Phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả: Cần cái bắt tay giữa HTX và doanh nghiệp

Phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả: Cần cái bắt tay giữa HTX và doanh nghiệp

Các HTX đang góp phần không nhỏ trong việc hình thành các chuỗi giá trị cây ăn quả ở miền núi phía Bắc để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều khó khăn nội tại và khách quan đang khiến không ít HTX chưa thể phát triển và mở rộng chuỗi giá trị cây ăn quả.

Theo thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 1,17 triệu ha cây ăn quả, trong đó các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có khoảng 266.000 ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả của toàn miền Bắc. Đây cũng là vùng cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên kết còn lỏng lẻo

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Ngọc Lan (Sơn La) cho rằng, vấn đề thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, thị trường tiêu thụ… các loại cây ăn quả của HTX vẫn thiếu ổn định, dẫn đến thu nhập của HTX và thành viên chưa cao.`

Còn theo bà Nguyễn Thị Dung, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La), hiện không chỉ HTX Ngọc Hoàng mà nhiều HTX khác đều đang phát triển trồng cây ăn quả, nên diện tích lớn. Trong khi đó, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chế biến và bảo quản các loại quả vẫn còn khó khăn do chưa có kho lạnh.

“Nhãn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cần đảm bảo độ lạnh nhất định rồi mới đưa lên container để tránh hoa quả bị sốc nhiệt, nhưng các HTX hiện còn gặp khó khăn ở khâu này” bà Dung nói.

Những vấn đề trên là tình trạng chung của các HTX sản xuất cây ăn quả ở vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay. Nguyên nhân một phần là do hạ tầng yếu kém nên chưa hình thành được các vùng nguyên liệu của HTX gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Doveco Sơn La cho biết, hiện doanh nghiệp đã liên kết với hàng chục HTX ở Sơn La để thu mua, bao tiêu các loại quả về chế biến, tuy nhiên do các tỉnh miền núi phía Bắc chưa phát triển hệ thống giao thông nên công tác thu hoạch, vận chuyển, tập kết các loại quả từ vùng trồng về nhà máy chế biến gặp rất nhiều khó khăn.

Cần tháo gỡ khó khăn cho các HTX trồng cây ăn quả thì mới phát triển được các chuỗi giá trị bền vững.

Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn giữa HTX và doanh nghiệp cũng gặp những thách thức, khó khăn khi địa hình ở miền núi phía Bắc chia cắt, chủ yếu đồi núi nên không thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Việc này cũng gây khó khăn cho quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo diện tích, quy mô sản xuất.

Những vấn đề trên đã kéo dài thời gian, tăng chi phí, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Năng lực sơ chế, chế biến các loại quả của các HTX trong vùng còn chưa mạnh khiến nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định và mang tính đặc thù theo mùa vụ.

Chính vì lẽ đó mà dù các HTX đã hình thành được các vùng nguyên liệu nhưng tỷ lệ liên kết còn thấp. Đến nay, các tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc mới phát triển được 206 chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết cũng mới đạt 23%. Các nhà máy chế biến ở các tỉnh miền núi cũng chỉ hoạt động 40-50% công suất thiết kế.

Đánh thức chuỗi giá trị

Liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây là xu hướng tất yếu, giúp chuyển đổi dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất đều đóng vai trò là mắt xích quan trọng để đảm bảo mối liên kết vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo thống kê, các tỉnh miền núi phía Bắc hiện có diện tích cây ăn quả khoảng 266 nghìn ha, chỉ chiếm khoảng trên 20% diện tích cây ăn quả trên cả nước.

Đặc biệt, dù đã có mặt ở tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng cây ăn quả có múi không có nhiều lợi thế về mặt xuất khẩu như ở các tỉnh phía Nam với bưởi da xanh, bưởi năm roi…

Vì vậy, muốn phát triển các chuỗi giá trị cây ăn quả có múi, các HTX cần chú trọng nâng cao chất lượng hơn là mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, phát triển cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải chú trọng đến việc thay đổi giống cây trồng.

Bởi, theo đại diện của các doanh nghiệp chế biến tại Sơn La, cây cam và một số cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền núi Bắc hiện không có nhiều lợi thế xuất khẩu và chế biến một phần là do các giống cây này có hạt nhiều.

Hay đối với quả xoài bản địa ở Sơn La hay quýt bản địa Bắc Kạn hiện có tiềm năng lớn, thơm ngon, nhưng lại quá bé, hạt to hoặc nhiều hạt nên tiêu thụ khó, chế biến cũng không thuận tiện.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cũng là một vấn đề. Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch Vĩnh Phúc (Hà Giang) cho biết, không chỉ cam mà nhiều loại quả khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn rơi vào tình trạng giá thành sản xuất vẫn còn quá cao so với mặt bằng của thế giới.

“HTX đã làm việc với doanh nghiệp với mong muốn được bao tiêu phục vụ chế biến nhưng có doanh nghiệp cho biết chỉ khi nào giá cam nguyên liệu xuống dưới mức 7.000-8.000 đồng/kg thì mới có thể chế biến và có sức cạnh tranh. Trong khi giá cam ở mức này lại không bảo đảm được thu nhập cho thành viên”, ông Thuyết nói.

Tại Hội nghị “Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn vùng miền núi phía Bắc phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mặc dù các HTX ở vùng trung du miền núi phía Bắc tham gia trồng cây ăn quả đã tăng nhưng chưa liên kết bền chặt được với các doanh nghiệp, tỷ lệ liên kết theo chuỗi chưa nhiều.

Chính vì vậy, điều cần làm trước tiên là các HTX sản xuất cây ăn quả nên gắn bó, liên kết với nhau thành các liên hiệp HTX để hạn chế sự lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhau trong sản xuất, vận chuyển để giảm bớt chi phí, từ đó tạo động lực để có thể cung cấp lượng nguyên liệu quả lớn, đa dạng mùa vụ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, muốn HTX làm được những điều trên, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp cần phải cởi mở và hoàn thiện. Cụ thể là chính sách phát triển chuỗi giá trị theo Nghị 98/2018/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ máy móc phục vụ sơ chế chế biến, chính sách hỗ trợ đất đai để các HTX xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến…

Đặc biệt, sản xuất cây ăn quả cần đầu tư nhiều, diện tích lớn nhưng thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết, gây thiệt hại cho các HTX. Tuy nhiên, chi phí tham gia cho bảo hiểm lớn, việc kiểm tra, giám định tổn thất và bồi thường gặp khó khăn nên phí bảo hiểm nông nghiệp thường cao so với khả năng tài chính của nông dân, thành viên HTX.

Bên cạnh đó, điều kiện tham gia và thực hiện bảo hiểm phức tạp, giải quyết bồi thường bảo hiểm thường chậm, thủ tục phiền hà, gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm.

Chình vì vậy, ông Lê Đức Thịnh kiến nghị Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về phí bảo hiểm để nông dân, thành viên HTX có thêm cơ hội tham gia, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế tập thể. Có như vậy, HTX và doanh nghiệp mới có thể bắt tay lâu dài trong phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả ở vùng miền núi phía Bắc.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top