Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Vẫn còn nhiều khúc mắc về tài sản, tài chính HTX (Bài 7)
Mô hình HTX là nòng cốt của kinh tế tập thể. Các quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của mô hình HTX trong Luật HTX sửa đổi vì thế cũng là nội hàm chính yếu, là phần quan trọng nhất của Luật này. Những nội dung về tài chính, tài sản của HTX được quy định nhiều, khá dài và cũng khá chi tiết. Tuy nhiên, đây cũng lại là nội dung được tranh luận nhiều từ các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội và từ chính các HTX…
Trong dự thảo 6 của Luật HTX sửa đổi, toàn bộ chương IV với 15 điều (từ điều 52 đến điều 66) là các quy định liên quan đến tài sản và tài chính của HTX. Có nhiều khái niệm cũng không hề dễ hiểu chút nào như quỹ chung không chia; tài sản chung được chia; tài sản chung không chia; tài sản góp vốn,…
Tài sản HTX là của ai?
Tưởng rằng đây là câu hỏi dễ trả lời nhưng không phải thế, nhất là với những quy định không chỉ khó hiểu, mà biết đâu có thể cả nhầm lẫn hay lẫn lộn trong dự thảo Luật HTX sửa đổi?! Trong điều 63 của dự thảo có quy định: “Tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân bao gồm tài sản chung được chia và tài sản chung không chia được hình thành từ nguồn sau đây: a) Vốn góp của thành viên chính thức, thành viên liên kết có góp vốn, phí thành viên liên kết không góp vốn; b) Vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác; c) Vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động; d) Khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho bằng hiện vật khác.”
Một công ty TNHH Ba Sao có 3 thành viên chẳng hạn thì tài sản của công ty Ba Sao đó là tài sản thuộc sở hữu chung của ba thành viên theo tỷ lệ họ góp vốn. Công ty cổ phần Năm sao có 5 cổ đông thì tài sản của công ty là tài sản thuộc sở hữu chung của 5 cổ đông đó. Một HTX dịch vụ vận tải có 7 thành viên thì tài sản của HTX thuộc sở hữu chung của 7 thành viên HTX đó. Một HTX dịch vụ nông nghiệp có 46 thành viên thì tài sản của HTX thuộc sở hữu chung của 46 thành viên đó. Một quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có 1.200 thành viên thì tài sản của QTDND thuộc sở hữu chung của 1.200 thành viên đó. Tương tự, một công ty liên doanh, tỷ lệ góp vốn là 51% và 49%, thì tài sản của công ty liên doanh là tài sản thuộc sở hữu chung của hai bên góp vốn.
Như vậy tài sản của một doanh nghiệp như công ty TNHH hai thành viên trở lên, của công ty cổ phần, công ty liên doanh hay của hợp tác xã đều thuộc sở hữu của tập thể những người góp vốn. Tài sản của HTX là tài sản thuộc sở hữu của tập thể các thành viên góp vốn vào HTX. Đây là một nhóm người xác định. Nhà nước hay chính quyền không tham gia góp vào vốn điều lệ của HTX, và do đó không là người chủ sở hữu hay đồng chủ sở hữu tài sản của HTX. Vai trò của Nhà nước, của chính quyền là vai trò, chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Nói cách khác chữ “tập thể” ở đây là một nhóm người có xác định chứ không phải là “toàn dân” hay “toàn thể cả cộng đồng” một cách chung chung, không xác định.
Ngay tại phiên thẩm định Dự thảo luật HTX sửa đổi của Bộ tư pháp ngày 3/8/2022, thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã có ý kiến nhấn mạnh “HTX thuộc lĩnh vực tư và nên được phép làm tất cả những điều mà pháp luật không cấm, để thỏa thuận được càng nhiều càng tốt, do đó dự thảo Luật không nên quy định quá nhiều các thủ tục phức tạp.” (Nguồn: Bộ Tư pháp, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=5329)
Những quy định chi tiết của Dự luật HTX sửa đổi về tài sản chung không chia cho thấy có những ý kiến lo ngại nhất định từ các cơ quan chức năng. Đó là vấn đề các tài sản của Nhà nước, chính quyền trước kia giao cho HTX sử dụng quản lý, ví dụ như nhà xưởng, sân kho, trạm thủy lợi, hồ chứa nước, kênh dẫn nước, v.v. Các lo ngại đó hoàn toàn có lý, có cơ sở nhất định khi mà các tài sản này, có thể bị bán, bị phân chia, chuyển nhượng và cuối cùng lọt vào tay cá nhân. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ ràng, các tài sản nói trên được Nhà nước hay chính quyền giao cho HTX, về bản chất là chỉ cho HTX mượn hay cho HTX thuê. Việc cho mượn hay thuê này, kể cả cho thuê giá rẻ hay miễn phí thuê, có thể dài hạn, hoặc kể cả vô thời hạn. Nhưng đó vẫn là tài sản mượn, là tài sản đi thuê. Tài sản đó thuộc sở hữu của Nhà nước và chính quyền quản lý, đại diện sở hữu. Chủ sở hữu tài sản đó không phải HTX và HTX phải trả lại, hoàn trả hay thanh lý việc thuê, mượn khi hết hạn, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hay khi giải thể, phá sản hoặc không còn nhu cầu cầu sử dụng.
HTX phải được định đoạt tài sản của mình
Còn lại, các tài sản khác, kể cả tài sản của Nhà nước đã được HTX mua lại, một khi nếu đã thừa nhận là tài sản thuộc sở hữu của HTX thì theo hiến pháp, Bộ luật dân sự và pháp luật liên quan, HTX phải được quyền định đoạt, quyết định tài sản đó, kể cả tài sản được cho, tặng và đã chuyển quyền sở hữu cho HTX. Nếu không cho HTX có quyền định đoạt thì không thể gọi đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Đặc biệt, nhiều HTX và thành viên HTX thấy tiếp tục khó hiểu, lo lắng với khái niệm “tài sản chung không chia”, “Quỹ chung không chia” được quy định trong chương IV của Luật. So với luật 2012 hoàn toàn không có đổi mới hay đột phá. Về cơ bản là quan niệm như cũ, quy định có chi tiết nhưng cũng phức tạp hơn nhiều. Nhất là khi giải thể, phá sản với việc thu hồi tài sản chung không chia, bàn giao cho UBND để giao tiếp cho tổ chức kinh tế hợp tác khác,… Vì thế, nhiều thành viên HTX sẽ băn khoăn và cả lo lắng.
Hãy cùng xem, bình thường thì thặng dư hay lợi nhuận của HTX có từ đâu? Đó là từ giao dịch kinh doanh chính với thành viên, cũng là khách hàng của HTX. Thành viên chấp nhận mua hàng, dịch vụ của HTX cao hơn giá có thể mua được, bán hàng cho HTX thấp hơn để HTX có lợi nhuận. Sau đó, thành viên lại phải chấp nhận chia lãi ít hơn vì phải để dành trích lập quỹ chung không chia,… Và quỹ không chia này là không được phép chia, theo quy định dự thảo luật. Vậy là thành viên HTX sẽ lo bị thiệt thòi, họ có thể hoang mang, lo lắng quỹ chung không chia của HTX bị bàn giao nếu HTX giải thể, phá sản,… Nguy cơ dẫn đến hệ quả là HTX và thành viên HTX không còn có động lực để tích lũy, họ chỉ tích lũy ở mức ít nhất, mức tối thiểu để không vi phạm luật. Nếu luật quy định bắt buộc thì có thể họ sẽ đấu tranh đến cùng, để phải trích lập quỹ ít nhất. Thực tế tranh luận, tham gia ý kiến dự thảo Luật hiện nay, khá nhiều đại diện HTX, thành viên HTX đang đấu tranh đòi giảm, càng trích ít càng tốt là như vậy.
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế của các nước có kinh tế HTX phát triển thì tài sản thuộc sở hữu HTX được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ như đối với tài sản của các doanh nghiệp tư khác. Một khi tài sản thuộc về quyền sở hữu HTX thì HTX có toàn quyền định đoạt thông qua Điều lệ hay Nghị quyết Đại hội thành viên của họ. HTX ở nhiều nước cũng có quỹ không chia, và quỹ này sau hàng chục, hàng trăm năm hoạt động của HTX có thể rất lớn. Nhưng có điều là họ KHÔNG MUỐN chia, chứ không phải là không được phép chia như quy định của ta. HTX có quyền tự quyết chia hay không chia tài sản thuộc sở hữu của họ khi giải thể. HTX có quyền hiến tài sản cho Nhà nước, tặng lại cho Liên minh, cho Hiệp hội HTX hay tặng cho một HTX khác. Thiết nghĩ, đây là quyền tự chủ của HTX, không phải sự can thiệp mang tính cấm đoán, hạn chế của Luật.