Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tiệm cận dần thông lệ quốc tế

Đánh giá của Đại sứ Canada tại Việt Nam, ngài Shawn Perry Steil về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Ngài Shawn Perry Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam

Ông cho rằng, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã tiệm cận dần thông lệ quốc tế, với các chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; ưu đãi thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro…

Là một trong những quốc gia viện trợ lớn nhất cho Việt Nam phát triển khu vực kinh tế hợp tác, ông đánh giá thế nào về khu vực kinh tế này?

Canada đã có 20 năm hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam phát triển khu vực kinh tế hợp tác, nên chúng tôi có những hiểu biết nhất định về khu vực kinh tế này. Cụ thể, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, hợp tác xã (HTX) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực. Thậm chí, HTX còn gặp khó khăn hơn so với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

HTX không chỉ là tổ chức kinh tế cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thành viên nhằm trợ giúp thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập…, mà còn phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, nên phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là phải cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp.

Vì vậy, song song với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho thành viên, HTX còn phải nâng cao cả chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, tức là HTX phải gánh cả 2 vai. Muốn làm tròn vai, không có cách gì khác, HTX phải tăng quy mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (nhất là đội ngũ lãnh đạo), tái cơ cấu tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh áp dụng khoa học – công nghệ (đặc biệt là công nghệ đáp ứng với đòi hỏi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0). Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, hạ giá thành, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã sản phẩm hàng hóa.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, so với doanh nghiệp, kinh tế tập thể vẫn “ngồi chiếu dưới”. Vì vậy, để tự thân thì HTX không thể phát triển được?

Ở khu vực doanh nghiệp, khi thấy có điều kiện đầu tư, kinh doanh lĩnh vực nào đó có hiệu quả, cá nhân, nhóm một vài cá nhân hoặc doanh nghiệp đang hoạt động có thể bỏ tiền, vay mượn, huy động để đầu tư ngay. Nhưng sự hình thành HTX lại khởi nguồn từ sáng kiến của cộng đồng một nhóm người và phải tập hợp được ít nhất 7 người (theo luật hiện hành).

Ngoài ra, những người “chung chí hướng” với ý tưởng tốt đẹp là hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thường có rất ít vốn liếng; trình độ tổ chức, vận hành một tổ chức kinh tế, đặc biệt là sự am hiểu về kế toán, hạch toán, tài chính, kinh nghiệm thương trường hầu như không có, nên rất cần sự hỗ trợ của bàn tay hữu hình là Nhà nước.

Rất mừng là Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế tập thể. Những chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế này trong Dự thảo đã và đang tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất, như chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; ưu đãi thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro…

Luật Hợp tác xã hiện hành cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng thực tế thì giữa chính sách và thực thi chính sách có khoảng cách rất lớn. Vì thế, khu vực kinh tế này phát triển không như mong muốn?

Có lẽ, không riêng gì Luật Hợp tác xã ở Việt Nam, mà luật nào cũng có vấn đề ở khâu thực thi, đưa chính sách vào cuộc sống. Luật pháp, cơ chế, chính sách chỉ tạo ra nền tảng để phát triển, còn phát triển mạnh đến mức nào phụ thuộc rất lớn trong việc áp dụng vào thực tiễn, cụ thể là hành động của các bộ, ngành, địa phương.

Kinh nghiệm ở Việt Nam có điều rất hay là bất cứ cơ chế, chính sách nào dù khó đến đâu, nhưng nếu từ Trung ương đến địa phương thực sự quyết tâm, nói như người Việt là “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, đều thành công, thành công ngoài dự kiến. Công cuộc chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội hậu Covid-19 là minh chứng rõ nhất.

Với khu vực kinh tế hợp tác, Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng đặt ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng đúng là khi thực thi, nhiều địa phương chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của khu vực kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào thực sự quan tâm đến kinh tế tập thể, thì nơi đó HTX phát triển, dần khẳng định vị thế trong việc cung cấp sản phẩm hàng hóa cho thị trường và ngày càng tham gia sâu hơn vào xuất khẩu nông sản.

Từ những bài học này, tôi tin rằng, khi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm, thì các bộ, ngành, địa phương sẽ thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể.

Như thế vẫn chưa đủ, thưa ông?

Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là chất xúc tác, là điều kiện cần, còn để thành công, thì bản thân đội ngũ cán bộ lãnh đạo và từng thành viên HTX phải nỗ lực, quyết tâm. Thành viên của HTX phải nhận thấy rằng, sự hợp tác, phối hợp, kết hợp với nhau trong sản xuất, kinh doanh sẽ phát huy được thế mạnh của từng thành viên, mới tận dụng tối đa những ưu đãi, cơ chế chính sách hỗ trợ mà Luật Hợp tác xã tạo dựng.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nâng tỷ trọng cung cấp dịch vụ, hàng hóa ra bên ngoài sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu của xã viên. Theo đó, HTX gắn chặt với thị trường, nên lãnh đạo và thành viên phải nhận thấy rằng, nếu tận dụng tối đa các cơ chế, chính sác ưu đãi, hỗ trợ, thì khả năng cạnh tranh rất cao, qua đó thu nhập của xã viên sẽ được nâng cao.

Theo ông, ở Việt Nam hiện nay, những lĩnh vực nào là thế mạnh để các HTX phát triển?

Tất cả các ngành và lĩnh vực từ nông nghiệp, vận tải, y tế, bảo vệ môi trường… đều là những lĩnh vực mà khu vực kinh tế hợp tác đều có thể tham gia và hoạt động tốt. Ở Việt Nam, khu vực nông nghiệp là thế mạnh rất lớn để HTX đầu tư và thực tế đã chứng minh có nhiều HTX thành công trong khu vực này. Ngoài nông nghiệp, có rất nhiều lĩnh vực khác mà khu vực HTX có thể đầu tư, kể cả lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành cho doanh nghiệp là công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính, tín dụng.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến lĩnh vực du lịch vốn xưa nay chỉ có khu vực doanh nghiệp tham gia, nhưng với đất nước có rất nhiều tiềm năng du lịch, nhiều danh thắng văn hóa, bãi biển đầy nắng và gió chưa được khai thác hết, thì đây cũng là lĩnh vực mà khu vực kinh tế hợp tác cần phải tham gia, đặc biệt là người dân ở các bản làng kinh doanh dịch vụ homestay. Nếu “mạnh ai nấy làm”, thì hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với việc tập hợp nhau lại trong tổ chức HTX, để cùng kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, văn hóa truyền thống, sản phẩm handmade độc đáo cho khách du lịch.

baodautu.vn

All in one
Lên đầu trang