Trao đổi về sửa đổi Luật HTX: Đừng để quy định trở thành rào cản HTX (Bài 8)

Trao đổi về sửa đổi Luật HTX: Đừng để quy định trở thành rào cản HTX (Bài 8)

Cũng vẫn liên quan đến vấn đề tài chính, hạch toán hay phân chia lợi nhuận của HTX, có nhiều vướng mắc, tồn tại từ Luật HTX 2012 mà dự thảo Luật sửa đổi vẫn chưa giải quyết được. Những quy định không rõ hay bất cập, gây khó khăn, thiệt thòi cho HTX sẽ trở thành rào cản thành viên gắn bó với HTX, rào cản HTX thu hút thành viên. Và điều đó cũng làm cho luật sẽ khó khả thi, khó áp dụng trên thực tế hơn.

Cụ thể là các quy định liên quan đến khái niệm “mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ” và “mức độ đóng góp công sức lao động” khi phân phối lợi nhuận sau thuế, sau nghĩa vụ đóng góp ngân sách, sau trích lập các quỹ của Điều 61, dự thảo Luật. Việc chia lãi, phân phối thu nhập cho thành viên chỉ được thực hiện sau khi HTX đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp ngân sách, sau khi nộp các loại thuế là đúng với các quy định về tài chính, kế toán và thuế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Các tổ chức kinh tế khác, các loại hình doanh nghiệp khác cũng phải tuân thủ như vậy, chỉ được chia lãi phần còn lại sau khi đóng đầy đủ các loại thuế theo quy định như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Không để HTX và thành viên bị thiệt thòi

Vấn đề khúc mắc, bật cập ở đây là chi phí nào của HTX được ghi nhận, công nhận khi quyết toán để đảm bảo đúng quy định và không gây bất lợi, thiệt thòi cho HTX. Giao dịch kinh doanh của thành viên HTX là thực hiện mua hàng, sử dụng dịch vụ hay bán hàng cho HTX. Và khi nào thì HTX có lãi? Đó là khi thành viên chấp nhận giá mua từ HTX cao hơn chứ không phải mua giá thấp nhất có thể. Thành viên chấp nhận giá bán cho HTX thấp hơn chứ không phải giá cao nhất có thể. Nhờ thế, HTX cuối năm có chênh lệch, có thặng dư hay lợi nhuận. Phần thặng dư hay lợi nhuận đó, theo quy định của Luật, cuối năm sẽ chia lãi cho thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ, mức độ mua bán hàng hóa của họ với HTX. Vấn đề nghe có thể rất hợp lý, lô gíc đấy. Nhưng HTX chỉ được chia lãi đó sau khi nộp thuế, đóng góp ngân sách. Trong khi đó, đáng lẽ thành viên có thể được hưởng nhiều hơn từ trước đó, tức trước khi nộp thuế, từ khi họ bán hàng cho HTX giá cao hơn hay mua hàng cho HTX giá thấp hơn. Lợi nhuận của HTX cuối cùng sẽ ít hơn trước nhưng đó do là chi phí hợp lệ cao hơn khi mua bán, kinh doanh dịch vụ. 

Việc quy định mang tính hỗ trợ ưu tiên thuế cho HTX cần được xem xét kỹ càng để đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định chế độ tài chính, hạch toán kế toán của Bộ tài chính.

Để dễ hiểu hơn, xin đưa ra ví dụ, thành viên bán rau cho HTX giá 11.000 đ/kg để HTX tiêu thụ cho siêu thị giá 14.000 đồng/kg. Và thành viên mua phân bón của HTX giá 12.000/kg, trong khi HTX nhập giá sỉ lượng lớn với giá 10.000 đồng/kg. Chênh lệch hay lợi nhuận HTX có được vào cuối năm chủ yếu là từ chênh lêch đầu ra, đầu vào 3.000 đồng/kg rau hay 2.000 đồng/kg phân bón. Nếu HTX trả trước cho thành viên, chẳng hạn trả thêm 1.500 đồng/kg rau tức mua của thành viên 12.500 đồng, hay bán phân bón rẻ hơn 1.000 đồng/kg, tức bán chỉ 11.000 đồng, thì thành viên được lợi luôn ngay từ đầu giao dịch. Ai bán rau nhiều có thêm tiền. Ai mua phân bón nhiều sẽ bớt chi phí mua phân bón. Đây chính là động cơ “tiền tươi, thóc thật”, ai dùng nhiều dịch vụ, hưởng lợi nhiều hơn. Thành viên được hưởng tốt nhất ngay và luôn khi sử dụng dịch vụ của HTX, không phải đợi cuối năm đong đếm, phân chia theo quy định về “mức độ sử dụng dịch vụ”. 

Nếu quy định như dự thảo, sau thuế, sau trích các quỹ mới chia lãi, mới phân phối lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ, thì có thể là nhầm lẫn, chưa hoàn toàn đúng về mặt kế toán. Nếu trả trước cho thành viên như trên, chi phí của HTX tăng lên (trong trường hợp HTX mua rau của thành viên chẳng hạn), hay doanh thu bán hàng của HTX giảm xuống (do HTX bán phân bón rẻ hơn, giá thấp hơn). Việc ghi nhận chi phí tăng hay doanh thu giảm, hoặc đồng thời cả hai là hợp lệ, hợp pháp, đúng quy định kế toán và được cộng nhận. Quan trọng hơn là việc đó đem lại lợi ích thiết thực, lợi ích trực tiếp, lợi ích kinh tế ngay lập tức cho thành viên, cho người sử dụng dịch vụ. Làm như vây sẽ tăng tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của HTX, khuyến khích thu hút thành viên gia nhập HTX, sử dụng nhiều hơn dịch vụ của HTX. Đồng thời sẽ thuận lợi hơn, đỡ phức tạp khi lợi nhuận hết năm tài chính chỉ chia lãi theo vốn góp. Như vậy cũng sẽ hợp tình, hợp lý hơn, hạn chế được những xung đột, mâu thuẫn lợi ích hay lo lắng bị thiệt thòi của thành viên góp vốn như các tình huống có thể xảy ra như trên. 

Cần xem xét các quy định tài chính gây bất lợi cho HTX

Tương tự, là vấn đề liên quan đến khái niệm “mức độ đóng góp công sức lao động”. Việc quy định khái niệm “đóng góp công sức lao động”, nếu hiểu chung chung, cũng có thể dễ gây tranh cãi, khó khăn để quyết định liên quan đến chia lãi, phân phối lợi nhuận. Còn một khi nếu đã định lượng được, chẳng hạn tiền công sức tính theo giờ, tính theo ngày công, hay tính theo tháng thì bản chất không khác gì tiền lương hay chi phí thù lao, chi phí nhân sự. Và các chi phí này, hoàn toàn được phép và phải được hạch toán vào chi phí của HTX khi quyết toán năm, lập báo cáo tài chính, theo các quy định về tài chính, hạch toán, kế toán. Các chi phí nhân sự này được hạch toán từ trước, quyết toán là chi phí, tức là trước khi tính thuế, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Điều này thực hiện đơn giản và hợp lệ, hợp pháp. Và HTX cũng sẽ được giảm thuế phải nộp khi phần chi phí nhân sự này được công nhận và hạch toán từ trước.

Do vậy, dự thảo Luật HTX rất cần có xem xét cẩn trọng, rõ ràng, chính xác hơn với những quy định về tài chính, phân phối lợi nhuận liên quan tới khái niệm “mức độ sử dụng dịch vụ” hay “mức độ đóng góp công sức lao động”. Trong điều 111 của dự thảo có các quy định về chính sách thuế, phí cho HTX, ví dụ như “3.b) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thặng dư từ giao dịch bên trong của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; 3.c) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập trích lập quỹ chung không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia”. Trên thực tế, việc một HTX cuối năm bóc tách, phân loại giao dịch trong hay ngoài không đơn giản, rất dễ sai sót, nhầm lẫn và mất nhiều công sức. Chưa kể, về mặt pháp lý, những quy định về miễn giảm thuế phải do Luật thuế quy định, không phải do luật tổ chức kinh tế quy định. Chẳng hạn, luật doanh nghiệp không thể quy định giảm thuế, phí cho các loại hình doanh nghiệp, luật HTX không thể quy định miễn giảm thuế cho HTX hay các loại hình kinh tế hợp tác. Nếu các luật quy định khác nhau, vênh nhau thì sẽ phải theo luật chuyên ngành là luật thuế. Ví dụ, hiện tại Luật thuế năm 2020 mới chỉ quy định liên quan đến mục 3.c) ở trên, dù chưa đầy đủ. Còn theo mục 3.b) thì chưa có quy định trong Luật thuế, chắc sẽ không hay chưa thực hiện được. 

Vì vậy, việc quy định mang tính hỗ trợ ưu tiên thuế cho HTX cũng cần chú ý, xem xét kỹ càng để đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định chế độ tài chính, hạch toán kế toán của Bộ tài chính. Rất mong các chuyên gia kế toán, chuyên gia thuế cho thêm ý kiến. Việc quy định đúng và rõ vấn đề này cũng sẽ giúp HTX không bị thiệt thòi lợi ích khi những chi phí hợp pháp, hợp lệ không bị bỏ ra ngoài, không tính vào quyết toán thuế. Khi đó, thành viên HTX sẽ cảm thấy công bằng, an tâm khi góp vốn nhiều hơn vào HTX, giúp HTX có cơ hội phát triển bền vững từ nội lực của chính các thành viên của mình.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top