Câu chuyện đầm lầy Bài 1: Cuộc đời mới của năn tượng

Mỗi năm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khoảng 1,7 tỉ USD. Theo Innovative Hub, thị trường thủ công mỹ nghệ được dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (Compound Annual Growth Rate – CAGR)  là 10,9% trong giai đoạn 2021-2026, ​​sẽ đạt 1.204,7 tỉ USD vào năm 2026.

200 chị em phụ nữ ở Hòa Tú có việc làm mỗi ngày tại các tổ hợp tác

Chuyện 1 năm ở Vĩnh Thuận

Chị Trần Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nói: Năm ngoái, 213 chị em tham gia 9 lớp học nghề đan đát, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phát Ðỉnh được thành lập – vốn 200 triệu đồng – 200 lao động có việc làm thường xuyên sau khi dự án Mekong Conservancy Foundation (MCF) dạy nghề trồng và đan giỏ từ năn tượng.

Lao động địa phương tạo ra 21 loại sản phẩm tiêu biểu, trong đó có sản phẩm của HTX Phát Ðỉnh. 105 gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo có việc làm; cuối năm, 35 gia đình trong số này thoát nghèo.

Mọi thứ diễn ra trong vòng một năm, thực sự là kỳ tích vì lâu nay, chị em ở đâu đó vẫn được học nghề đan lục bình, tre trúc… nhưng để thoát nghèo thì phải từ từ.

Trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng (Scirpus littoralis Schrad) là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra. Thuận thiên là một quá trình rất là dài chúng ta nói nhiều về xung đột, mâu thuẫn. Tạm gác chuyện đó để tìm cho được giải pháp. Chưa dám nói năn tượng sẽ mang lại lợi ít kinh tế lớn cỡ nào, nhưng có vẻ như ở đây đã thuận ông Trời và thuận lòng người. TS Dương Văn Ni, Chủ tịch kiêm Giám đốc MCF, nói tiếp: “Bữa hổm mình đi là chỗ đất không đủ ngọt nữa nên mới chuyển qua cây năn tượng vì cây này nó chịu được mặn. Bữa nay, mình tới chỗ không đủ mặn nữa nên phải lựa chọn mô hình gì cho nó phù hợp. Ðó là mô hình trồng năn gắn với nuôi tôm càng xanh. Khi mình làm mô hình nào thì định hình thị trường – các sản phẩm tham gia cái rổ hàng hóa, lao động, việc làm. Năn tượng mà chỉ nghĩ nội địa thì không ổn, phải tính việc sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu, còn con tôm càng thì tiêu dùng nội địa là được rồi. Cũng có bạn muốn làm thành sản phẩm tôm kho tàu đóng hộp xuất khẩu khi quy mô đủ lớn, nhưng mọi việc cần đo lường cơ hội thị trường, năng lực cạnh tranh chứ không có gì phải vội vàng”.

“Khi báo chí nói nhiều về cỏ năn tượng như một phép mầu, mấy hôm nay người mua hàng đòi giảm giá” – TS Ni cho hay.

Giá mà ai cũng hiểu sự định hình, chuyển đổi và cái giá phải trả trong suốt thời gian dò tìm con đường sống cho năn tượng gắn với con tôm càng xanh và tạo việc làm lao động vùng này.

“Hiện nay hơn 14.000 chị em được tư vấn học nghề và dự án MCF có hình mẫu là HTX Phát Ðỉnh”, chị Thanh Hoa nói, “mọi ý định phải nương theo thực tế ở địa phương, kiên trì và phải chứng minh hiệu quả. Hội động viên nhau, phụ nữ nông thôn phải chứng minh mình không phải phái yếu mà là phái đẹp vì mình làm ra sản phẩm mỹ nghệ mà”.

Từ lâu, trong các đầm lầy vùng ven biển, cỏ năn tượng là loài vô dụng. Cùng là họ cói lát mà “người” thì được dệt chiếu… vào đời chăn chiếu hay đan giỏ xuất khẩu đem ngoại tệ, còn năn tượng thì phải phát bỏ!

“Chính cách người ta tận diệt dữ lắm mà nó không chết nên tôi để ý năn tượng”, TS Dương Văn Ni nói: “Mất hơn 20 năm, năn tượng mới có một cuộc đời mới. Hổng phí hồi nhỏ đi chăn vịt, nhìn cây cỏ xứ mình biết cây này sống ở đây, nó có ích gì?”.

Cỏ năn tượng có khả năng lọc sinh học, tự nó lấy Oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ. Nắng gắt chừng nào thì nó làm việc hăng chừng nấy. TS Ni từng điều hành Trung tâm Nghiên cứu đất phèn Hòa An, đã giải mã giá trị năn tượng và phát hiện cách “Trời cho” mà lâu nay mình không biết.

Từ năm 2003 tới 2006, thí nghiệm tại Cà Mau, Kiên Giang, năn tượng có sức thuyết phục về khả năng làm sạch nguồn nước. Năm 2007, truyền thông trong nước đã loan tin năn tượng đang có giá ở Quảng Ðông, Phúc Kiến và vài thương nhân nói nguồn mây rừng đang khan hiến, năn tượng đang lên ngôi.

Năn tượng trở thành phát hiện tuyệt vời trong cuộc tìm kiếm “cascadeur” sẵn sàng thế vai khi nguồn mây tre thiếu hụt! Ngành đan đác mỹ nghệ hút hàng, nhưng cách nghĩ này khó thay đổi cuộc đời năn tượng. Ngược lại, vùng nuôi thủy sản thâm canh thì cần gì năn tượng. Lắp hệ thống sục khí là xong cần gì giữ năn tượng để tạo môi trường thuận lợi cho tôm, cua, cá…

Nhiều người từ Bình Dương tháo chạy về quê, túng bấn sau cơn đại dịch không biết phải làm gì. Những vuông tôm ở Hòa Tú xất bất xang bang sau mấy mùa “sú thất” đành bỏ vuông trống mấy mùa. Năn tượng thực sự là đòn bẩy cho ý tưởng thay đổi sinh kế, là giải pháp thoát khỏi xung đột giữa “sú thất” và tăng thu nhập bền vững.

Một ngày ở Hòa Tú

Cỏ này mọc đầy ở Cà Mau, diệt muốn chết còn đem về đây trồng làm gì? Xung đột hiện hữu trong cách suy nghĩ của những người từng thất bại đang mong ngóng thành công kiểu phép mầu.

Không có phép mầu nào cả, chỉ có làm với tất cả bằng chứng từ mảnh ruộng của ông Hai Mật. Người chịu bom đạn, chiến đấu vì mảnh đất này. Chị Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên, con gái ông Hai Mật, nói: Ngày đầu gặp thầy Ni, hổng biết sao thấy rất là tin tưởng. Em chỉ nghĩ tới những chị em ở đây “không biết làm gì” và muốn biết Cà Mau, Kiên Giang thay đổi kiểu nào. Tham quan mô hình MCF ở các tỉnh trở về, chị Hồng Ni thú thiệt ngày đầu bàn với gia đình. Ông xã đã bàn ra “Coi chừng bị người ta lừa, ai đời năn tượng diệt không xuể mà mình trồng”.

Tháng giêng ở Hòa Tú, ruộng năn tượng do MCF chở giống từ Cà Mau về trồng ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng lên xanh rì, trổ bông. Ông Hai Mật (Trần Văn Mật), 73 tuổi, đồng ý cho con gái cấy năn tượng trên ruộng, thừa nhận ở đây mùa màng thất bát dân đi tứ xứ hết rồi nên giá thuê nhân công cao lắm, phân bón thì mắc, làm ruộng không có cơ giới hóa, mần hoài nghèo hoài, nuôi tôm (sú) cũng thất.

“Con gái tui xin: cha cho con trồng năn tượng trên đất nhà chứ ba tuổi cao rồi trồng lúa, nuôi tôm quảng canh mà hiệu quả kém, sau này lấy gì dưỡng già”, ông Hai Mật cũng nghĩ ngợi dữ lắm vì chòm xóm nói ra nói vô: “Ðem mấy đồ yêu (tinh) này về trồng, một tuần chết hết. Sống thì cũng không có ai mua”.

Tháng thứ tư sau ngày cấy năn tượng, nhìn nước sạch sẽ hơn, chim cò quay về đây nhiều. “Môi trường để thả tôm, cua chắc chắn hơn nhiều”, ông Hai nói: “3 tháng đầu bắt cá lóc tự nhiên trong vuông mấy chục ký. Tháng tới làm sạch cá sẽ thả tôm”, ông hai Mật vui lắm khi nhìn mảnh ruộng cấy năn tượng đầu tiên ở Hòa Tân.

Ông hai Mật tự so sánh thu nhập của 1 công lúa tính theo tầm cấy (1.296m2) và thu nhập từ năn tượng thấy khỏe hơn gấp 10 lần. Giá năn tượng tươi khoảng 600-700 đồng/ký, sau khi phơi khô là 8.000-10.000 đồng/ký. Mỗi công đất trồng năn tượng có thể thu hoạch 1 tấn năn tượng khô, giá trung bình 8 triệu đồng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ. Năn tượng tạo lợi nhuận bứt phá so với trồng lúa, nguồn nước an toàn cho tôm, cua cá… tạo việc làm và sản phẩm cung ứng xuất khẩu –  hệ sinh thái đó mới là giá trị mong muốn của cả ngàn người tham gia chương trình hành động mang tên
năn tượng.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV MCF – người kết nối nguồn lực phát triển dòng sản phẩm mỹ nghệ của các tổ hợp tác ở Hòa Tú, nói “Suy nghĩ rất nhiều về cách thay đổi sinh kế theo hướng khác, cam go nhưng cuối cùng chúng tôi đã định hình được mô hình này, giống chuyển từ cà Mau về, mai mốt bà con sẽ sử dụng nguyên liệu do mình trồng. Ruộng có thể nuôi tôm cá, cua tùy theo ý muốn của bà con. Trong suốt quá trình đó, diện tích đăng ký mở rộng năn tượng tới đâu, MCF sẽ hỗ trợ kỹ thuật đến đó. Hỗ trợ chứ không đưa tiền, không phong bì mời đi học nghề và mọi người cũng không phải tốn phí đồng nào.

HTX MCF Mỹ Quới, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, vùng trồng lúa nghèo trăm năm đang vận hành theo hướng đó – phát triển vùng trồng năn tượng, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ việc khám phá giá trị tài nguyên bản địa và tạo việc làm ở nông thôn do Quỹ MCF hỗ trợ. Tháng 8 năm ngoái, đoàn cán bộ Trường Ðại học Fulbright Việt Nam và Ðại học Cần Thơ khảo sát mô hình, gợi ý ứng dụng công nghệ quản lý vùng trồng.

“Tới HTX Mỹ Quới rồi, về nhà nói rõ để có sự đồng thuận trong gia đình. Bây giờ, người lo mọi việc giúp Ni là ông xã đó chứ”, chị Hồng Ni trả lời.

Theo Báo Cần Thơ

All in one
Lên đầu trang