Phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ được Hội Nông dân (HND) huyện Phong Ðiền triển khai thực hiện nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả được thành lập, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống hội viên, nông dân. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) nhãn Nhơn Nghĩa là một minh chứng cho sự thành công của mô hình kinh tế tập thể.
Trước khi trồng nhãn Idor, 1ha vườn của ông Phạm Văn Lơ từng trồng nhãn da bò, thu nhập khá cao. Tuy nhiên, vào năm 2011-2012, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn da bò khiến năng suất bị tụt giảm, giá cả bấp bênh, không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2014, ông Lơ được HND huyện Phong Ðiền tổ chức đến tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả ở Vĩnh Long và nhận thấy giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Cuối năm đó, ông đốn bỏ nhãn da bò để trồng 350 nhánh nhãn Idor trên diện tích 1ha. Ông Lơ nhớ lại: “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý nhãn ra hoa và kỹ thuật chăm sóc nên vụ nhãn đầu tiên thu hoạch được 5 tấn trái, bán với giá 20.000 đồng/kg. Những năm sau đó, vườn nhãn tiếp tục tăng năng suất và cho hiệu quả rất cao”. Hiện nay, vườn nhãn của ông Lơ trái xum xuê và đang trong giai đoạn thu hoạch. Ông Lơ phấn khởi nói: “Năm nay, tôi và nhiều xã viên ở đây trúng mùa, được giá. Tôi thu hoạch được hơn 20 tấn trái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời trên 500 triệu đồng”.
Thấy ông Phạm Văn Lơ thành công với mô hình trồng nhãn Idor, nhiều nông dân trên địa bàn xã mạnh dạn phá bỏ những vườn cây ăn trái kém hiệu quả để trồng nhãn Idor. Mô hình trồng nhãn Idor trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa ngày càng được nhân rộng. Năm 2014, được sự giúp đỡ của HND xã Nhơn Nghĩa, Câu lạc bộ trồng nhãn Idor ấp Nhơn Phú 1 được thành lập. Câu lạc bộ có 24 thành viên, canh tác với diện tích 18,5ha, do ông Lơ làm Chủ nhiệm. Nhờ làm ăn hiệu quả, năm 2018, câu lạc bộ được “nâng cấp”, thành lập HTX nhãn Nhơn Nghĩa.
Từ khi thành lập HTX, nhiều xã viên đã được HND xã Nhơn Nghĩa phối hợp các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Idor nên năng suất đạt khá cao. Ông Nguyễn Văn Hòa, xã viên HTX nhãn Nhơn Nghĩa, nói: “Với diện tích 3 công trồng nhãn Idor, vừa qua tôi thu hoạch được trên 3 tấn trái, trừ chi phí, tôi còn khoảng trên 30 triệu đồng. Hiện tại, còn hơn 4 công đang trong giai đoạn cho trái. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nhãn Idor, tôi đã chủ động xử lý nhãn ra hoa nghịch vụ nên bán được giá cao”. Theo ông Hoàng, để năng suất nhãn Idor cao, khi trái nhãn lớn gần bằng đầu ngón tay, phải tỉa bỏ bớt, chừa số lượng thích hợp để trái nhãn to, hình dáng đẹp, màu sắc bắt mắt, bán được giá cao. Sau khi thu hoạch, tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Ðiều quan trọng là người trồng nên đầu tư chăm sóc để cây khỏe và phun thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật nhằm hạn chế bệnh hại cây nhãn.
Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch HND xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX và 2 tổ hợp tác trồng cây ăn trái. Nhìn chung các xã viên, thành viên trong HTX và tổ hợp tác làm ăn hiệu quả, cho thu nhập ổn định. HTX nhãn Nhơn Nghĩa luôn được HND xã quan tâm tạo điều kiện cho các xã viên vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn Idor. Hiện tại, cây nhãn Idor được xem là cây ăn trái chủ lực trên địa bàn xã vì cho lợi nhuận khá cao. Sắp tới, HND xã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; đồng thời, phối hợp các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Idor cho hội viên”.