Vắng danh mục vật tư đầu vào, HTX khó sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Vắng danh mục vật tư đầu vào, HTX khó sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Hàng loạt câu hỏi như sản xuất nông nghiệp hữu cơ có dùng thuốc trừ sâu, phân bón không? Những phân bón nào, thuốc trừ sâu nào được dùng trong canh tác hữu cơ để vừa đảm bảo chất lượng nông sản lại không gây hại cho môi trường?… vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ với nhiều HTX.

Theo đại diện một số HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tình trạng trên là vì hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể, hay danh mục thuốc trừ sâu, phân bón cho ngành nông nghiệp hữu cơ nên nhiều HTX phải vừa sản xuất vừa phải tự “dò đường” khiến hiệu quả sản xuất chưa thực sự như mong đợi.

Trăm cái khó

Bà Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp hữu cơ V-Organic (Hòa Bình) cho biết, qua tìm hiểu và thực tế bà thấy rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của một số nước như Nhật, Mỹ có chất lượng vượt trội là do ngay từ nguồn đầu vào như phân bón và thuốc trừ sâu đều có sản phẩm dành riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này vẫn bị bỏ trống, từ đó gây khó khăn cho HTX, người dân khi sản xuất hữu cơ.

Hay như HTX Nông nghiệp Trung Na (Hà Nội) đang sản xuất rau theo phương pháp 5 không: không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng. Ngược lại HTX phải chủ động phối trộn phân bón hữu cơ hoặc đầu tư tiền mua phân, thuốc hữu cơ nhưng mọi việc không hề đơn giản vì chi phí lớn và không phải ở đầu cũng có phân, thuốc dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến đầu năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 ha canh tác hữu cơ. Như vậy, sau 10 năm, diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng trên 223.000 ha.

HTX gặp khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì không biết lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như thế nào.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tốc độ phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn chậm, chưa phù hợp với tiềm năng thế mạnh sẵn có vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân về việc chưa có tiêu chuẩn, danh mục cụ thể trong sử dụng các vật tư đầu vào. Điều này gây khó khăn, lúng túng cho các HTX và người dân, từ đó kéo tăng chi phí.

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Gia Cát (Lạng Sơn) cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, để làm được điều này, HTX phải có được nguồn vốn lớn và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ phải phổ biến. Có như vậy mới thu hút những chủ vườn liền kề sản xuất theo mô hình này.

Ngược lại, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng khi đưa nông sản ra thị trường. Cụ thể là HTX phải nhiều lần đưa mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón đi kiểm tra ở các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và gửi kết quả cho đối tác để xác nhận. HTX cũng phải làm kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau củ quả thêm một lần nữa trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần.

Cấp bách công bố danh mục vật tư

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không hề đơn giản một chút nào. Ngoài các tiêu chuẩn về nguồn nước, đất, khu vực sản xuất… các HTX phải bảo đảm sử dụng đúng các loại phân hữu cơ. Tuy nhiên, phân hữu cơ là những loại như thế nào, danh mục những loại được sử dụng trong sản xuất ở Việt Nam ra sao thì hiện đang chưa có nên hầu hết các HTX phải tự làm đủ các xét nghiệm, kiểm định cho từng vụ để mong có nông sản đúng theo tiêu chuẩn xuất ra thị trường.

Ngay như tại hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có hơn 60 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về phân bón, bao gồm các tiêu chuẩn về quy định kỹ thuật đối với phân ure, phân DAP, phân hữu cơ vi sinh vật, chế phẩm sinh học; các tiêu chuẩn về lấy mẫu và phương pháp xác định các chỉ tiêu của phân bón…

Trong đó cũng có tiêu chuẩn quốc gia cho phân lân nung chảy là TCVN 1078:2018. Tuy nhiên tiêu chuẩn này chưa có tiêu chí quy định cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay mới chỉ có quy định phân lân nung chảy là vật tư nông nghiệp sẵn có ở Việt Nam, dựa trên nguồn tài nguyên quặng apatit, secpentin. Tuy nhiên, do phân lân nung chảy được phân loại vào nhóm phân vô cơ, nên vẫn đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau về việc sử dụng loại phân này trong nông nghiệp hữu cơ.

Chính vì vậy việc xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với phân lân nung chảy dùng trong nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gỡ khó cho cả nhà sản xuất phân bón lẫn các cơ sở, hộ dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết hiện vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ chưa có danh mục, số lượng cụ thể và công khai. Đây chính là rào cản cho sản xuất, kiểm tra và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ.

Cùng quan điểm, bà Đỗ Thị Tuyết, đại diện Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến vật tư hữu cơ đầu vào được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng công khai danh mục các vật tư đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, bà Tuyết cũng lưu ý, việc công bố danh mục vật tư đầu vào phải đảm bảo có thể đẩy mạnh việc hài hòa giữa tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn trong việc phải xin chứng nhận, kiểm định nhiều lần của HTX và người dân.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top