Kết nối đầu ra cho nông sản Cần Thơ

Kết nối đầu ra cho nông sản Cần Thơ

TP Cần Thơ hiện nay còn một diện tích đất nông nghiệp rất lớn và thu nhập của nhiều người dân còn dựa vào nghề nông. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thành phố không chỉ quan tâm hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả mà còn chú trọng kết nối đầu ra cho sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động kết nối cung – cầu, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Đa dạng sản phẩm

Sầu riêng được trồng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Cần Thơ hiện có diện tích đất nông nghiệp hơn 114.250ha, trong đó có 78.000ha canh tác lúa, 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm (trong đó có hơn 23.500ha cây ăn trái). Hằng năm, thành phố sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng đạt từ 1,3-1,4 triệu tấn, với chủ yếu lúa chất lượng cao, lúa thơm và đặc sản. Sản lượng trái cây đạt hơn 169.200 tấn, với nhiều loại trái ngon (sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài, mít…). Sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt gần 210.000 tấn. Toàn thành phố có 2.797ha đất nuôi thủy sản, với sản lượng trên 220.000 tấn/năm, sản lượng các loại thịt hơi gia súc gia cầm đạt hơn 40.000 tấn/năm…

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại thành phố đã liên kết được với nhiều doanh nghiệp, siêu thị để đưa sản phẩm đi xuất khẩu và phát triển các kênh tiêu thụ tại nội địa, nhất là đưa hàng vào bán tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Song, nhiều loại nông sản vẫn còn được tiêu thụ chủ yếu dạng tươi thô thông qua thương lái, giá trị chưa cao. Đồng thời, nhiều loại nông sản còn được tập trung thu hoạch theo thời vụ, với sản lượng khá lớn nên dễ gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá”. Do vậy, các nông hộ và HTX rất cần tăng cường liên kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ bền vững, giúp mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để tạo thuận lợi cho kết nối đầu ra sản phẩm nông nghiệp, thành phố đã tích cực hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình cánh đồng lớn và các vùng chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái tập trung, có quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, tạo thuận lợi trong kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, cũng như tiêu thụ nông sản thông qua phát triển du lịch sinh thái.

Liên kết đầu ra

Đến nay, thành phố đã có 104 HTX nông nghiệp, trong đó có 38 HTX sản xuất lúa, 49 HTX trồng cây ăn trái, 17 HTX sản xuất rau màu… Nông dân tại các HTX quan tâm xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện sản xuất các loại nông sản theo hướng an toàn, chất lượng cao, đạt theo VietGAP, Global GAP… Thông qua các HTX này, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: “HTX có hơn 40 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 45ha, trong đó 25ha trồng vú sữa và 20ha trồng sầu riêng. Các diện tích trồng cây ăn trái của HTX đều được sản xuất theo hướng an toàn, sản xuất đạt theo VietGAP và Global GAP. HTX rất mong được tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp. Thời gian qua, vú sữa trồng tại HTX cũng đã được một số doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công sang Mỹ và nhiều thị trường khó tính”.

Mới đây, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phối hợp với Văn phòng điều phối Nông nghiệp Nông thôn vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái tại TP Cần Thơ”. Diễn đàn có sự tham dự của nhiều HTX trên địa bàn TP Cần Thơ và hơn 40 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Tại diễn đàn, bên cạnh việc cung cấp các thông tin về cung – cầu sản phẩm và các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của các thị trường xuất khẩu, các bên liên quan cũng đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để tăng cường liên kết với nhau trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Văn Sỉ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Khang An (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Công ty đang có nhu cầu thu mua một lượng đậu bắp rất lớn để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Để liên kết với công ty, nông dân cần liên kết thành lập HTX và sản xuất theo tiêu chuẩn được công ty đưa ra để sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đạt chất lượng, an toàn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu”.

Theo ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty CP Mekong Herbals (TP Hồ Chí Minh), công ty cũng rất cần xây dựng vùng nguyên liệu lớn trồng sầu riêng Ri 6 theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu. Nông dân muốn liên kết với công ty, cần phải liên kết lại hoặc phải có diện tích trồng sầu riêng liền kề tối thiểu từ 10ha trở lên…

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, hiện nay hoạt động tiêu thụ nông sản đang đi theo hướng cơ chế thị trường và phải thực hiện theo tiêu chuẩn của các quốc gia và nhà thu mua. Con đường tiêu thụ nông sản là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt theo những chuẩn mực của những quốc gia thu mua, có thể có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau và muốn bán được thì chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Đồng thời, cần phải có sự liên kết, kết nối giữa các bên liên quan.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top