Thực hư câu chuyện HTX trồng lúa có lãi trên 100%

Với mức thu mua trung bình 6.500 đồng/kg thóc hiện nay, nông dân, thành viên HTX sản xuất lúa gạo có lợi nhuận tương đối thấp, chỉ khoảng 20 – 30%, bởi chi phí phải bỏ ra để sản xuất ngày càng đội lên, khiến giá thành ngày càng cao. 

Trong báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Công Thương đã có đánh giá chung: lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.

Dẫn chứng về vấn đề này được Bộ Công Thương đưa ra đó là, giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg. Song, mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg, như vậy người nông dân có lợi nhuận trên 100%.

Chỉ lãi khoảng 30%

Trước đánh giá trên của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch HĐQT HTX Toàn Phát (Cần Thơ) cho biết giá lúa hiện nay tại địa phương ở mức 6.200- 7.600 đồng/kg, tùy từng loại. Tính mức chi phí giá đầu vào, máy móc, thuê lao động, lao động nhà, lãi vay ngân hàng thì vào khoảng 5.100 đồng/kg. Như vậy, nếu chưa tính tiền thuê đất để canh tác, người dân chỉ lãi khoảng 1.100-2.500 đồng/kg thóc.

Ông Thạch Vuông, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa ấp Cós Xoài (Trà Vinh), cho biết người dân làm lúa đang phải bỏ tiền ra cho rất nhiều khoản như: chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), chi phí lao động (làm cỏ, dặm, công rải phân, công phun thuốc, khử lẫn), chi phí cho công lao động nhà. Ngoài ra còn các chi phí tăng thêm (bơm nước, thuê máy cày, máy cắt, lãi ngân hàng, tiền thuê đất làm lúa, tiền phí, lệ phí, tiền bao đựng thóc, vận chuyển thóc…).

Với những mức chi này, người trồng lúa phải bỏ ra ít nhất 6.000-6.300 đồng/kg. “Như vậy, số tiền lời làm lúa chỉ khoảng trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng phải đảm bảo đạt năng suất, lúa không bị mất mùa”, ông Vuông nói.

Thực tế cho thấy, rất khó để người dân, thành viên HTX trồng lúa gạo có thể lời 100% vì một lý do đơn giản là nông dân, thành viên HTX phần lớn không trực tiếp bán được lúa, gạo cho các doanh nghiệp, mà các thương lái hiện vẫn là kênh mua chính và chi phối giá lúa của nông dân.

Ngay như An Giang là một trong những vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long và đang coi trọng phát triển chuỗi liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp nhưng mới chỉ có khoảng dưới 10% diện tích lúa của tỉnh được thu mua theo chuỗi.

Trong khi nông dân, thành viên HTX là người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, nhưng lại chưa được quyền quyết định giá bán. Với mức giá trung bình khoảng 6.500-6.650 đồng/kg hiện là mức thu mua của các doanh nghiệp hoặc một số thương lái lớn. Còn giá mua của những người thu mua nhỏ lẻ như hàng xáo thì còn thấp hơn nữa.

Rất nhiều chi phí kéo giảm lợi nhuận của người trồng lúa.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp một số địa phương, giá thành sản xuất lúa là 3.219 đồng/kg theo dẫn chứng của Bộ Công Thương chỉ là con số cứng nhắc và có phần dập khuôn theo lý thuyết. Còn thực tế sản xuất trên đồng ruộng, giá thành sản xuất của HTX còn cao hơn nhiều, nhất là phải thu hoạch lúa trong điều kiện mưa dầm, bão lũ, thiếu xuồng, ghe, nhân công…

Việc người dân, HTX có thể lãi 20-30% được cho là hiện đang là vụ thu hoạch Đông Xuân. Chất lượng lúa gạo vụ này được đánh giá cao hơn cả vụ Hè Thu và vụ thứ 3 (mở rộng). Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, lạm phát nên nhu cầu thu mua gạo cao hơn.

Đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho người trồng lúa

Còn nếu thời gian tới, lúa Hè Thu và lúa vụ 3 mở rộng thì không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân, thành viên HTX cũng biết chất lượng lúa thời điểm này không cao và khó bán buôn. Nếu trúng mùa thì thường hay rơi vào quy luật mất giá nên khó có thể vượt mức lãi khoảng 30% như hiện nay chứ chưa nói đến lãi 60-70% đến trên 100%.

Nhiều người dân, HTX chuyên trồng lúa cho biết sản xuất lúa vụ Hè Thu lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro đẩy giá thành lên cao. Còn sản xuất lúa vụ 3 là cũng chính là vừa sản xuất vừa đánh bạc với trời vì thường bị mưa dầm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng nếu không trồng lúa thì họ không biết làm gì. Dù có chuyển đổi sản xuất cũng chỉ được thực hiện trên diện tích nhỏ và trong thời gian nhất định.

Trong khi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không ít mô hình sản xuất lúa gạo của HTX đã có năng suất gần như kịch khung, trung bình 6 – 7 tấn/ha. Còn giá lúa gạo hiện nay đã tăng nhưng chưa tăng bằng với mức giá người dân, HTX phải bỏ ra để sản xuất. Chính vì vậy, người dân, HTX sản xuất lúa khó lời lãi nhiều.

Trước thực trạng trên, cơ quản quản lý nhà nước cần xem xét điều hành giá lúa gạo sao cho hợp lý, đảm bảo cho nông dân, HTX trực tiếp làm ra lúa gạo phải có lời trên 50%.

Có ý kiến cho rằng việc tăng giá lúa gạo là rất khó vì Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu, không phải muốn là có thể tăng giá được. Tuy nhiên, cần có cái nhìn thực tiễn hơn bởi ở Thái Lan, cơ quan quản lý của nước này đã có giá sàn cho lúa gạo và buộc đơn vị mua phải mua theo giá đó. Nếu họ không mua, nhà nước sẽ mua lại của người dân và HTX.

Đặc biệt, mức giá sàn mà Thái Lan đưa ra, nếu nhân dân, HTX không muốn bán vẫn có kho cho ký gửi, có cả sân phơi. Thời điểm giá lúa cao, người dân có thể bán. Vì vậy, xuất khẩu lúa gạo của Thái Lan rất khó bị ép giá.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top