Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương và siêu thị 

Thời gian qua các địa phương nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mở rộng tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó nổi bật là tổ chức các chương trình giao thương, kết nối tiêu thụ với các hệ thống bán lẻ lớn và giữa các địa phương. Nhờ đó, hàng hóa nông sản, sản phẩm OCOP của mỗi địa phương có cơ hội mở rộng thị trường.

Khách hàng mua trái cây Việt tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Tại Siêu thị GO! Cần Thơ, những sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Nông sản xanh (quận Cái Răng); HTX rau Long Tuyền (quận Bình Thủy); trái cây của HTX Thuận Phát (huyện Thới Lai); chả cá của HTX Nhất Tâm đang bày bán và được người tiêu dùng chọn lựa. Với mặt hàng rau, củ, quả bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 150kg, hơn 200kg trái cây, chả cá cũng gần 100 kg/ngày. Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Siêu thị GO! Cần Thơ, cho biết, thông qua chương trình kết nối do TP Cần Thơ tổ chức, siêu thị đã có được hàng hóa nông sản của TP Cần Thơ đưa vào kinh doanh. Các sản phẩm nông sản của các HTX tại TP Cần Thơ đưa vào siêu thị chất lượng tốt, hình ảnh bao bì đẹp mắt, giá cạnh tranh… nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Theo kế hoạch phát triển, dự kiến đến năm 2025 tại miền Tây có 9 siêu thị GO! và trạm thu mua, phân phối nông sản miền Tây tại TP Cần Thơ.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, phát huy những kết quả tích cực từ các chương trình kết nối, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các chủ thể OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Ðồng thời, tạo điều kiện để sản phẩm thế mạnh, đặc sản và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận, kết nối các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài thành phố, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mới đây, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản của các hệ thống các bán lẻ: Co.opmart, Co.op Food, HTV Co.op,… tổ chức hội nghị nhà cung cấp năm 2023 với sự tham gia của gần 600 đối tác, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại hội nghị, Saigon Co.op và các nhà cung cấp cùng xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ Việt Nam, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của khách hàng, đem lại cho khách hàng sự tiện lợi, an toàn và các giá trị cộng thêm. Trong khuôn khổ hội nghị, Saigon Co.op đã tiến hành ký kết hàng loạt hợp tác phát triển toàn diện cùng các nhà cung cấp.  

Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất cả nước. Năm 2022, đơn vị dẫn đầu thị trường bán lẻ, chiếm 35,8% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, doanh thu hơn 31.000 tỉ đồng, đón tiếp 1.000.000 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Saigon Co.op đã hình thành nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú trên nền tảng cốt lõi là phân phối bán lẻ với hơn 800 điểm bán trên 43 tỉnh thành, bao gồm: kết nối các mô hình hợp tác xã, thành lập công ty logistics, xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất, thương mại điện tử, khai thác và kết nối các vùng nguyên liệu.

Ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op đặt doanh số phấn đấu năm 2023 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022; phát triển 50-60 điểm bán mới; thương mại điện tử tăng 50% so với cùng kỳ năm trước… Mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng. Ưu tiên hàng đầu của Saigon Co.op là kết nối bền chặt với các nhà cung cấp, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Cụ thể, Saigon Co.op cam kết cùng các nhà cung cấp hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: hợp tác về cung ứng hàng hóa – giá cả và bình ổn thị trường; hợp tác xanh cùng Saigon Co.op; hợp tác vì cộng đồng – xã hội; hợp tác đẩy mạnh thương mại điện tử; hợp tác phân phối hàng hóa; phát triển hàng nhãn riêng và bếp tập trung. Ðặc biệt, Saigon Co.op đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và trong chăm sóc khách hàng, qua đó mở rộng kết nối giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt trong toàn hệ thống Saigon Co.op.  

Tập đoàn Central Retail (đơn vị chủ quản các hệ thống bán lẻ GO!, Big C, Tops Market) luôn đồng hành phát triển hàng Việt, thông qua các sự kiện kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư tại các vùng, miền trên cả nước. Ðể có được những sản phẩm chất lượng tốt nhất, khi tham gia các sự kiện, đại diện bộ phận thu mua thuộc các ngành hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm tươi sống của Central Retail đã trực tiếp trao đổi với các nhà cung cấp tiềm năng các quy trình vào hàng siêu thị, góp ý các loại giấy tờ, hồ sơ chào hàng; góp ý cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm sao cho phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại cũng như cung cấp địa chỉ và đầu mối liên hệ… Kết nối với Central Retail, hàng hóa không chỉ đưa vào chuỗi siêu thị bán lẻ của tập đoàn trên toàn quốc mà còn có cơ hội xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết: Với thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, thời gian qua, Central Retail luôn đồng hành cùng người nông dân và các HTX trong việc đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá thương hiệu cho các mặt hàng trái cây, nông sản các loại ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

LOTTE là doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2008. Sau chặng đường 14 năm, LOTTE Mart có hệ thống 14 siêu thị trải dài từ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Ðà Nẵng, Bình Dương, Phan Thiết, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang và trở thành điểm đến được lựa chọn của hơn 20 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Ðại diện LOTTE Mart cho biết, đơn vị đang kinh doanh với hơn 30.000 mặt hàng từ thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang, điện máy… Ðây là những mặt hàng mà các doanh nghiệp trong nước có thế mạnh. Chính vì vậy, LOTTE luôn muốn mở rộng, tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ LOTTE Mart. Khi kết nối với các nhà cung cấp Việt Nam, các doanh nghiệp lớn đều có kinh nghiệm trong hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lúng túng trong giai đoạn đầu khi đưa hàng vào siêu thị. Nguyên nhân chuỗi siêu thị hiện đại đều có tiêu chuẩn chặt chẽ, quản lý chất lượng, hồ sơ công bố, truy xuất nguồn gốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, để việc kết nối giữa các địa phương và các hệ thống bán lẻ được bền vững, bên cạnh hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, các địa phương cần hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với doanh nghiệp quốc tế, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Nam

All in one
Scroll to Top