Các HTX được xác định là mũi nhọn trong phát triển làng nghề, nhất là những làng nghề thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, cơ hội để phát triển HTX cũng như các sản phẩm của làng nghề, nhất là những HTX mây tre đan đang bị giảm dần vì thiếu nguyên liệu như tre, trúc, mây, luồng…
HTX mây tre đan An Khê là mô hình đi đầu của thành phố Đà Nẵng về mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, cạnh tranh trong cơ chế thị trường, HTX luôn đối mặt với thách thức là giá nguyên vật liệu đầu vào luôn luôn cao, khan hiếm, trong khi giá đầu ra của hàng xuất khẩu có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt là thời gian gần đây, xuất khẩu mặt hàng này gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhu cầu của người dân nhiều nước giảm.
‘Bí’ nguồn nguyên liệu
Tương tự, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Thanh Hóa) đang mang về hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ xuất khẩu và tạo việc làm cho 400-500 người. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thắm, cho biết vùng nguyên liệu mây, tre, luồng nhỏ lẻ tại địa phương khai thác thủ công đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giao hàng cũng như quá trình mở rộng sản xuất của HTX. Hiện, HTX phải mua gom nguyên liệu từ nhiều huyện trong tỉnh như: Lang Chánh, Quan Hóa, Như Thanh, Bá Thước… làm gia tăng thời gian, chi phí.
Có thể thấy, tre, trúc, luồng… có vai trò lớn đối với ngành thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu xanh thay thế nhiều chất hoá học. Những cây trồng này đang tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập không ít người dân, thành viên HTX, doanh nghiệp, nhất là tại các làng nghề mây tre đan.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 647 làng nghề đan lát sử dụng nguyên liệu chủ yếu là tre, song, mây, cói… Số lao động tham gia các làng nghề, HTX, tổ hợp tác mây tre đan là khoảng 342.000 người.
Rất nhiều địa phương hiện nay có trồng và phát triển mây, tre, luồng… Tiêu biểu như đã có 37/63 tỉnh có diện tích tre trên 10.000 ha, tương đương khoảng 6,5 tỷ cây. Tại Hòa Bình, diện tích luồng 17.705 ha nhưng theo bà Quách Thị Dung, Giám đốc HTX mây, tre đan xóm Bui (Lạc Sơn, Hòa Bình), luồng trên địa bàn tỉnh do được trồng rất lâu năm, địa phương cũng chưa chú trọng đến chăm sóc nên đường kính cây nhỏ, khả năng đẻ măng thấp.
“Điều này gây khó khăn trong khai thác nên không bảo đảm nguồn nguyên liệu, không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vì nhiều nước yêu cầu đường kính của luồng phải từ 8cm, có chiều cao nhất định”, bà Dung chia sẻ.
TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, cho biết Thanh Hóa có diện tích rừng luồng lớn nhất cả nước với gần 79.000 ha. Nhưng người dân khai thác luồng non đi liền với cường độ khai thác quá mức đã làm giảm số lượng cây trên mỗi bụi, làm khoảng 46% diện tích rừng luồng ở tỉnh này đang rơi vào thoái hóa. Trong khi diện tích rừng luồng xây dựng được chứng chỉ rừng bền vững (FSC) ở Thanh Hóa hiện rất khiêm tốn.
Do chưa bảo đảm nguồn nguyên liệu nên các HTX, làng nghề sản xuất mây tre đan vẫn thấp thỏm đầu vào và ‘đau đầu’ với chi phí nhập nguyên liệu từ vùng khác, thậm chí là nước khác khiến tăng giá thành sản xuất.
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến (Quảng Bình), cho biết với tính chất đa dạng của sản phẩm cùng với phục vụ nhu cầu gia công xuất khẩu nên HTX cần nguồn nguyên liệu mây tre, luồng khá lớn và ổn định. Tuy nhiên, nhiều khi HTX phải nhập nguyên liệu từ Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh… nhưng nguồn thu cũng không lớn, lại đội chi phí.
Lời giải bắt đầu từ nguồn giống
Hiện nay, do nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu được khai thác từ rừng tự nhiên, nhưng do khai thác thiếu quy hoạch khiến nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm, không bảo đảm được nguồn đầu vào ổn định cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất theo quy mô lớn.
Dữ liệu từ Oxfam, cho thấy tại châu Á, nước đứng số một về tài nguyên tre trúc hiện nay là Trung Quốc, thứ hai là Indonesia và thứ ba là Nhật Bản. Còn Việt Nam mới chỉ là nước có khoảng 300 loài tre trúc, chưa thấy có xếp hạng riêng về loại tài nguyên thiên nhiên này.
Điều này khiến không ít người dân và thành viên HTX ngỡ ngàng vì cây tre, trúc đã gắn bó với đời sống và tiềm thức của nhiều người. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết đúng là tre, trúc, nứa gắn bó với nhiều người Việt nhưng thực tế cho thấy tài nguyên tre trúc của Việt Nam chưa lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Điều này một phần là phát triển kinh tế, nhiều vùng đã thay thế tre, nứa, luồng bằng những cây trồng khác khiến tre, nứa chỉ mọc lác đác, rất ít địa phương giữ được rừng tre.
Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu cho các HTX, làng nghề mây tre đan, tập trung vào xây dựng lại vùng nguyên liệu vẫn là điều quan trọng hơn cả. Và điều này cần bắt đầu ngay từ phần giống.
Hiện, Việt Nam có nhiều loài tre trúc nhưng giống cây này vẫn còn chưa được quan tâm nên hầu hết là giống cũ, phát triển theo kiểu đẻ măng và chưa được chăm sóc theo quy trình nên bị sâu mọt nhiều, thoái hóa nhanh, chất lượng và sản lượng kém.
Trong khi các nước phát triển về tre trên thế giới đều có những giống tre nổi bật. Đó có thể là giống bản địa, lai tạo, nhập khẩu nhưng đều có nhiều ưu điểm để phục vụ chế biến, sản xuất, xuất khẩu như khả năng thích nghi cao, dễ nhân giống, dễ khai thác, chất lượng tốt… Chẳng hạn như tre moso của Nhật, mao trúc của Trung Quốc có đặc điểm chung là khả năng thoát thân cao do ít hoặc không nhánh, không cành ở dưới, thân thẳng… từ đó thuận tiện cho khai thác, vận chuyển và phục vụ sản xuất.
TS. Phan Văn Thắng, cho rằng giống cây tốt, ít nhánh, ít cành cũng giúp công tác thu hoạch, khai thác đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí thuê nhân công hơn, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Giống tre Việt Nam hiện nhiều cành, cong, thân dày quá hoặc mỏng quá đều khó có thể làm nguyên liệu cho nhà máy, từ đó không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Chính vì vậy, chú trọng lại ngay từ khâu giống, sau đó từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn FSC để sản phẩm đảm bảo được yếu tố truy xuất nguồn gốc mới có thể giúp các HTX, doanh nghiệp ngành nghề mây tre đan tuân thủ các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp của nguyên liệu sản phẩm.