Ngày 17-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ chủ trì phối hợp với Hội Nông dân TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “liên kết tiêu thụ chuỗi ngành hàng lúa gạo và rau tại TP Cần Thơ”. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân gặp gỡ, trao đổi thông tin để thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững các chuỗi ngành hàng lúa gạo và rau màu.

Ðến nay, nông dân đã liên kết, hình thành được nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và mô hình “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa và vùng trồng rau màu tập trung, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao. Hiện thành phố có 38 HTX sản xuất lúa và 17 HTX sản xuất rau màu… Thông qua các tổ hợp tác và HTX, các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo và rau màu với giá cao nhờ bán được vào các siêu thị và xuất khẩu sang các thị trường khó tính (như Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc…). Song, nhiều diện tích sản xuất rau màu, lúa gạo tại thành phố vẫn còn tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi thô thông qua thương lái vì chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Nông dân tại nhiều nơi cũng còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường về chất lượng, số lượng, từ đó giá bán sản phẩm thấp và chưa ổn định. Do vậy, các hộ dân và HTX rất cần liên kết hợp tác với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo và rau màu bền vững, giúp mang lại giá trị gia tăng cao.
Tại hội thảo, bên cạnh cập nhật, cung cấp các thông tin về thị trường tiêu thụ và nhu cầu liên kết hợp tác của các HTX, nông dân và doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo và rau màu, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp và cách làm hay. Ðể tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo và rau màu, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây ngành chức năng thành phố cần tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp. Hỗ trợ nông dân trong tổ chức lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phù hợp hơn để giảm chi phí, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Ðặc biệt quan tâm giảm sản xuất lúa 3 vụ, thay vào đó chỉ làm 1-2 vụ lúa trong năm, còn lại luân canh trồng rau màu hoặc nuôi thủy sản để sản xuất ít tốn chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…