Đánh thức tiềm năng của hợp tác xã

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng các hợp tác xã hiện nay còn hạn chế trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, mở rộng sản xuất và kênh phân phối.

Thế khó của các hợp tác xã

Trước bối cảnh nền nông nghiệp đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, theo đánh giá của Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp ở các địa phương là hướng đi đúng đắn. Trong quá trình xây dựng này, hợp tác xã đóng vai trò là hạt nhân liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tạo nên mô hình chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 hợp tác xã, 133 liên hiệp hợp tác xã và 120.983 tổ hợp tác, trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp). Trong số này, có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Chẳng hạn tại tỉnh Ninh Bình, 496 hợp tác xã đóng góp 101 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 33 sản phẩm đạt 3 sao, 68 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Nhiều hợp tác xã đã sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, từng bước chuyển đổi số, bắt kịp với xu hướng hiện đại.

Mặc dù vậy, đại dịch Covid-19 để lại những “chấn thương” nghiêm trọng với nền kinh tế nói chung và các đối tượng trong hợp tác xã nói riêng. Do đó, nhiều hợp tác xã vẫn ở trong tình huống hạn hẹp về nguốn vốn, khó mở rộng, nâng cấp sản phẩm để có thể xuất khẩu hay tiến vào các chuỗi siêu thị lớn.

Khảo sát tại Hợp tác xã Minh Hưng (Hà Nội) cho thấy kênh phân phối chính của hợp tác xã này là con đường truyền thống qua các tư thương. Sản phẩm của họ đã đạt chuẩn GlobalGap, tuy nhiên để đủ điều kiện bày bán ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ cần phải có thêm khâu sơ chế và đóng gói.

Ông Trần Văn Mưu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Minh Hưng, cho biết: “Hiện chúng tôi đang lập dự án xây kho lạnh, xưởng sấy khô cùng một số nơi để chế biến, tổng diện tích khoảng 10.000 mét vuông. Dự kiến trước mắt sẽ sử dụng tài sản của gia đình để xét duyệt thế chấp vay vốn. Nguồn vốn đóng góp của các thành viên hiện nay còn khá ít”.

Trường hợp của Hợp tác xã Minh Hưng cũng tương tự một số hợp tác xã khác, khó khăn trong việc sử dụng, quản lý vốn, chưa có nguồn tài chính dự phòng hay đáp ứng đủ điều kiện thế chấp. Như vậy, rất khó để các ngân hàng kiểm soát rủi ro cũng như xét duyệt các ưu đãi. Hơn nữa, các hợp tác xã hiện nay không có dự phòng tài chính hay tài sản để đảm bảo, vì vậy dù các tổ chức tín dụng hay ngân hàng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nhưng rủi ro với nhóm đối tượng này còn cao.

Còn với Hợp tác xã Quyên Phong (Bắc Giang), dù sản phẩm tại đây được các doanh nghiệp đánh giá cao nhưng họ đưa ra một mức giá thu mua quá thấp. Trong khi đó, các yêu cầu về sơ chế, đóng gói, tuyển chọn sản phẩm rất cao.

“Những doanh nghiệp cũng đến ngỏ ý hợp tác với hợp tác xã nhưng họ đòi hỏi nhiều ở khâu chế biến, nếu tuyển thêm công nhân, xây dựng xưởng để làm thì chi phí đầu vào lớn và chúng tôi sẽ không có lãi nữa”, ông Đặng Huy Phong, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyên Phong, Bắc Giang chia sẻ.

Vì vậy, từ phía doanh nghiệp, các hợp tác xã cần thêm những ưu đãi, bao tiêu đầu ra để có thể dễ dàng chuyển đổi mô hình, phương án sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ.

Hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, hợp tác xã là đối tượng có rủi ro rất lớn khi vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, do đó, cần phân loại hợp tác xã. Với những hợp tác xã kinh doanh hiệu quả cao, điểm tín dụng cao, ngân hàng nên có chiến lược tiếp cận chủ động, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ phù hợp. Các hợp tác xã khó khăn cần được kiểm tra sức khỏe tài chính trong khi xét duyệt cho vay. Phía chính quyền, sở, ban, ngành có thể hỗ trợ thêm bằng cách khuyến nông, khuyến công, khuyến thương.

“Với đối tượng hợp tác xã, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần thiết kế các khoản vay tùy thuộc năng lực hấp thụ vốn, năng lực tổ chức chuỗi cung ứng, năng lực tài chính của mỗi hợp tác xã, khoản vay có thời gian phù hợp với chu kỳ kinh doanh sản phẩm. Từ phía doanh nghiệp, các đơn vị tích cực hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, xây dựng chuỗi sản phẩm khoa học cùng với hợp tác xã”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng chia sẻ thêm.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng điều quan trọng để thúc đẩy các hợp tác xã phát triển trong bối cảnh chú trọng liên kết vùng là các tỉnh cần làm tốt khâu tuyên truyền vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực, lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân).

Bên cạnh nguồn trợ lực từ phía doanh nghiệp, ngân hàng, vốn nước ngoài, mới đây, các hợp tác xã còn có thể vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các đối tượng thuộc Hội Nông dân Việt Nam.

Theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP, thời hạn cho vay đối với phương án của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội Nông dân Việt Nam tại Quỹ Hỗ trợ nông dân được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng. Thời hạn vay tối đa không vượt quá 5 năm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh với nhiều vùng nguyên liệu khác trên thế giới, hợp tác xã, hộ nông dân cũng cần nắm bắt tình hình cung – cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP, qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.

Theo vca.org.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang