Ngày 4-4, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”. Diễn đàn là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Tuần lễ hợp tác xã nông nghiệp (HTX) – chào mừng 77 năm ngày HTX Việt Nam”.
Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng Sở NN&PTNT các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, HTX… đã cập nhật, cung cấp thông tin về việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền (SXNNĐĐ), nhất là các thông tin về tình hình thực tiễn tại tỉnh Thái Bình. Đồng thời, cung cấp các thông tin, định hướng mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ chế, chính sách Nhà nước đã ban hành nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển mô hình SXNNĐĐ.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất góp ý các nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong Luật Đất đai và giải pháp nhằm giúp phát huy, nhân rộng mô hình SXNNĐĐ gắn với phát triển HTX và nâng cao chất lượng, thương hiệu cho nông sản một cách bền vững. Theo nhiều đại biểu, mô hình SXNNĐĐ đang được tỉnh Thái Bình và nhiều địa phương trong nước thực hiện rất hiệu quả theo hình thức tập trung đất đai, sản xuất lớn, nhưng không làm thay đổi nhiều vấn đề quyền sở hữu đất đai mà chủ yếu chuyển quyền sử dụng từ người này sang người kia thông qua thị trường thuê, mượn, góp vốn… Mô hình này không chỉ góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị mà còn góp phần chuyển bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động. Đất đai được đưa đến những địa chỉ sản xuất có hiệu quả, cũng như đến với những hộ dân có nhu cầu. Qua đó, giúp giảm lao động ở nông thôn bền vững và phát huy hiệu quả sử dụng đất đai theo hướng chuyên môn hóa nông nghiệp, chuyên nghiệp hóa nông dân…
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình SXNNĐĐ vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Tới đây, ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ… và quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của người dân trong phát triển SXNNĐĐ. Đồng thời, phát triển mô hình SXNNĐĐ cần gắn với phát triển HTX và tăng cường liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan để kết nối, tạo thành các chuỗi giá trị bền vững. Xây dựng và phát triển được thương hiệu cho nông sản nước ta…