Nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm, gần đây nhiều nông dân của xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đã thành công cho ếch đồng sinh sản. Việc sản xuất con giống tại chỗ không chỉ giảm chi phí trong chăn nuôi mà nguồn giống đạt chất lượng đảm bảo chăn nuôi hiệu quả. Đây được xem là một trong những mô hình tăng thu nhập, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả mà bà con đang áp dụng.
Năm 2013, một số hộ nông dân ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh manh nha phong trào nuôi ếch thương phẩm, trải qua 10 năm đến nay đã phát triển được 36 hộ với 375 vèo và bồn nuôi ếch thịt với tổng diện tích hơn 9.000m2. Mỗi năm các hộ cung cấp cho thị trường với tổng sản lượng trên 121 tấn ếch thịt, mang lại lợi nhuận khoảng 1,8 tỉ đồng cho các nông hộ. Trung bình mỗi vèo thu hoạch khoảng 300kg ếch thịt, tùy theo thời điểm giá bán dao động từ 35.000-60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi còn lời từ 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình này ngoài phụ thuộc vào giá cả thị trường còn phụ thuộc vào con giống. Theo các hộ nuôi cho biết, trước đây, chủ yếu mua con giống bên ngoài địa bàn, tỷ lệ hao hụt cao do quá trình vận chuyển, điều này cũng làm cho chi phí sản xuất tăng thêm, nếu thu hoạch vào thời điểm giá cả ổn định thì đảm bảo lợi nhuận còn nếu giá ếch thương phẩm ở mức thấp thì rủi ro cao, người nuôi không có lời thậm chí bị lỗ vốn.
Nhận thấy nuôi ếch có hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là những hộ ít đất sản xuất, từ đó, địa phương chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ bà con phát triển và nhân rộng mô hình này. Xác định chủ động con giống là một trong những yếu tố giúp đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro nên địa phương đã vận động các hộ nuôi ếch thành lập Tổ hợp tác với 12 thành viên, đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ về kỹ thuật ươm tạo con giống. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, nói: “Việc thành lập Tổ hợp tác được bà con đồng tình, phấn khởi, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như theo dõi quá trình ươm tạo con giống”.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm của các nông hộ, sau nhiều lần thử nghiệm đến năm 2021 Tổ hợp tác đã thành công trong việc cho ếch sinh sản và ươm nuôi con giống. Ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên Tổ hợp tác, cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất con giống là quá trình chăm sóc ếch bố mẹ, nếu nuôi đạt thì ếch đẻ nhiều trứng và nở tốt, cộng với giữ nhiệt độ ổn định, cho ăn đều độ nòng nọc sẽ lớn nhanh, đồng đều, ít bị xây xát, dị tật. Ếch sinh sản 3 lần/năm, trung bình mỗi bồn diện tích khoảng 24m2 có thể nuôi 40 cặp ếch bố mẹ sản xuất được 10.000 con giống, sau thời gian từ 35-40 ngày tuổi đạt trọng lượng khoảng 10 gram/con là có thể xuất bán ếch giống hoặc cho xuống vèo để nuôi thịt, với giá bán dao động từ 400-600 đồng/con ếch giống, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được từ 2,5-3 triệu đồng. Bà Phạm Thị Hồng Gấm, thành viên Tổ hợp tác, nói: “Gia đình tôi vừa sản xuất con giống bán cho các hộ nuôi trong và ngoài xã vừa để lại nuôi ếch thịt nên thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá. Hiện tôi đang dự kiến mở rộng thêm 10 bồn nuôi ếch giống và ếch thịt giúp tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Việc sản xuất con giống tại chỗ không chỉ giảm chi phí trong chăn nuôi mà nguồn giống đạt chất lượng đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, giảm được rủi ro trong sản xuất. Theo các nông hộ cho biết, quy trình nuôi ếch sinh sản hay ếch bán thịt không khó, chỉ cần chú ý đến độ PH của nước cũng như nhiệt độ môi trường phải giữ mức ổn định và cho ăn điều độ. Đối với sản xuất ếch giống nên chọn giống ếch bố mẹ khỏe mạnh và kích cỡ bằng nhau, khi trứng ếch nở sau 7-10 ngày thì nên kiểm tra và phân loại, tách riêng những con lớn vượt đàn nhằm tránh tình trạng con lớn ăn thịt con nhỏ. Ếch giống tăng trọng nhanh sau mỗi tuần do vậy cũng cần bố trí diện tích nuôi hợp lý về mật độ con giống góp phần đảm bảo hiệu quả.