Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đã bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã. Đặc biệt, Luật loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Tăng tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên chính thức
Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Hợp tác xã năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật đã bổ sung phân loại thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức khác, cá chuyên gia có thể tham gia góp vốn, góp sức lao động, liên kết sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định cụ thể 7 nguyên tắc mang tính bản chất hợp tác xã được Liên minh Hợp tác xã quốc tế đưa ra.
Luật bổ sung quy định Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù. Đây cũng là nguyên tắc số 3 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế. Quy định cụ thể mức trích lập Quỹ tối thiểu từ thu nhập của giao dịch bên ngoài là 5% đối với hợp tác xã, 10% đối với liên hiệp hợp tác xã, nhằm bảo đảm quỹ chung không chia, tài sản chung không chia không ngừng phát triển, thu hút cá nhân, tổ chức tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và tài sản chung không chia được quy định tạo thuận lợi hơn để giúp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có điều kiện đầu tư, tái đầu tư phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia một cách hiệu quả.
Luật trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Quy định tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.
Hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã
Luật bổ sung một Chương về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; hoạt động tài chính ngân hàng phải kiểm toán độc lập. Khuyến khích các tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ. Bổ sung thêm tổ chức quản trị rút gọn (không có Hội đồng quản trị) cho hợp tác xã siêu nhỏ, liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên được lựa chọn áp dụng, giúp tăng cường hiệu quả, giảm chi phí trong quản lý, điều hành các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ít thành viên.
Luật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hoạt động quản lý, điều hành của hợp tác xã như quy định về tổ chức Đại hội thành viên trực tuyến, bỏ phiếu biểu quyết điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức kinh tế tập thể.
So với Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật năm 2023 đã thiết kế một Chương về tổ hợp tác. Các tổ hợp tác khi góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh để thống nhất quản lý nhà nước và áp dụng chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác. Luật bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định rõ địa vị pháp lý của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 20 – NQ/TW là tổ chức đại diện, bảo vệ lợi ích cho thành viên, địa diện cho tất cả các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên phạm vi cả nước.
Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản, số hóa. Bỏ phương án sản xuất kinh doanh, cho phép đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân. Bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm thực hiện giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày. Bổ sung quy định về hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã để quản lý thông tin, báo cáo về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đặc biệt, Luật đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20 – NQ/TW và dành một Chương riêng cho các nhóm chính sách này để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn. Chính sách đất đai. Chính sách thuế và lệ phí. Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm. Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường. Chính sách đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị. Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, tránh trục lợi chính sách, ưu tiên tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.