HTX vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng
Cuối năm là thời điểm các HTX rất cần nguồn vốn để tăng tốc sản xuất kinh doanh. Song, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng, điều kiện vay khắt khe… đang tạo áp lực không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các HTX.
Bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (Sóc Trăng), cho biết các thành viên và người lao động trong HTX đang chạy đua hoàn thành một số đơn hàng tôm kho cá lóc để kịp giao cho khách hàng ở TP HCM. HTX cũng đang có nhu cầu nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô sản xuất cũng như dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm từ tôm, cá lóc, cá sặc bổi.
Kìm hãm sự phát triển của HTX
“Hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu tăng nên rất cần sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn ưu đãi để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều năm, HTX vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi”, bà Thoa nói.
HTX khó tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng như vậy nhưng thực tế cho thấy nguồn vốn của hệ thống ngân hàng không hề hạn hẹp. Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay còn khoảng 1%. Bên cạnh đó còn chưa tính đến 1,5 – 2% hạn mức tín dụng cấp thêm cho hệ thống ngân hàng vào tháng 11.
Vậy vấn đề sâu xa của thực trạng trên là ở đâu? Theo đại diện của các HTX, việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phần lớn nằm ở thủ tục vay quá khắt khe, nhiêu khê, thậm chí triển khai không thống nhất trong hệ thống ngân hàng. Điều này khiến cho nhiều chính sách ưu đãi về vốn của Nhà nước không đến được với các HTX.
Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX thủy sản Cường Thịnh (Lạng Sơn), cho biết cuối tháng 12 vừa qua, khi làm việc với ngân hàng HTX được biết, ngoài yêu cầu phải có tài sản đảm bảo thì HTX phải làm hồ sơ, báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh, dòng tiền… mà HTX khó đáp ứng. Bên cạnh đó, ban giám đốc thành viên HTX không đủ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng các phương án kinh doanh, đề án thu hút nguồn vốn nên không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo đó, các thủ tục, yêu cầu khắt khe, lai suất cao… khiến không ít HTX tiếp cận được với nguồn vốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều HTX nản lòng và bỏ ý định tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Bà Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Hà Nội), cho biết HTX đã bỏ ý định vay vốn ngân hàng bởi lãi suất có nơi lên đến 13%/năm. Đó là chưa kể các thủ tục và chi phí phát sinh nên qua tính toán, HTX thấy nếu vay được thì đầu tư cũng không thực sự hiệu quả. “Khó tiếp cận vốn chính là điều khiến các HTX đuối sức, khó theo kịp các thành phần kinh tế khác”, bà Thông chia sẻ..
Tạo điều kiện cho HTX "nuôi nợ"
Chuyện HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề muôn thuở trong suốt thời gian qua vì ngân hàng tổ chức tín dụng, cần những điều kiện cụ thể để bảo đảm thu hồi vốn.
Không dừng lại ở đó, dự báo năm 2023 nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục thắt chặt các điều kiện cho vay như giảm giá tài sản thế chấp, thẩm định… Những điều này càng khiến các HTX khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất đang ở mức cao nên chỉ có HTX nào hoạt động thực sự mạnh, có nhu cầu lớn mới tìm đến ngân hàng.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng có các yêu cầu rõ ràng khi vay vốn là đúng nhưng không phải vì vậy mà đặt ra các thủ tục rườm rà, chưa đúng với thực tiễn hoạt động của HTX… Và thực trạng này vẫn chưa có nhiều thay đổi trong suốt thời gian qua. Bởi vì trong thực tế, nhiều HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay hay trở ngại do lãi suất cao thì gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỷ đồng, lãi suất 2% lại chưa thể tiêu hết khi kết quả giải ngân vẫn chưa như kỳ vọng.
Chính vì vậy, cần phải xem xét thay đổi các quy định có liên quan về điều kiện được vay vốn hỗ trợ, phải có giải pháp phù hợp và đơn giản hơn cho phía khách hàng vay là các HTX.
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu (Long An), cho rằng hiện các HTX phục hồi rất ít, đa phần họ rơi vào tình trạng kiệt quệ, nợ ngân hàng rơi vào nợ xấu. Trước thực trạng như hiện nay, không nên áp dụng quy định về nợ xấu trong gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Bởi theo ông An, quy định đó chẳng khác nào “thách đố” HTX không thể vay vốn.
Còn theo ông Bế Văn Kiểu, Nhà nước và ngân hàng cần linh động cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ vì thiên tai, dịch bệnh là những trường hợp bất khả kháng theo đúng nghĩa đen nên cần tạo điều kiện cho HTX “nuôi nợ” để có điều kiện hoạt động trả nợ cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần có thêm những buổi trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan nhà nước, ngân hàng với các tổ chức kinh tế tập thể để có thể nắm bắt đúng và trúng những khó khăn của các HTX. Từ đó có hướng giải quyết và ban hành các chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi một cách phù hợp. Có như vậy mới tăng được niềm tin của khu vực kinh tế tập thể vào các tổ chức tín dụng.