Rơm và hành trình mang lại giá trị cao

Rơm và hành trình mang lại giá trị cao

Phụ phẩm rơm rạ từ sản xuất lúa có thể dùng làm thức ăn cho trâu, bò và làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều quá trình sản xuất khác giúp mang lại giá trị cao. Không để rơm rạ lãng phí, đốt bỏ trên đồng, nhiều nông dân TP Cần Thơ đã thu gom rơm để trồng nấm rơm và tạo ra phân bón hữu cơ từ rơm sau trồng nấm. Quá trình này không chỉ giúp nâng cao chuỗi giá trị cây lúa mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn.         

Những năm gần đây, nông dân trồng lúa có thể dễ dàng thu gom rơm nhờ có máy cuốn rơm và dịch vụ thu gom rơm, với giá thuê từ 9.000-10.000 đồng/cuộn. Mỗi héc-ta lúa, nông dân có thể thu được từ 140-160 cuộn rơm.
Rơm thu được sau các vụ lúa, nông dân dùng để trồng nấm rơm hoặc bán rơm với giá 20.000-26.000 đồng/cuộn, chậm chí cao hơn.
Nhờ phát triển sản xuất nấm rơm, nhiều lao động tại các vùng nông thôn cũng có cơ hội nâng cao thu nhập nhờ tham gia vào quá trình trồng, thu hoạch, mua bán nấm rơm. Riêng giá thuê nhân công trồng và thu hoạch nấm rơm ở mức 25.000-30.000 đồng/giờ.
Mỗi vụ trồng nấm rơm chỉ kéo dài khoảng 1 tháng và mỗi cuộn rơm khi chất nấm rơm có thể cho thu hoạch tới 1,5-2kg. Nếu giá nấm rơm giữ ở mức từ 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi cuộn rơm có thể giúp tạo ra nguồn thu khá cao từ việc trồng nấm rơm.
Rơm sau khi chất nấm, được phơi khô để sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt, nông dân có thể dùng bón cho rau màu, hoa kiểng và nhiều loại cây trồng. Giá rơm sau chất nấm hiện ở mức khoảng 100.000 đồng/bao 40kg.
Với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các đơn vị có liên quan, hiện nông dân tại Tổ hợp tác Nông trại xanh ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đã sử dụng rơm kết hợp cùng các phế phụ phẩm khác trong trồng trọt và chăn nuôi để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ tổng hợp. Tổ hợp tác Nông trại xanh đóng gói sản phẩm thành dạng bao 20kg và gói 2,5kg, với giá bán 80.000 đồng/bao và 12.000 đồng/gói.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top