Hợp tác xã nông nghiệp dẫn dắt nhà nông sản xuất theo chuỗi
Ðể nâng quy mô sản lượng và chất lượng sản phẩm đáp ứng xu thế thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở TP Cần Thơ vừa tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất, vừa dẫn dắt nhà nông hợp tác sản xuất theo chuỗi. Qua đó, không chỉ phát huy vai trò hỗ trợ thành viên HTX gia tăng giá trị nông sản và thu nhập, mà còn góp phần hình thành các vùng chuyên canh nông sản an toàn, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch trong và ngoài thành phố.
Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nhà nông trên cùng một đơn vị diện tích, Ban Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, quận Thốt Nốt đã vận động 38 thành viên và nhiều nông dân vào HTX gầy dựng vùng chuyên canh các loại rau màu theo hướng an toàn. Hiện HTX đã có trên 59ha đất chuyên canh rau màu các loại và hợp tác với nhiều nông hộ trồng bắp với tổng diện tích hơn 500ha, khả năng cung ứng trên 40 tấn bắp/ngày cho các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Ðiều đáng ghi nhận ở HTX là đảm bảo cho thành viên bán bắp với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 500 đồng/kg, giúp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và gần 500 nông dân làm ăn với HTX.
Chia sẻ về hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, nói: Mỗi mùa vụ, HTX cung cấp giống và phân bổ diện tích gieo trồng cây màu cho từng thành viên, dựa trên sản lượng và chủng loại nông sản mà HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đối tác. Cùng đó, HTX còn vận hành một số dịch vụ hỗ trợ thành viên như cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với giá thấp hơn thị trường từ 5%; đồng thời, HTX còn cử cán bộ chuyên môn, hỗ trợ nông dân áp dụng tốt các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất, từ khâu làm đất đến việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đối với từng loại rau màu… Từ đó, đã giúp cho nhà nông trong HTX nâng cao năng lực canh tác hiện đại, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung, có chất lượng an toàn, với sản lượng đủ lớn, đảm bảo cung ứng cho các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.
Bắt tay hợp tác ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại vào sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của thị trường đã giúp HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và ổn định kinh tế cho 10 thành viên và gần 60 nông hộ hợp tác với HTX. Hiện HTX có hơn 18ha diện tích trồng rau màu như rau muống, mồng tơi, rau dền các loại, với năng lực cung ứng ra thị trường từ 5-15 tấn rau/ngày, đạt doanh thu hơn 1,1 tỉ đồng/năm, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng nông sản an toàn của thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, hiện rau an toàn Hòa Phát đã có thương hiệu trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Và để giữ được thương hiệu trên thị trường cũng như ổn định thu nhập cho thành viên, HTX đã từng bước hỗ trợ nông dân trồng rau màu theo hướng an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, Ban Giám đốc HTX đã tích cực hướng dẫn nông dân từ khâu làm đất, đến việc bón phân sinh học với liều lượng hợp lý, giúp cho rau màu được sinh trưởng và phát triển tốt, nhất là hạn chế các loại sâu bệnh, đảm bảo đạt năng suất và chất lượng cao khi thu hoạch. Cùng đó, nhiều nông dân trong HTX còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, máy xới đất và sử dụng hệ thống vận chuyển rau muống bằng đường ray… vào quy trình canh tác để nâng chất lượng rau an toàn sau thu hoạch. Nhờ áp dụng đồng bộ phương thức canh tác theo hướng bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho người sản xuất, nên rau an toàn Hòa Phát ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và được thương lái đến tận ruộng thu mua, giúp thành viên HTX ổn định được đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập.
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, việc tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ đã giúp các HTX nông nghiệp phát huy được vai trò “đầu kéo”, hỗ trợ thành viên HTX phát triển sản xuất kinh doanh theo xu thế thị trường. Song, để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững trong tình hình mới, các ngành, các cấp thành phố cần quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và triển khai các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, từ các khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm. Cùng với đó, làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ, từ các yêu cầu về số lượng đến chất lượng, mẫu mã hay bao bì sản phẩm để định hướng cho các HTX tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối cho các hộ sản xuất với các HTX với nhau và giữa các HTX với doanh nghiệp thu mua, phân phối hàng hóa, nông sản… Từ đây, sẽ tạo điều kiện cho các HTX và người sản xuất tăng cường ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, với giá thành hợp lý, đáp ứng tối ưu yêu cầu của các đối tác, khách hàng, qua đó thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của các địa phương.