnh.

Xuất khẩu tăng là đáng mừng, song Bộ NN&PTNT vẫn lo ngại về tính bền vững khi thời gian qua nhiều nơi “bùng nổ” việc mở rộng diện tích tràn lan, ngoài quy hoạch; đặc biệt là sầu riêng được phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo định hướng đến năm 2030, cả nước trồng khoảng 65.000-75.000ha sầu riêng, sản lượng 850.000-950.000 tấn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước đạt khoảng 110.000ha, tăng 25.000ha so với năm 2021, đồng thời vượt khoảng 35.000ha so quy hoạch. 

Thêm vấn đề lo ngại là mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã gửi thông báo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng khi xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Việc buông lỏng kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói… đã dẫn đến tình trạng kiểm soát không chặt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm, làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc. Trước tình hình trên, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc nhằm thực hiện nghiêm về tiêu chuẩn, chất lượng, không để xảy ra vi phạm…

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh bưởi da xanh Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre), khẳng định: “Việc thị trường Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới đòi hỏi sản phẩm trái cây chất lượng, hữu cơ, sạch… là chuyện hiển nhiên, bởi nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi và yếu tố ngon, đảm bảo sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường thì chúng ta phải mạnh dạn thay đổi sản xuất. Theo đó, cơ sở Hương Miền Tây đã chủ động liên kết với nhiều HTX trồng bưởi da xanh để ký hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu của từng thị trường đưa ra; chúng tôi thu mua với giá sàn thấp nhất là 25.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo nông dân không bao giờ lỗ. Đây là cách làm nhằm giúp nông dân an tâm đầu tư canh tác trái cây được tốt nhất và doanh nghiệp cũng chủ động nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu quanh năm…”.

Phát triển 14 loại cây ăn trái chủ lực

Theo đề án “Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030”, của Bộ NN&PTNT thì mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái của cả nước đạt 1,2 triệu héc-ta, sản lượng trên 14 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỉ USD.

Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước khoảng 1,3 triệu héc-ta, sản lượng trên 16 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỉ USD… Có 14 loại cây ăn trái chủ lực được xác định đến năm 2030 gồm: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dừa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ và na.

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang