HTX đang ở đâu trong hành trình OCOP?

HTX đang ở đâu trong hành trình OCOP?

Việc phát triển sản phẩm OCOP đang giữ một vai trò “kép” hết sức quan trọng, vừa hỗ trợ thành viên HTX chuyển đổi sản xuất theo thị trường, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gia tăng. Tuy nhiên, dù bước vào giai đoạn 2 của quá trình xây dựng OCOP nhưng không ít HTX đang đứng trước “nút thắt” phát triển sản phẩm theo hướng bền vững.

Thống kê cho thấy, cả nước đã có 8.565 sản phẩm đạt 3 sao trở lên với 4.392 chủ thể, trong đó 40% chủ thể là các HTX. Theo nhìn nhận chung, dù đã và đang tích cực tham gia vào chương trình OCOP nhưng số lượng HTX là chủ thể vẫn chưa thực sự lớn.

Sản phẩm na ná nhau

Ông Sơn Minh Thành, Giám đốc HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết sản phẩm của HTX đạt chứng nhận OCOP nhưng giá bán vẫn không cao hơn. Đầu ra chủ yếu vẫn do các thành viên HTX tự xoay xở, kết nối, bán lẻ trên thị trường tự do là chính.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP của các HTX khó tiêu thụ là vì sản xuất theo mùa vụ nên chỉ có thể đưa ra thị trường trong một thời gian nhất định. Đây chính là điểm yếu của các sản phẩm OCOP nên khó đáp ứng được các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối. Trong khi các nhà phân phối, doanh nghiệp đều cần tính liên tục của sản phẩm để bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng hiện nay, các sản phẩm hàng hóa OCOP có chất lượng, mẫu mã, tên gọi na ná nhau và có sự tương đồng khá cao. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ, “hoa mắt” trước các sản phẩm và cũng làm giảm đi tính cạnh tranh từ sản phẩm OCOP của các HTX.

Ngay như sản phẩm chè, hầu hết các địa phương thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc đều có sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Chỉ tính riêng thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đến nay có 27 sản phẩm OCOP thì đến 26 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chè. Nếu không quan sát và tìm hiểu kỹ, nhiều người tiêu dùng khó có thể phân biệt được chất lượng và mẫu mã sản phẩm chè của các HTX sản xuất.

Cần lưu ý đến tính đặc trưng để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

PGS.TS. Trần Văn Ơn, Cố vấn OCOP Quốc gia cho biết, nhiều HTX vẫn chưa có tính sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP. Nguồn cơn của vấn đề này là do các thành viên HTX chưa hiểu thấu đáo về sản phẩm và chương trình OCOP, chưa được đào tạo nên lúng túng trong phát triển sản phẩm, dẫn đến bắt chước người khác. Điều này làm cho nhiều sản phẩm na ná nhau, khó bán.

Thực trạng này còn tạo điều kiện cho các đơn vị làm ăn chộp giật giả danh, nhái nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm OCOP và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các HTX làm ăn chân chính.

Theo kế hoạch của Nhà nước, hiện nay đã bước sang giai đoạn 2 của chương trình OCOP, tức là các chủ thể cần đi sâu vào nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chứ không đơn thuần ở việc xác định hay xây dựng sản phẩm OCOP. Vậy nhưng hiện nay vẫn còn những HTX tuy đầu tư cho mẫu mã sản phẩm nhưng thiết kế bao bì chưa phù hợp.

Nhiều HTX tập trung đầu tư bao bì quá đẹp cho sản phẩm OCOP tiêu dùng bình thường (có HTX chi đến 70% giá thành cho bao bì), trong khi giá của sản phẩm đã được khách hàng định nghĩa ở mức thấp. Điều này dẫn đến tình trạng thua lỗ, khó phát triển sản phẩm OCOP.

Đi liền với đó là khâu đóng gói vẫn chưa đảm bảo được tính tiện dụng. Nhiều sản phẩm được HTX đóng trong một bao lớn (miến dong) nhưng khách hàng lại cần nhiều gói nhỏ để tiện sử dụng. Có HTX đóng gói quá kỹ nên người tiêu dùng gặp khó trong lúc mở sản phẩm.

Làm nổi bật tính đặc trưng

Sau một quá trình tham gia của các chủ thể và sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, cả nước có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đặc biệt là trong 20 sản phẩm này đã có 5 sản phẩm là của các HTX và 2 sản phẩm là do các thành viên liên kết sản xuất với các HTX. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các HTX nông nghiệp đang được khẳng định trong nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng các HTX muốn phát triển sản phẩm OCOP thì cơ quan quản lý cần có định hướng rõ ràng cho HTX nhưng không nên giới hạn số lượng sản phẩm. Điều này nhằm phát huy thế mạnh trong liên kết của mô hình kinh tế tập thể để phát triển sản phẩm OCOP. Và khi có nhiều sản phẩm OCOP tức là HTX đang tuân thủ quy luật cạnh tranh của thị trường là “Có cạnh tranh thì mới có phát triển”.

Tuy nhiên, để hạn chế các sản phẩm “na ná nhau”, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng, cơ quan quản lý có thể định hướng HTX bằng chính sách như: HTX nào có sản phẩm mới thì được ưu tiên hỗ trợ, hoặc đưa vào tiêu chí lựa chọn và thông qua đào tạo huấn luyện theo chu trình.

Còn theo Ts Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, để tránh tính trạng sản phẩm OCOP hao hao giống nhau, HTX cần đặc biệt quan tâm đến tính độc đáo, tính khác biệt của mỗi sản phẩm của mình làm ra. Sự khác biệt của sản phẩm hàng hóa có thể đến từ yếu tố điều kiện khí hậu, tự nhiên, xã hội; tính đặc sắc về truyền thống, văn hóa dân tộc thiểu số ẩn sau mỗi sản phẩm hay cách làm bao bì… Qua đó vừa xây dựng được thương hiệu đặc trưng, vừa gắn sản phẩm với xu hướng tiêu dùng mới, hiện đại ngày nay.

Tuy nhiên, một điều cần quan tâm là ngay trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, HTX mong muốn nhất là được hỗ trợ trong tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực,… Điều này có nghĩa là Nhà nước phải đồng hành cùng HTX ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang